*** QUYỀN LỢI TỔ QUỐC & DÂN TỘC LÀ TRÊN HẾT *** KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH ***

2011/03/18

'Mỹ chất' của dân một nước lớn



'Mỹ chất' của dân một nước lớn
 
Ngô Nhân Dụng

Người Việt Nam vốn kính trọng dân Nhật. Mà ít thù hận họ, so với dân các nước Á Ðông khác. Có lẽ vì, không như ở Hàn Quốc và Trung công, thời gian quân Nhật chiếm và cai trị nước ta rất ngắn, tháng 3 đến tháng 8 năm 1945.

Trận động đất ở Fukushima vừa qua lại khiến nhiều người Việt thán phục tinh thần của người Nhật Bản hơn. Ở nhiều quốc gia, khi có một trận động đất làm cho bao nhiêu nhà cửa đổ nát như thế này, một mối lo của giới cảnh sát là người ta đến hôi của tại các cửa hàng. Ở Nhật Bản không thấy.

Chủ Nhật vừa qua, 13 tháng 3, 2011, ông Nguyễn Ðình Ðăng, làm việc ở Nhật Bản từ năm 1995, đã bày tỏ niềm kính trọng trong blog của ông: "...Xem trên TV thấy cụ già được quân lính cõng ra khỏi khu nhà đổ nát, vẫn mỉm cười trả lời phóng viên. Mấy phụ nữ nhận cơm nắm người ta phát trong căn nhà mất điện tối om, vẫn cúi lạy cảm ơn dưới ánh đèn pin. Cũng thấy có người khóc (cụ già và trẻ con). Toàn bộ Nội ác Nhật Bản làm việc hầu như 24/24 từ Thứ Sáu (ngày động đất). Ông kết luận: "Một đất nước mà người dân thực sự bình thản, lịch sự, giữ phẩm cách, rất trật tự, tử tế với nhau trong thảm họa... là một đất nước thực sự vĩ đại."

Hai chữ "vĩ đại" có quá đáng hay không? Chúng ta nhớ trong phim "Chuyện Tử Tế" của Trần Văn Thủy, có đoạn một phóng viên hỏi mấy em bé (với biểu ngữ viết mấy chữ "vĩ đại") rằng: "Các em đã thấy cái gì vĩ đại bao giờ chưa?" Các cháu bé cười! Có lẽ tấm lòng cảm phục diễn tả qua hai chữ "vĩ đại" cũng không phải là quá đáng. Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Ðăng, với hai bằng tiến sĩ Vật lý và Toán học, "đã sống 18 năm thời niên thiếu của mình rồi sau này làm việc vài năm tại Việt Nam, 11 năm tại Liên Xô cũ, một thời gian tại Châu Âu và thăm một số trường đại học tại Hoa Kỳ," theo lời tự thuật trong một bài trước đây. Những lời ngợi khen của ông chắc rất có cân nhắc và rất thành thật.

Một dân tộc, và mỗi con người, khi bị thử thách trong những cơn hoạn nạn, là lúc chứng tỏ mình lớn hay nhỏ, có đáng kính trọng hay không. Một dân tộc sẽ được người ta kính trọng khi tư cách chững chạc, đường hoàng thể hiện ngay trong tư cách của những người dân bình thường, chứ không phải chỉ thấy trong những công trình văn hóa, kinh tế, đồ sộ. Khi nhìn các Kim Tự Tháp ở Ai Cập hay các vận hà và Vạn Lý Trường thành ở Trung công, người ta không quên rằng trong đó cũng thể hiện chế độ khắc nghiệt của các vua chúa và thân phận khốn cùng của hàng vạn dân phu. Nền văn hóa của một dân tộc thể hiện ngay trong cuộc sống hàng ngày của người dân bình thường.

Trong cuốn tự truyện "Niên Biểu," Phan Bội Châu kể những kinh nghiệm đầu tiên đối với dân Nhật vào năm 1905, là trên xe công cộng có ai bỏ quên đồ thì cũng không lo bị ai lấy mất. Cụ đi xe lửa từ Thần Hộ (Kobe) tới Hoàng Tân, xuống ga, chờ hành lý mà không thấy. Nhưng một viên chức đã trấn an, gọi xe đưa cụ Phan và cụ Tăng Bạt Hổ đến quán ăn mà ông ta đã giữ chỗ cho trước. Tới nơi, thì hành lý của họ cũng tới. Hai cụ đã từng bỏ quên đồ trên xe lửa, vài ngày sau tới tìm thấy vẫn ở chỗ cũ. Cụ nhận xét: "Chính trị của cường quốc với trình độ của quốc dân chỉ một việc ấy!" Cho nên, cụ cũng khen người Nhật không khác gì ông Nguyễn Ðình Ðăng, một trăm năm sau: "Mỹ chất của dân quốc nước lớn thiệt có như thế!" Chúng tôi lập lại hai chữ "Mỹ chất" trên tựa đề là để chúng ta cùng tưởng nhớ Phan Bội Châu.

Phan Bội Châu bày tỏ niềm cảm phục khi gặp một người phu kéo xe ở Tokyo. Trở lại Nhật Bản lần thứ hai sau khi về nước, Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ đến Ðông Kinh để tìm một sinh viên người tau  học ở trường Chấn Võ. Một người phu xe biết đọc chữ Hán đưa hai ông khách Việt Nam từ ga xe lửa tới trường, nhưng anh du học sinh đó đã đi ở chỗ khác rồi. Người phu xe bảo hai khách ngoại quốc chờ ở một đầu phố, anh ta đi tìm giúp. Chờ từ 2 giờ đến 5 giờ chiều, anh phu xe trở lại, báo tin đã tìm được địa chỉ. Anh đưa hai người đến khách sạn nơi chàng sinh viên Trung Hoa đang ở trọ. Hai nhà cách mạng Việt Nam muốn đền ơn, đưa cho anh ta một đồng. Anh ta nhất định từ chối, chỉ nhận đúng 52 xu. Anh giải thích: Vì đó là giá một chuyến xe đi từ nhà ga Tokyo đến khách sạn này. Phan Bội Châu kết luận: "Than ôi! Trình độ trí thức dân nước ta xem với tên phu xe Nhật Bản chẳng dám chết thẹn lắm sao!

Một người Việt Nam khác cũng vừa mới "phải hổ thẹn về một bài học làm người" sau khi gặp một em bé lên 9 tuổi trong vùng Fukushima bị động đất. Câu chuyện của anh Hà Minh Thành đã được truyền bá khắp các mạng của người Việt Nam trong và ngoài nước, chỉ xin kể vắn tắt. Cùng với các cảnh sát Nhật đến Fukushima lo việc cứu trợ người bị nạn, anh Thành gặp một em bé 9 tuổi, rét lạnh vì chỉ mặc một mảnh áo thung và chiếc quần cộc tập thể dục, đang xếp hàng chờ nhận thức ăn cấp cứu. Cha mẹ và gia đình em có lẽ đã tử nạn cả. Anh Thành cởi chiếc áo lạnh của mình tặng em bé, em nhận lấy. Anh lại đưa cho em bao lương khô khẩu phần ăn tối của mình. Em bé cúi đầu, nghiêng mình cảm ơn như lối người Nhật. Xong, em đem gói lương khô đó tới để chung vào thùng thực phẩm mà người ta đang phân phát rồi lại quay lại xếp vào hàng như cũ. Anh Thành "mới hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nó trả lời: 'Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ.'"

Hà Minh Thành viết: "Xưa nay tôi không phục người Nhật lắm. Từ khi còn đi học, làm kỹ sư rồi làm cảnh sát thì phải luôn tiếp xúc với những người Nhật ở mặt trái của xã hội. Nhưng mà hành động của người dân Nhật trong vùng động đất bây giờ đã khiến tôi phục họ thật sự." Anh kể chuyện một ký giả Trung công tên là Vương Hy Văn cùng với anh đi ngang qua một ngôi nhà bị sập. Họ trông thấy rất nhiều đồng tiền giấy "có lẽ từ ngôi nhà đó trôi ra, ướt, nằm tứ tán cả bãi đất." Tổng cộng số tiền rơi vãi chắc cũng vài chục triệu yen, một đô la Mỹ hiện đổi được khoảng 78 yen. Nhưng mà chẳng ai thèm nhặt. Cũng giống như năm 1905 Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ thấy không ai lượm lấy đồ người khác bỏ quên trên xe lửa! Một trăm năm sau, nhà báo Trung công cũng phải thú nhận: "50 năm nữa, kinh tế Trung công chắc chắn sẽ đứng đầu thế giới, nhưng vĩnh viễn Trung công không thể được gọi là cường quốc vì 50 năm nữa người Trung công cũng chưa thể có trình độ dân trí và ý thức đạo đức công dân cao như người Nhật hiện tại. Tôi hổ thẹn mình là con cháu của Khổng Tử nhưng không hiểu cái đạo Nhân Nghĩa làm người bằng họ." Vương Hy Văn không dùng hai chữ "vĩ đại" nhưng niềm kính trọng cũng cao như của Nguyễn Ðình Ðăng.

Khổng Tử vẫn còn "sống" ở Nhật Bản trong mấy thế kỷ qua, mặc dù họ đã "duy tân" theo Âu Mỹ được hơn một thế kỷ rưỡi. Nhà báo Mỹ T. R. Reid kể rằng khi các con ông được nhận vào học mấy năm ở trường tiểu học Yodobashi số 6, Tokyo, thì "bài học mạnh nhất mà các con tôi mang theo được sau khi rời ngôi trường Nhật Bản này là một điều mà chúng tôi không chờ đợi. Các cháu được dạy để trở thành những môn đồ Khổng Giáo tí hon (to be little Confucians)." Ngôi trường công lập đó dùng biết bao nhiêu thời giờ, kỹ xảo và năng lực để dạy các bài học đạo đức: đức hạnh công dân, cách cư xử đúng, hành vi đúng, như là những thành tử trong một cộng đồng. Reid đã việt cuốn "Confucius Lives Next Door" (Ông Khổng Tử bên hàng xóm). Mỗi khi nhà báo thắc mắc tại sao người Nhật lại hành động khác hẳn lối người Mỹ, ông hàng xóm của Reid ở Tokyo, ông Matsuda Tadao lại giải thích bằng một câu: "Ðức Khổng Tử nói rằng..." Trước năm 1945, ở Việt Nam các bậc cha mẹ, ông bà cũng thường dạy con cháu như vậy: "Ðức Khổng Tử nói rằng..." T R Reid giải thích tất cả những đức tính của người Nhật Bản, lễ độ, liêm khiết, trung trực, trọng công ích, danh dự, tín nghĩa, vân vân, là nhờ nền giáo dục Nho Giáo. Người Tàu và người Việt Nam đã tự cắt đứt với truyền thống đó, thay các quy tắc đạo lý của Khổng Mạnh bằng các khẩu hiệu chính trị nhập cảng từ Nga Xô.

Trong một bài về đời sống dân Nhật, Nguyễn Ðình Ðăng đã kể chuyện bà vợ và con ông đánh mất ví, rồi sau đó có người lượm được đã đem trả, hoặc gửi bưu điện trả tận nhà. Trong một cuộc hội nghị khoa học, một giáo sư người Ý đến dự, cũng mất thẻ thông hành (hộ chiếu) trong khi đi chơi Tokyo. Anh ta hết sức hốt hoảng, nhưng mọi người nói anh cứ yên tâm, gọi điện báo cho Ðại Sứ Quán rồi chờ. Quả nhiên ngày hôm sau, Ðại Sứ Quán Italia gọi điện thoại nói có người đã nhặt được hộ chiếu của anh và gửi đến cho. Nhà khoa học người Ý kêu lên: "Thật là không thể tin được!"

Nguyễn Ðình Ðăng cũng giải thích tư cách đạo đức của người Nhật đạt được là nhờ nền giáo dục, giống như T R Reid. Nhưng ông còn nhận thấy một yếu tố quan trọng khác, nằm trong chế độ chính trị nước Nhật: Ðó là quyền tự do phát biểu. Reid là người Mỹ, đối với ông thì cuộc sống tự do dân chủ ở Nhật không có gì khác lạ với ở Mỹ, cho nên ông chỉ so sánh nền giáo dục hai nước. Nguyễn Ðình Ðăng từ Việt Nam sang Nhật nên nhìn thấy những điều T R Reid không quan tâm.

Nước Nhật đã có một hiến pháp dân chủ do người Mỹ soạn cho, sau khi Nhật bại trận. Ông Ðăng viết: "Quyền tự do cá nhân được Hiến Pháp tôn trọng tuyệt đối," và "ở Nhật không có bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào có quyền bắt bạn cắt xén sáng tạo của bạn, hoặc ngăn cấm bạn triển lãm hoặc in ấn tác phẩm của mình vì những gì bạn viết hoặc vẽ ra trong tác phẩm..." Ông Ðăng còn thấy khi tới sống ở nước Nhật cả trẻ em cũng cảm thấy được sống tự do: "Một anh bạn Việt Nam mới sang Nhật cùng vợ và con trai học lớp Một. Tôi hỏi cháu: 'Cháu thấy trường Nhật khác với trường Việt Nam thế nào?' Cháu trả lời: 'Ở trường Nhật cháu cảm thấy được nói năng tự do thoải mái.'"

Ông Ðăng nhớ lại câu chuyện của chính con trai của ông, nói với cha là cháu đã biết nói dối lần đầu tiên khi còn học lớp Một ở Hà Nội. Sáng hôm đó cô giáo quát: "Ai quên mang lọ mực, hãy để tay lên bàn." Các học sinh để tay lên bàn đều lãnh một vụt thước kẻ vào tay rất đau. Con tôi cũng quên mực, nhưng không muốn ăn vụt, nên cháu đã nói dối: "Thưa cô, sáng nay lúc em chuẩn bị lọ mực đi học, mẹ em đã đánh đổ mất!" Cháu được cô tha." Ông kết luận: "Dạy dỗ dựa trên sự sợ hãi không cảm hóa được con người mà chỉ làm con người trở nên dối trá, thủ đoạn."

Nhưng Nguyễn Ðình Ðăng vẫn nhìn xa hơn câu chuyện trước mắt: "Không thể xây dựng một xã hội tự do, văn minh, hạnh phúc dựa trên sự sợ hãi của người dân. Có lẽ người Nhật hiểu rất rõ điều đó khi xây dựng xã hội của họ."

Tất cả mọi người Việt Nam đều muốn nước mình sẽ tiến bộ, có ngày theo kịp dân Nhật Bản. Qua những câu chuyện trên đây ai cũng có thể rút ra những kết luận phải làm gì. Phải có tự do dân chủ. Phải xây dựng nền giáo dục dựa trên đạo lý; không bắt các nhà giáo, các khoa học gia, nhà văn, nghệ sĩ làm nô lệ cho các cán bộ chính trị. Ðừng để đến đầu thế kỷ 22 lại có người Việt Nam đến nước Nhật và cảm thấy hổ thẹn như ông, cha đã từng hổ thẹn.


Ngô Nhân Dụng



Con Dân Nước Việt là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment