*** QUYỀN LỢI TỔ QUỐC & DÂN TỘC LÀ TRÊN HẾT *** KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH ***

2016/08/31

Những kiểu chơi ngang và chơi sang của các quan bằng tiền chùa

Những kiểu chơi ngang và chơi sang của các quan bằng tiền chùa

Nói đến kiểu chơi ngang và chơi sang của các quan tham ở VN ngày nay thì nhiều vô kể. Chơi ngang hay chèn ép dân, đè đầu cưỡi cổ dân hầu như đã trở thành một cái mốt rất thịnh hành. Nhà của dân, đất của dân cứ lấy, viện luật này luật kia toàn là "luật rừng." Ký cái xoạch xong là lấy, muốn cho ai thì cho, muốn làm tài sản của ủy ban cũng được. Chỉ có anh dân đen khóc ròng, kiện như kiện củ khoai, cứ đợi đó.

Chuyện gần đây nhất về vụ ép dân lấy đất vàng cho tư nhân thuê xây karaoke.

Đất nhà dân đang ở 30 năm, bỗng nhiên bị thu hồi
Bà Nguyễn Thị Oanh (ở tại tổ 8, phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) cho biết, năm 2005, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đường bao phía Tây thị xã Hà Tĩnh.
Bà Oanh đang trần tình về việc mất nhà mất đất.
Dự án chia làm hai giai đoạn gồm các hạng mục như đường phố chính cấp 2, hệ thống đường báo giao thông đô thị, vỉa hè, hệ thống đường điện chiếu sáng, đường nội thị, cống thoát nước...

Dự án này do công ty cổ phần SIMCO Sông Đà xây dựng, việc "giải phóng mặt bằng," đền bù và tái định cư cho người dân được tỉnh giao cho TP Hà Tĩnh thực hiện. (Xin nói rõ "giải phóng" ở đây có nghĩa là làm sạch trơn sạch bóng dân ở khu đất đó như hồi mới "giải phóng Sài Gòn" dân bị đuổi khỏi nhà đi kinh tế mới, nhường nhà đẹp cho cơ quan hay cho các quan cai trị mới dô Sè-Goòng).

Trở lại với chuyện của bà Oanh bị thu hồi nhà. Giai đoạn đầu thực hiện dự án, TP Hà Tĩnh thu hồi một phần đất ở thửa 114+118, bản đồ số 34 tại khu phố 8, phường Trần Phú để xây dựng đường Hàm Nghi.

Năm 2007, TP Hà Tĩnh tiếp tục thu hồi phần diện tích còn lại của hộ bà Oanh với 891 m2 đất để xây dựng đường Phan Đình Phùng kéo dài. Bà Oanh kể:

"Tính cả hai giai đoạn, TP Hà Tĩnh thu hồi hơn 900 m2 đất vàng của gia đình tôi. Diện tích đất trên do ông bà để lại, gia đình tôi sử dụng hơn 30 năm nay, đó là nơi để gia đình tôi an cư lạc nghiệp vừa là nơi hương hỏa cho ông bà."

Theo bà Oanh, việc TP Hà Tĩnh thu hồi 891 m2 đất của gia đình bà là hết sức vô lý. Bởi lẽ đường Lê Duẩn và cả dự án đều không đi qua phần diện tích đất của gia đình bà.

Cho rằng 891 m2 của gia đình nằm ngoài dự án của tỉnh nên trong khoảng thời gian 2007-2010 gia đình bà Oanh không giao đất và cũng không nhận tiền đền bù để di dời đến địa điểm khác.

Thủ đoạn của các quan đứng đầu TP Hà Tĩnh rất tàn nhẫn
Để thu hồi bằng được diện tích đất trên, TP Hà Tĩnh đã nhiều lần thành lập các đoàn kiểm tra, xử phạt hành chính gia đình bà Oanh.

Thậm chí, tháng 6/2010, Chủ tịch TP Hà Tĩnh lúc đó đã ký văn bản gửi UBND phường Trần Phú (nơi bà Oanh làm việc) và Trường THPT Phan Đình Phùng (nơi ông Thái - chồng bà Oanh dạy học).
Quyết định cho thuê 50 năm theo giá nhà nước, trong lúc giới buôn đất khẳng định mảnh đất này đẹp nhất nhì thành phố, trăm tỷ khó mua.
Chủ tịch TP yêu cầu các đơn vị trên "kiểm điểm trách nhiệm cán bộ công chức do mình quản lý về việc thực hiện chính sách pháp luật" và "tạm thời không bố trí công việc một thời gian" đối với bà Oanh và ông Thái để họ bàn giao đất cho dự án đúng tiến độ, thời gian.
Dùng văn bản hành chính can thiệp, buộc cơ quan "xử" ông Thái, bà Oanh không xong, tháng 11/2010, chính quyền TP Hà Tĩnh đã thể hiện sự quyết tâm thu đất bằng được, quyết định xử phạt được đưa ra, buộc ông Thái phải nộp 1,250,000 đồng ($55) vì đã không "trả lại đất đúng thời hạn theo quyết định thu hồi đất."

Trước áp lực từ TP Hà Tĩnh, năm 2011 gia đình bà Oanh buộc phải giao đất để chính quyền thực hiện dự án. Sau khi chuyển về khu tái định cư, gia đình bà Oanh tiếp tục làm đơn khiếu nại đến chính quyền các cấp.

Cho doanh nghiệp thuê mở nhà hàng?
Hơn 5 năm gõ cửa nhiều cơ quan chức năng nhưng những chuyện ức hiếp gia đình vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, phần diện tích đất của bà Oanh, sau một thời gian kiên quyết thu hồi bằng được đã bỏ hoang trong gần ba năm.

Đến cuối năm 2015, bất ngờ UBND tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương cho một doanh nghiệp tư nhân thuê 50 năm, xây dựng nhà hàng, karaoke.

Việc giao đất này diễn ra vào đầu năm 2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao 2175.4 m2 cho công ty Đầu tư Đại Thành trong vòng 50 năm. Khu vực đất giao bao gồm toàn bộ diện tích đất của gia đình bà Oanh trước đây và một phần diện tích đất tự nhiên quanh khu vực.

Bà Oanh nói, "Gia đình tôi đang sinh sống yên ổn bỗng nhiên TP Hà Tĩnh lấy đất để làm dự án, nay chẳng thấy dự án đâu, chính quyền lại sử dụng đất của gia đình tôi cho doanh nghiệp thuê để xây dựng nhà hàng là không công bằng."

Ngày 13/1/2016, ông Hà Văn Trọng, Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh có công văn số 105 UBND-TNMT trả lời gia đình bà Oanh.

Trong công văn, lãnh đạo TP Hà Tĩnh cho rằng: "Sau khi nhà nước thu hồi đất ở dành vào mục đích công cộng thì việc bố trí đất cho các mục đích khác là phù hợp với quy hoạch chung là cần thiết."

- Thưa quan chủ tịch thế nào là "quy hoạch chung cần thiết"?

Cần thiết để cho làm nhà hát Karaoke cho các quan vào chơi mí mấy cô đào nhí là cần thiết phải lấy đất của người dân lương thiện hay sao?
Mảnh đất vàng gần 2,200 m2, góc Lê Duẩn - Hàm Nghi, ban đầu thu hồi theo quy hoạch làm khu tài chính, không hiểu sao giờ cho doanh nghiệp xây nhà hàng, quán karaoke.
Các quan trả lời dân như thế mà mỗi lần đi qua nhà hát Karaoke có thấy ngượng không? Chắc không vì các quan thường chơi ngang chơi láo như thế quen rồi, lương tâm con người tìm đường trốn mất. Có thế mới làm quan thời đại đổi mới này được. Dân quá hiểu các quan rồi, có nói cũng bằng không, có chửi quan cũng chẳng nghe, có kiện cũng mòn răng chẳng tòa nào giải quyết. Dân VN chịu đựng quá nhiều rồi. Theo bạn người dân VN phải làm gì đây? Kẻ ngoại xâm luôn rình rập, thêm những kẻ nội thù đang ra tay phá hoại, đất nước sẽ ra sao?!

Thêm một chuyện cũng xảy ra gần đây.

Xài tiền như... rác
Vụ ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên phó chủ tịch Hậu Giang đang được báo chí mổ xẻ. Nhiều thông tin hé lộ khiến dư luận… bàng hoàng vừa ngạc nhiên vừa ôm cục tức.
Hệ thống nhà hàng, karaoke chuẩn bị mọc trên khu đất vàng.
Dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh, Công ty CP thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (PVC-ME) được thành lập với vốn điều lệ 500 tỉ đồng ($22 triệu) do ông Trịnh Văn Thảo làm giám đốc. Công ty này hoạt động theo "mô hình" nhận công trình rồi thuê nhà thầu phụ còn mình ngồi mát ăn… phần trăm!

Chỉ ba năm sau khi thành lập, PVC-ME đã bị thua lỗ hơn 576 tỉ đồng ($25.5 triệu), dẫn đến mất toàn bộ vốn chủ sở hữu, chưa kể những khoản nợ khổng lồ lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Điều "kì lạ" là mặc dù công ty thua lỗ những lãnh đạo công ty lại xài tiền theo kiểu vung tay quá trán. Dù mất vốn, nợ đầm nợ đìa nhưng PVC-ME vẫn lập "quỹ đen trăm tỉ" để sử dụng vào việc tiếp khách, biếu xén hoặc đi "đối ngoại".

Có lẽ chưa ở đâu xài tiền nhà nước lại dễ dàng thoải mái, vô tội vạ như ở PVC-ME, đến mức lái xe cho sếp cũng được phép chi cả tỉ đồng để tiếp khách.

Ai làm việc trong cơ quan nhà nước đều biết, nguyên tắc thu chi tài chính được qui định rất chặt chẽ, chi li đến từng xu. Để lấy được đồng tiền từ công quĩ phải qua bao cửa ải xét duyệt hồ sơ chứng từ của trưởng cơ quan và bộ phận tài vụ.
Vậy mà ở PVC-ME, dường như có một thứ luật lệ khác. Giám đốc Thảo mỗi lần đi ""đối ngoại" cắp cặp cả tỉ đồng. Mỗi lần sếp tiếp khách, ngân khố của công ty lại bốc hơi từ vài trăm triệu đến một tỉ. Phải công nhận khách của GĐ Trịnh Văn Thảo "bự" thật.

Móc tiền công quỹ mua quà cho bố
Khách "sộp" của PVC-ME là ai? Chính là mấy sếp bề trên ở Tổng công ty (PVC) trong đó có ông Trịnh Xuân Thanh.

Dư luận không thể tưởng tượng nổi, cái sự chu đáo, tận tình của lãnh đạo PVC-ME đối với sếp tổng khi móc hầu bao công ty 550 triệu đồng ($24,000) để làm quà sinh nhật cho bố đẻ ông Thanh và 350 triệu đồng ($15,000) để mua... gậy golf cho sếp!

Lại nữa, mỗi lần các sếp công ty đi nước ngoài để học cách "thoát lỗ" là y như rằng trong tài khoản cá nhân của các vị lại đột nhiên nhảy lên vài ba con số ở hàng trăm triệu nhờ mấy cô cậu kế toán tinh nhanh làm đúng thủ tục giúp các sếp có cái để mà chi tiêu vặt! Xin đừng trách các cô cậu kế toán bởi không làm như thế chỉ ba bảy hai mươi mốt ngày là xuống làm tạp vụ quét lá đa. Tiền chùa quyền quan không cần nói các cậu phải tự biết.

Làm sếp thời nay sướng thật, còn hơn cả vua chúa ngày xưa. Tiền "chùa" như nước, thỏa sức vẫy vùng. Làm quan ở VN ngày nay sướng nhất thế giới. Dân cũng khổ nhất thế giới. Cái gì cũng nhất thế giới như thế có hãi hùng không?

Văn Quang
Viết từ Sài Gòn ngày 30.08.2016

2016/08/25

Cả nước biết chỉ có sếp không biết

Cả nước biết chỉ có sếp không biết

Có những chuyện xảy ra hàng ngày sờ sờ trước mắt như chuyện hàng ngày ở huyện, nhất là chuyện giao thông, ai cũng biết nếu vi phạm chỉ việc chìa tiền ra là xong. Còn cánh lái xe bất cứ là xe gì thường đã có sẵn những tay "bảo kê" luồn lọt chi tiền trước cho các quan là cứ đi. Cánh lái xe vận tải đương nhiên phải chở quá số quy định mới có đủ tiền sống. Chúng luôn có một đường dây móc nối chi tiền rất kín đáo. Nhưng dù kín đến đâu thì cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra dưới ánh sáng mặt trời.

Người dân chẳng xa lạ gì với những mánh lới này. Chuyện tham nhũng thường ngày nên trở thành bình thường. Một anh cảnh sát đến cửa hàng lấy tiền bảo kê thì mang tiếng nhưng một anh dân thường đến giao dịch cùng nhau là việc bình thường. Sau đó anh dân thường đến dúi cho anh thanh tra cảnh sát ở bờ bụi nào đó, ai mà biết chỗ ma ăn cỗ. Chỉ biết rằng xe chở cái gì, chở bao nhiêu cũng qua trạm kiểm soát tuốt. Chỉ người mù mới không biết xe đã "chung chi." Người dân không ngu nhưng mặc xác các quan quen rồi, dính vào có khi bị trù dập đến phải bán nhà đi nơi khác.
Anh, Minh, Duy và Cần, chuyên nhận tiền hối lộ, bảo kê doanh nghiệp.
Tuy nhiên sau một thời gian dài, một số chuyện đã không thể che giấu được nữa, các cơ quan mới "nhanh chóng vào cuộc kiểm tra." Nói là nhanh chóng chứ cũng phải 5-10 năm mới khui ra. Đã có biết bao nhiêu vụ tham nhũng phải mất một thời gian dài mới khám phá ra, có khi thủ phạm đã chuồn ra nước ngoài hoặc tẩu tán hết tài sản chỉ còn trơ thân cụ, có ngồi tù ít lâu cũng được thả, con cháu ôm cái gia tài kếch sù ăn ba đời không hết. Cái sự "nhanh chóng" của các quan là như thế đấy. Khi bị chất vấn các quan nói "không hề biết." Chuyện rất gần đây cho thấy các quan chối tội trơ tráo như thế nào.

Chấn động miền Tây hay chuyện cũ rích
Vụ mà báo chí VN gọi là "chấn động miền Tây" thật ra là chuyện ngàn năm cũ. Đường dây Thanh Tra Giao Thông móc nối với "cò" bảo kê xe tải. Nếu xe tải nào không đóng tiền "bảo kê" hằng tháng qua "cò". Hỏi trăm anh tài xế và người dân quanh vùng người nào cũng biết. Thế mà vụ ba thanh tra giao thông bị bắt thì lãnh đạo Sở lại tỏ ra rất bất ngờ!

Trong cuộc họp báo chiều 22/7, ông Trịnh Ngọc Vĩnh – Phó Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ nói như vẹt, kiểu các quan thường nói với dân, "Quan điểm của sở là không bao che, dung túng, nếu cá nhân nào sai phạm tùy theo tính chất, mức độ sẽ tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật."

Tại buổi họp, báo chí nêu câu hỏi, các cán bộ thanh tra của sở này "làm tiền" các nhà xe, doanh nghiệp xảy ra từ lâu, vậy lãnh đạo sở GTVT có biết không hay đến khi công an gửi thông báo bắt người đến thì Sở GTVT mới biết?

Ông Vĩnh cho rằng, từ trước tới nay không nhận được đơn tố cáo của người dân hay doanh nghiệp nào về việc làm sai trái của các cán bộ này nên không biết mà chỉ đến khi sự việc xảy ra, cơ quan công an gửi thông báo về, Sở mới biết.

Ông nói trơn tuột rằng, "Khi thấy thông báo bắt người, cá nhân tôi rất bất ngờ." Ôi, cái sự "bất ngờ" của ông sao nghe không lọt cái lỗ tai chút nào. Ông có được cấp dưới "chia chác" hay không chưa biết, nhưng "bất ngờ" thì không đúng tí nào. Chuyện ầm ỹ trong cả ngành giao thông mà ông bất ngờ thì ông còn làm được cái gì?
Võ Hoàng Anh, một trong những quan thanh tra giao thông của TP Cần Thơ bị bắt.
Thế nên một phóng viên TP Sài Gòn đặt câu hỏi: trước đây nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh việc cán bộ thanh tra giao thông Cần Thơ, trong đó có Đoàn Vũ Duy bảo kê, nhận hối lộ của các doanh nghiệp và chủ phương tiện. Sau đó, Giám đốc Sở GTVT đã chỉ đạo phải xử lý nghiêm vụ việc. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, Duy lại không bị xử lý, mà lại được điều về quận Bình Thuỷ nhận nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội 11. Liệu Ban Giám đốc Sở có bao che, dung túng cho cấp dưới mình làm sai hay không?

Khi trả lời câu hỏi này, đại diện Sở chỉ thông tin về thời gian điều chuyển công tác đối với Đoàn Vũ Duy mà không trả lời câu hỏi chính phóng viên nêu ra.

Các phóng viên cũng nêu câu hỏi, trong ba cán bộ bị bắt, có ai là con em của người làm trong ngành, con của lãnh đạo sở GTVT hay lãnh đạo thành phố Cần Thơ không? Trả lời câu hỏi này ông Vĩnh nói, "Khi bổ nhiệm những cán bộ này không nói tên con ai nên tôi cũng không biết mà chúng tôi chỉ căn cứ vào đánh giá viên chức hàng năm, đề xuất của Chánh thanh tra, của chi bộ rồi làm quy trình bổ nhiệm."

Vậy ra khi xem xét lý lịch của các cán bộ được bổ nhiệm không có tên cha tên mẹ và nơi cư trú? Chắc chắn là ông và cái "hội đồng chuột" kia phải biết "đồng chí ấy là con đồng chí nào" như kiểu người dân vẫn thường nói bổ nhiệm theo kiểu con ông cháu cha "Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ."

Ông Trịnh Ngọc Vĩnh – Phó Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ lại nói vẹt rồi, người dân nào cũng biết, những câu trả lời máy móc ấy chỉ còn là chuyện khôi hài.
Quan thanh tra Đoàn Vũ Duy khi bị bắt.
Ai là thủ phạm chính?
Ba quan thanh tra giao thông Cần Thơ bị tóm ngày 20-7-2016 gồm Lý Hoàng Minh, Võ Hoàng Anh, Đoàn Vũ Duy nhận tiền bảo kê hàng tỷ đồng. Công an Cần Thơ cho biết đến nay, có thể xác định "cò" Nguyễn Văn Cần (29 tuổi, quê Vĩnh Long) là mắt xích quan trọng trong đường dây bảo kê này.

Nguyễn Văn Cần (29 tuổi, ngụ xã Tân Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) chính là tên cầm đầu băng chuyên môi giới nhận tiền, gom tiền đưa cho thanh tra giao thông.

Thủ đoạn của các tên này là bắt các nhà xe, doanh nghiệp (khoảng 50 doanh nghiệp) có xe tải đi qua địa bàn quận Ninh Kiều và quận Bình Thuỷ phải chung chi cho Nguyễn Văn Cần. Các chủ xe đóng tiền "bảo kê" cho mỗi đầu xe mỗi tháng từ 1 đến 3 triệu đồng ($44 đến $132). Xe nào đã chung chi thì không bị bắt, còn xe nào không "làm luật" thì sẽ bị lực lượng thanh tra giao thông bắt.

Con đường lập nghiệp của cò Cần
Sinh ra trong gia đình làm nông, có hoàn cảnh khó khăn, Cần đã phải sớm nghỉ học khi chưa hết cấp một. Lớn lên, anh ta xin làm lơ cho những chuyến xe tải Bắc - Nam. Cuộc sống lênh đênh theo những chuyến xe ngược xuôi, Cần đã quen với việc bị lực lượng chức năng kiểm tra, bắt phạt xe vì các sai phạm, nhất là chở quá tải. Vì vậy, việc chung tiền cho nạn mãi lộ, bảo kê đường... không còn xa lạ với Cần.
Ngoài tên thật, Cần có thêm một số tên giả để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Hắn lân la làm quen, xin số điện thoại các thanh tra giao thông Cần Thơ đang làm nhiệm vụ trên đường; dần dà đặt vấn đề thông báo xe quá tải, vi phạm… cho lực lượng bắt giữ, xử phạt để "kiếm tiền cà phê."

Là dân trong nghề, anh ta rảo trên đường nhìn là biết rõ xe nào chở quá tải nên ghi biển số rồi báo cho các thanh tra giao thông kiểm tra, xử phạt. Danh sách các nhà xe mà gã thu thập ngày một dày, có đầy đủ các đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng, xe trộn bêtông, container, hãng nước đá... tại TP Cần Thơ.

Khi các xe liên tục bị "dính" biên bản, "cò" Cần tiếp cận chủ đặt vấn đề bảo kê cho xe hoạt động an toàn, dù cho xe chở gấp nhiều lần quy định. Đổi lại, nhà xe phải chi tiền hàng tháng vào tài khoản do Cần lập ra hoặc nộp "tiền tươi." Cơ quan điều tra xác định, Cần đã mở 3 tài khoản ngân hàng với 3 tên khác nhau để các nhà xe chuyển tiền vào.

Sự đồng lõa của thanh tra giao thông
Được các thanh tra giao thông thông đồng, lời nói của Cần rất có uy tín khi buộc các nhà xe đóng "hụi chết" để đổi lấy sự yên ổn trong làm ăn. Những trường hợp không chịu "làm luật" với Cần thì bị thanh tra giao thông gây khó dễ đủ điều.

Hơn hai năm trước, ông Ba ở quận Cái Răng mở cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng. Chưa được bao lâu thì "cò" Cần xuất hiện đòi ông chung chi tháng 2 triệu đồng mỗi đầu xe. Ông Ba kể, "Tôi nhất quyết không đồng ý thì liên tục bị kiểm tra, xử phạt. Xe mình không vi phạm nhưng hễ ra đường là bị thanh tra giao thông kéo về trạm cân. Làm ăn ngày một khó, lại bị hành liên tục, khách hàng mất dần, trong khi lãi ngân hàng phải trả nên tôi quyết định bán hết 3 xe ben, bán tháo vật liệu rồi chuyển sang cho thuê mặt bằng và sửa ôtô."

Sự hợp tác nhịp nhàng và hiệu quả giữa Cần và các thanh tra giao thông ngày càng khiến giới nhà xe, tài xế ở Cần Thơ và các tỉnh khác đi ngang qua địa bàn này đều khiếp sợ. Vì chuyện làm ăn lâu dài, không ai dám hé răng tố cáo.
Quan thanh tra Lý Hoàng Minh khi ngồi khai ở trụ sở CA.
Việc làm ăn ngày một lớn, Cần quyết định nghỉ hẳn nghề lơ xe; càng cẩn thận, hạn chế "xuất đầu lộ diện." "Trùm cò" này chiêu mộ nhiều lái xe ôm làm "mật báo." Họ được phân công theo dõi các xe quá tải trên địa bàn Cần Thơ hoặc từ nơi khác đến giao nhận hàng, rồi báo lại cho Cần. Khi quen việc, các tài xế xe ôm được "cò" ủy quyền ra giá bảo kê và thu tiền. Mọi liên lạc, giao dịch gần như Cần điều hành qua điện thoại với hàng chục số khác nhau và dùng nhiều tên giả để tránh bị phát hiện.

Thu xong "hụi chết," nếu không chuyển vào tài khoản cho các thanh tra giao thông thì gã rút ra đem nộp trực tiếp, có khi thì giao cho đàn em. Tùy theo tình hình thực tế, thời gian cũng như phương thức giao tiền mà địa điểm thay đổi liên tục. "Lúc thì giao tiền tại quán cà phê, khi ở góc đường. Tiền được bỏ vào bao thư, bao gói thuốc lá, bịch nylon, gói giấy. Có khi bên giao mang tiền nhét vào gốc cây, bờ tường, bụi rậm… sau đó, người nhận đến lấy đi."

Về phía các quan thanh tra giao thông, ngoài những lúc nhận "tiền tươi," họ cũng lập ra hai tài khoản ngân hàng và mượn nhiều tài khoản khác của người thân để nhận tiền bảo kê từ "cò" Cần. Thủ đoạn ăn cắp của các quan ngày càng tinh vi.

Cơ quan điều tra đã xác định có khoảng 60 doanh nghiệp, nhà xe chung tiền bảo kê hàng tháng cho "cò" Cần trong thời gian dài. Võ Hoàng Anh và Lý Hoàng Minh (trưởng và phó đội 3, thanh tra giao thông Cần Thơ) đã nhận hơn 3,4 tỷ đồng. Trong đó, Cần chuyển vào tài khoản hai cán bộ này khoảng 3 tỷ đồng. Số còn lại hai cán bộ này trực tiếp đi thu riêng. Cơ quan điều tra đang làm rõ số tiền nhận bảo kê của Đoàn Vũ Duy (trưởng đội 11).

Vụ này cần phải điều tra sâu thêm nữa mới lòi ra cái "gốc" của vấn đề tập đoàn tham nhũng ở miền Tây. Chẳng phải chỉ có mấy anh thanh tra giao thông đâu mà có thể còn cả một "lực lượng quan chức phía sau" và còn nhiều nơi khác nữa, hầu như khắp VN chỗ nào cũng thế.

Tôi chỉ nêu vài câu bình luận của người dân ngay trên các báo tại VN:

- Bạn có nick name Doremon viết: Tình trạng này không chỉ xảy ra ở miền tây mà nó còn trải rộng trên khắp các tỉnh thành trên cả nước (cơ quan pháp luật vào cuộc làm mạnh tay thì mọi việc sẽ rõ ràng, sợ lúc đó sẽ lòi ra những con số còn kinh khủng hơn). Xin nói thêm, tình trạng "bảo kê thu tháng thu quý" không chỉ dừng lại ở lực lượng TTGT mà cả lực lượng CSGT cũng vậy.

- Bạn Tạ Tiến viết: "Rất đúng. Không phải một Miền Tây mà còn nhiều nhiều MIỀN TÂY đấy"

- Bạn Tô Văn Chính viết: "Chuyện thường ngày ở huyện và có từ lâu rồi, ở đâu mà chẳng có. Nhân dân và cánh lái xe ai cũng biết chỉ cơ quan Nhà nước bây giờ mơi biết.

- Bạn A. Tuấn kết luận: "Ai cũng biết nhưng giả vờ không biết."

Bạn đọc đã thấy tình trạng tham nhũng trắng trợn bây giờ lan ra khắp các ngành, khắp nơi khắp chỗ. Đúng là thời đại ăn của dân không từ thứ gì. Dân VN ngày càng cùng khổ bởi bọn quan lại thi nhau cướp công cướp của nhân dân.

Văn Quang
Viết từ Sài Gòn ngày 22.08.2016

2016/08/17

Đài Truyền Hình VN bị tố làm phóng sự giả đổ tội cho dân

Đài Truyền Hình VN bị tố làm phóng sự giả đổ tội cho dân

Lâu nay ở VN người dân xem đài Truyền Hình VN rất ít, dù nhà nào bây giờ cũng có một cái ti vi. Người bình dân thường mở đài xem phim Ấn Độ, phim Tàu, phim Hàn Quốc, gần gũi với lối sống của người Việt hơn, loại trung lưu xem phim Tây, Mỹ, Pháp Đức… Đặc biệt là phim VN hầu như hoàn toàn vắng khách bởi chẳng có phim nào ra hồn.

Loại phim của nhà nước đặt hàng gọi là "phim cúng cụ" để ở nhà kho, phim tình cảm bắt chước Hàn Quốc lai căng, phim ca nhạc thì toàn mấy cô thuộc hàng showbiz vớ vẩn, chuyện tình yêu lẩm cà lẩm cẩm cứ na ná giống nhau. Cứ như thế thì họ xem phim nước ngoài là phải.

Còn nhạc thì hầu hết nghe loại nhạc xưa mà có thời bị gán tội là "nhạc vàng phản động." Nay lên youtube muốn xem bài hát xưa nào cũng có từ thời Thái Thanh đến Bạch Yến và thời sau với những Tân Nhàn, Anh Thơ, Lê Mận... Bạn chỉ cần vào Google Chome ra lệnh "nghe hát Ở Hai Đầu nỗi nhớ" là nó ra tuốt luốt những bài hát thật hay. Nếu bạn chú ý theo dõi số lượng người đã nghe, từ đó bạn có thể suy ra giá trị nhạc xưa và nhạc thời nay ở VN. Thế thì tội gì nghe nhạc Việt thời nay nhí nha nhí nhố cho mệt.

Nói thế không có nghĩa là không nhà nào mở Đài Truyền Hình VN (TH). Họ cũng mở chỉ khi nào nghe thấy tin tức loan truyền giật mình, nhất là loại trộm cướp, hiếp dâm, giết người man rợ, quỵt nợ, tham ô, ghen tuông diễn ra quanh mình. Tất nhiên họ tin chuyện đó là có thật. Nhất là những video thường có trong các bản tin.

Thế nhưng một chuyện ly kỳ vừa xảy ra giữa tờ báo hàng ngày Người Lao Động và Đài TH VN. Nguyên nhân chỉ vì tờ báo này bị Đài TH VN phản bác chuyện phóng viên Đài TH VN dàn dựng vụ phá rừng.

Vì sao người dân bị mang tiếng là lâm tặc
Những người dân tộc chân chất ngày ngày cặm cụi với nương rẫy, giờ lại mang tiếng phá rừng. Sau khi chương trình "Chuyển động 24h" (CĐ 24h, thuộc Đài Truyền Hình Việt Nam – viết tắt là VTV) phát sóng phóng sự về phá rừng ở tỉnh Đắk Lắk, một số người dân nghèo ở thôn Giang Đông, xã Ea Đáh, huyện Krông Năng đã bị gán cho tai tiếng "lâm tặc," cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn.

Tôi tóm tắt lời Báo Người Lao Động (NLĐ) lý do phải lên tiếng với Đài Truyền Hình VN. Chuyện bắt đầu từ bên nói có dàn dựng, bên nói là xuyên tạc.

Báo NLĐ viết gửi bạn đọc: ..."Từ ngày 2-8, sau cuộc họp báo do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức cùng ngày, Báo Người Lao Động Online đăng tin VTV dàn dựng cảnh phá rừng để làm phóng sự? (VTV cũng là chữ viết tắt của Đài THVN). Thế nhưng, sau đó, chương trình "Chuyện động 24g" của VTC liên tục phát các bản tin quy kết Báo Người Lao Động Online (và một số trang mạng) đưa tin sai sự thật về chuyện CĐ24h dàn dựng, cắt ghép phóng sự phá rừng, làm ảnh hưởng uy tín chương trình...
Chị Sùng Thị Mông kể với phóng viên báo Người lao động về việc phiên dịch cho phóng viên VTV.
"Trước động thái này, để bạn đọc khỏi hiểu nhầm, Báo Người Lao Động (NLĐ) buộc phải lên tiếng minh định và khẳng định nội dung bản tin là chính xác, khách quan; nguồn tin được dẫn hoàn toàn hợp pháp, khả tín. Phía VTV vẫn nói cứng là phóng viên không dàn dựng, không cắt ghép khi làm phóng sự."

Vì thế báo NLĐ vạch ra toàn bộ sự thật về vụ này với những nhân chứng sống. Toàn thể dân ở gần khu rừng bị phá đó bị mấy ông phóng viên VTV thuê tiền dân vác dao rựa lên rẫy để dàn dựng cảnh phá rừng để làm phóng sự "nóng hổi vừa thổi vừa xem."
Mời bạn đọc cùng tìm hiểu phóng sự lật tẩy Đài TH VN của báo NLĐ:

Họ dụ chồng tôi đi chặt cây, tôi đi cuốc đất
Thôn Giang Đông trước nay không có điện, trong số 159 gia đình dân nơi đây thì có đến 149 gia đình nghèo, người dân không thể xem tivi nên cũng không biết thực hư phóng sự phá rừng của CĐ24h - VTV ra sao, chỉ nghe nói trong phóng sự đó có ông Vừ Dũ Dinh phá rừng. Chuyện đến tai gia đình ông Dinh, cả nhà bực tức. Khi phóng viên báo NLĐ dùng điện thoại di động mở cho họ xem lại phóng sự phá rừng của CĐ24h thì bà Sùng Thị Mao bỗng đưa hai tay lên trời, tức tối đến ứa nước mắt, bà than trời: "Sao họ lại lừa những người dân tộc thiểu số không biết chữ như chúng tôi? Đâu phải nghĩ chúng tôi ngu thì họ muốn làm gì thì làm sao! Tôi chỉ sợ trời thôi. Tôi không sợ ai đâu!"

Bà Mao cho biết ngay cả cái chuyện cuốc đất của bà (phát trong CĐ24h trưa 4-8, được phóng viên Báo Người Lao Động mở cho bà xem) cũng là làm theo yêu cầu của nhóm phóng viên VTV. Bà kể sau khi ra rẫy, chồng bà đi với họ chặt cây còn bà ở trước chòi rẫy. Lúc họ vào, họ bảo bà ra rẫy cuốc đất để họ quay phim. Bà cuốc gần chòi, họ không chịu, bảo phải cuốc xa. Bà làm theo mà không biết cuốc đất để làm gì. "Vợ chồng tôi là người vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết, mấy anh phóng viên là người hiểu biết vậy mà dụ chồng tôi đi chặt cây, tôi đi cuốc đất. Giờ phải mang tội phá rừng." Nói đến đây bà Mao rưng rức khóc.
Bà Sùng Thị Mao bực tức kể lại sự việc.
Ông Vừ Dũ Dinh thì tỏ vẻ điềm tĩnh hơn nhưng không giấu nổi nỗi buồn. Ông Dinh bày tỏ: "Tôi đã già, có cháu ngoại, cháu nội nhiều rồi, sức đâu nữa mà họ bảo tôi đi phá rừng, đẩy chúng tôi vào cảnh mang tội, ảnh hưởng đến mình, ảnh hưởng đến nhà nước. Lừa dân như vậy, bức xúc lắm chứ!"

Ông Dinh chưa hề vi phạm lâm luật
Cũng theo ông Dinh, những ngày qua ông quá mỏi mệt vì nhiều người đến hỏi về chuyện phá rừng của ông trong khi ông hoàn toàn bị hàm oan.
Còn theo ông Giàng A Nụ, tuy gia đình ông Dinh thuộc diện nhà nghèo, đông con nhưng ông chưa một lần vi phạm lâm luật. "Những hình ảnh phát trong phóng sự là nhà đài tự dàn dựng, xung quanh đó không còn rừng nữa, cây gỗ ông Dinh chặt nằm trên rẫy của ông Vừ A Lao. Việc phóng viên mượn người dân đi chặt cây để dàn dựng cảnh phá rừng rồi phát sóng đã ảnh hưởng rất nặng nề đối với chính quyền địa phương. Coi như chính quyền không có trách nhiệm với địa phương." Ông Nụ đặt vấn đề: "Tôi nghe mấy người làm ngoài xã kể về phóng sự mà rất bức xúc. Tôi nghĩ không biết ông Vừ Dũ Dinh có thù gì với họ hay sao mà họ lại quy cho cái tội phá rừng như vậy?!"

Nếu biết lừa thì đã không nhận tiền!
Đó là lời của bà Sùng Thị Mao về 500,000 đồng ($22 Mỹ kim) bà đã nhận từ phóng viên CĐ24h mà chương trình này sau đó biện minh đó là "lòng tốt của phóng viên" (bản tin CĐ24h phát trưa 4-8 và trưa 5-8). Theo bà Mao, tiền đó là do các phóng viên cho sau khi vợ chồng bà giúp họ quay phim. Bà Mao cay đắng nói:

"Tôi thừa nhận vợ chồng tôi thiếu hiểu biết nên bị lừa, để giờ mình mang tội. Nếu biết họ lừa như thế này thì chúng tôi đã không làm và không bao giờ nhận tiền của họ."

Rõ ràng mấy anh phóng viên của Đài THVN đã đánh lừa người dân ít hiểu biết để làm phóng sự cứ như thật. Ai xem cũng phải hiểu là những người dân đó phạm tội phá rừng, chắc chắn bị đi tù.
Bà Mao, ông Dinh khẳng định với phóng viên Báo Người Lao Động mình bị lừa.
Vi phạm Luật Báo chí?
Dư luận tại VN đang rất quan tâm đến "phóng sự phá rừng" của chương trình "Chuyển động 24h" phát trên sóng VTV bị cho rằng có phần nội dung "cắt ghép, dàn dựng."

Thông tin này xuất hiện khi Công an tỉnh Đắk Lắk có báo cáo số 565/CAT - PC46 (CV 565) ngày 27-7-2016 gửi Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh về việc trao đổi kết quả xác minh theo nội dung phóng sự của VTV và công bố tại buổi họp báo ngày 2-8.

Đến thời điểm này, Công văn 565 được ký bởi người có thẩm quyền của Công an tỉnh Đắk Lắk nên đây là văn bản có giá trị về pháp lý và vẫn đang có hiệu lực do chưa có văn bản nào phủ định. Vấn đề pháp lý đang phát sinh từ đây.

Nhận định của luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP Sài Gòn)
"Nếu thông tin của VTV là đúng thì những người dân "phá rừng" có liên quan trong phóng sự gồm: ông Vừ Dũ Dinh và vợ là bà Sùng Thị Mao; bà Giàng Thị Xá và em Vàng A Tu (cùng ngụ xã Ea Đáh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) sẽ bị xử lý ra sao? Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và bảo vệ lâm sản, Nghị định 40/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 157, hành vi của những người này có dấu hiệu vi phạm điều 12 Nghị định 157, với mức phạt tiền ít nhất là 600.000 đồng đối với loại gỗ không thuộc nguy cấp, quý hiếm; trường hợp gỗ thuộc loại nguy cấp, quý hiếm theo nhóm IIA thì mức phạt ít nhất là 1 triệu đồng. Nếu những người này đã từng bị xử phạt về hành vi đốt, phá rừng, hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thì sẽ đối diện với nguy cơ vi phạm pháp luật hình sự (điều 189 Bộ Luật Hình sự 1999). Trường hợp cơ quan điều tra xác định họ là "diễn viên" trong phóng sự theo sự hướng dẫn của phóng viên thì có thể họ được xem xét ở mức độ nhẹ hơn.

Ngược lại, những thông tin trong CV 565 là chính xác, nếu nhóm phóng viên làm phóng sự bị xác định là dàn dựng, hướng dẫn người dân chặt phá cây rừng thì hành vi của họ có dấu hiệu vi phạm Luật Báo chí và Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành ngày 13-8-2005.
Việc dàn dựng, cắt ghép theo ý đồ của người làm báo là không tôn trọng sự thật khách quan, thiếu trung thực trong việc thực hiện tác phẩm báo chí. Đây là điều cấm kỵ đối với tất cả người làm báo.

Nếu nhóm phóng viên của VTV24 có hành vi như công văn 565 của Công an tỉnh Đắk Lắk thì không chỉ có dấu hiệu vi phạm Luật Báo chí, vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà hơn hơn thế nữa, họ đã đẩy những người lương thiện thành kẻ phá rừng. Đây là điều không thể chấp nhận."

VTV đang tự hại mình
Muốn có một phóng sự "nóng hổi" trình các sếp của Đài THVN nên mấy anh phóng viên rủ nhau làm giả phóng sự và gian ác hơn, họ đổ tội cho người dân là "lâm tặc." Làm truyền hình như thế là chuyện lạ nhất thế giới. Người dân xem phóng sự này của Đài THVN gọi loại tin này là: "Tin tức nóng hổi vừa chửi vừa xem." Dân không còn tin gì vào Đài TH VN nữa.

Thời đại bây giờ là thời đại của thông tin quốc tế, không tin Đài TH VN họ xem tin tức khắp nơi trên thế giới. Lại một cách quảng cáo không công cho các báo các đài phát thanh truyền hình nước ngoài. Chính VTV đang tự hại mình.

Văn Quang
Viết từ Sài Gòn ngày 15.08.2016

2016/08/16

Nhật Ký Biển Đông: Trái Mìn Nổ Chậm?

Nhật Ký Biển Đông: Trái Mìn Nổ Chậm?

Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Tám ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:

Tình hình thế giới:
- Good Morning America ngày 1/8/2016: "Theo yêu cầu của Chính Phủ Hòa Hợp Quốc Gia (Government of National Accord), Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc không kích chống Nhà Nước Hồi Giáo ISIS tại Sirte, Libya."

Sau khi Hoa Kỳ đem HKMH vào Địa Trung Hải, thiết lập Vùng Cấm Bay, tiêu diệt Ô. Qaddafi năm 2011, từ một đất nước tuy độc tài nhưng không khủng bố, không Nhà Nước Hồi Giáo nay chia đôi, khủng bố quốc tế và ISIS bắt rễ, khiến Hoa Kỳ phải gửi biệt kích và máy bay không người lái tới để chống lại cái mà quốc tế nói rằng do chính Hoa Kỳ tạo ra mà Ô. Obama nói rằng đó là một sai lầm tệ hại trong suốt nhiệm kỳ tám năm của ông.

- AP ngày 3/8/2016: "Đệ Nhất Phu Nhân của Nicaragua - Rosario Murillo đã được chồng là Daniel Ortega cử làm ứng cử viên phó tổng thống trong cuộc tranh cử nhiệm kỳ thứ ba của ông vào ngày 6/11/2016."

Trên đời có nhiều chuyện lạ xoay quanh việc ham mê và thâu tóm quyền lực. Trong một loạt các nhà độc tài chúng ta thấy Ô. Ferdinand Marcos cho vợ làm Thị Trưởng Manila sau bị lật đổ, sống lưu vong rồi chết tại Hawaii. Nhà độc tài Juan Peron của Argentina để bà vợ thứ ba làm phó tổng thống và trở thành tổng thống khi ông qua đời vào năm 1974. Tống Mỹ Linh và cả gia đình nắm hết quyền lực củaTrung Hoa Dân Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch sau thua chạy qua Đài Loan rồi bà chết tại Cựu Kim Sơn năm 2003.  Bill Clinton làm tổng thống 8 năm, thấy chức vụ tổng thống "thơm" quá cho nên chuẩn bị cho Bà Hillary làm tổng thống cho vui và xem cái thú làm tổng thống sướng thế nào. Chứ nếu chức vụ tổng thống mà khổ, phải bỏ tiền của ra để "hy sanh" chắc chẳng ai ham. "Ai bảo tổng thống là khổ? Không, tổng thống sướng lắm chứ." Quyền lực là cái gì thật quyến rũ. Đã nắm rồi thì mê đắm, sửa hiến pháp để "hy sanh" thêm dăm ba nhiệm kỳ nữa và chỉ buông ra khi bị cất chức, lật đổ hoặc chết. Hễ còn sống thì truyền con con cái, anh chị em và nhất là vợ… cho chắc ăn. Ở Mỹ chúng ta thấy có Kennedy Dynasty, Bush Dynasty rồi sẽ tới Clinton Dynasty…cô Chelsea chuẩn bị ra ứng cử thượng nghị sĩ nếu mẹ đắc cử là vừa. Ô. Clinton nói rằng con gái ông còn giỏi hơn vợ ông nữa. Không biết tương lai Ô. Ortega đi về đâu? Hay Nicaragua cũng nên có một nữ tổng thống cho kịp trào lưu thế giới từ từ chuyển quyền lực vào tay các bà?

- Los Angeles Times ngày 9/8/2016: Xuất hiện trên truyền hình tại miền nam của Thành Phố Davao, tổng thống vừa tuyên thệ Duterte đã đưa ra danh tánh 150 viên chức chính phủ Phi Luật Tân đã can dự vào việc chuyển vận ma túy trong đó có dân biểu quốc hội, cảnh sát lẫn năm ông tướng đương nhiệm lẫn hồi hưu và ít nhất bảy thẩm phán và cho họ thời hạn 24 tiếng phải trình diện và vài chục ông đã đã tự nạp mình tại sở cảnh sát."

Thật chưa có một ông tổng thống nào có hành động kỳ lạ và "bạo" như vậy. Nhưng biết đâu "Thuốc đắng dã tật? " Trước thảm trạng đất nước muốn tiêu ma vì xì-ke ma túy mà sử dụng biện pháp "rùa hành chánh",  ba tòa quan lớn bàn cãi, kháng cáo, các luật sư nhân quyền khiếu nại mọi thứ để xin tha bổng thì "từ chết tới bị thương". Hãy thử nhìn vào đất nước Mễ Tây Cơ mà xem. Ô. Duterte có thể là người nhiệt tình yêu nước. Vào ngày 10/8/2016, Washington Post đưa tin Tổng Thống Duterte đã hạ nhục đại sứ của Hoa Kỳ khi ông nói, "Như quý vị đã biết, tôi đang chống lại đại sứ của John Kerry- một gã ái nam ái nữ, con của một con điếm. Y đái vào mặt tôi. Nhưng Ô. Duterte nói bằng tiếng Tagalog cho nên chữ "con của con điếm" có thể chỉ có nghĩa là "chó đẻ" trong tiếng Anh. (As you know, I'm fighting with [U.S. Secretary of State John Kerry's] ambassador. His gay ambassador, the son of a whore. He pissed me off," Duterte said. (He was speaking in Tagalog, the main language of the Philippines, and the word for "son of a whore" isn't quite as pointed as it seems in English. It might be compared to calling someone an S.O.B.) Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã triệu tập Tham Vụ Ngoại Giao của Tòa Đại Sứ Phi Luật Tân tại Hoa Thịnh Đốn để yêu cầu giải thích về lời tuyên bố này. "

Đây là một vụ án nghiêm trọng có thể do thành phần cực đoan người Mỹ tiến hành và cũng có thể là sự thanh toán trong nội bộ Hồi Giáo. Nước Mỹ phải mau chóng tìm ra thủ phạm nếu không, thành phần Hồi Giáo quá khích sẽ lợi dụng để kích động phong trào chống Mỹ. Trong khi đó bạo động bùng phát tại Mayhem, Milwaukee. Khoảng 800 dân Da Đen đã tràn ra đường, phóng hỏa một khu phố, đập phá xe cảnh sát, trạm xe buýt và hôi của sau khi cảnh sát mặc thường phục, đuổi theo và bắn chết một thanh niên Da Đen 23 tuổi mà họ nói có cầm vũ khi. Cộng với tin đáng buồn này, hai cảnh sát Mỹ lại bị bắn chết tại Tiểu Bang Georgia.
Như tôi đã nói trước đây, kể từ khi Ô. Duterte nhậm chức, Mỹ sẽ gặp khó khăn về ngoại giao với Phi Luật Tân. Đây có thể chỉ là "nút xì" của ẩn ức kéo dài kể từ cuộc chiến tranh Phi Luật Tân-Hoa Kỳ 1899-1902 sau đó Phi trở thành thuộc địa của Hoa Kỳ. Vị đại sứ Hoa Kỳ tại Phi Luật Tân sắp tới phải hết sức cẩn thận, khéo léo đừng để chạm tự ái "ông tổng thống Trương Phi" này giữa lúc Hoa Lục đang bành trướng quân sự và ảnh hưởng chính trị tại Á Châu. Ông/Bà đại sứ mới hãy trông gương Ô. Đại Sứ Hoa Kỳ Ted Osius tại Việt Nam. Mình là siêu cường mà khiêm cung thỉ người ta mới nể sợ. Hách xì xằng gặp "ông Trương Phi" phang cho thì  xấu hổ, có khi mất chức và hỏng việc.

- Reuters ngày 9/8/2016: "Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vừa chấp thuận việc có thể bán (potential sale) cho Ả Rập Sê-út 130 xe thiết giáp Abrams, 20 thiết vận xa chuyên dùng để sửa chữa xe tăng hư hại và những thiết bị khác trị giá 1.15 tỉ Mỹ Kim. Việc chấp thuận bán vũ khí dùng cho bộ binh xuất hiện giữa lúc Ả Rập Sê-út đang cầm đầu một liên minh quân sự để hỗ trợ cho lực lượng của tổng thống lưu vong  Hadi đang muốn trục xuất phiến quân Shiite-Houthis do Ba Tư hỗ trợ đang chiếm cứ Thủ Đô Sanna." Một số nhà bình luận cho rằng việc mua thêm vũ khí phơi bày tổn thất của Ả Rập Sê-út trong chiến dịch tiêu diệt phe phiến quân Houthis. 

- USA Today ngày 9/8/2016: "Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng Thống Nga Putin trong cuộc gặp gỡ hôm 9/8/2016  đã thỏa thuận phục hồi kinh tế bị thiệt hại sau khi Thổ bắn rơi một máy bay Nga vào Tháng 11. Hai người bắt tay nhau và trao đổi một vài lời vui đùa sau cuộc họp tại Lâu Đài Konstantin ở St. Petersburg, Ông Erdogan đã cám ơn Ô. Putin đã sớm gọi điện thoại ngay sau âm mưu đảo chính vào ngày 15/7/2016. Nhà lãnh đạo Nga ca ngợi người đồng cấp đã cam kết nối lại bang giao và nói rằng chuyến thăm viếng có nghĩa là tất cả hai bên đều muốn tái tục thương thảo." Chưa thấy phản ứng của Hoa Kỳ về chuyển động ngoại giao này.

- AP ngày 13/8/2016: "11 cuộc nổ bom liên tiếp tại những khu du lịch Thái Lan khiến 4 người chết mấy chục người bị thương trong đó có 11 du khách ngoại quốc khiến Thủ Tướng Prayut Chan-ocha hối hả tìm xem động lực của những cuộc khủng bố này là gi? Chưa biết tổ chức nào đứng đằng sau những cuộc tấn công, nhưng bất ổn chính trị có thể là nguyên do chính. Sau cuộc đảo chính năm 2014, tập đoàn quân phiệt đang phải đối đầu với sự chống đối chính trị của phe Áo Đỏ và cuộc nổi dậy dai dẳng của nhóm chiến binh Hồi Giáo ở miền nam từ năm 2004 khiến 5000 người chết." Tin tức mới nhất cho biết cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ một số nhân vật chính trị nói là có dính líu tới những vụ đánh bom này. Nhưng Đảng Pheu Thái (Áo Đỏ) đã bác bỏ mọi liên quan đến hoạt động khủng bố. Phải chăng Thái Lan lại theo chân Thổ Nhĩ Kỳ "mượn gió bẻ măng" lợi dụng  vụ đánh bom khủng bố để tiêu diệt hàng ngũ đối lập? Nếu vậy "nhóm khủng bố" sẽ mừng hết lớn vì được an toàn tiếp tục đánh bom mà không bị điều tra, bắt giữ, truy tố…và đất nước Thái Lan rồi sẽ thối nát thêm. Đây là căn bệnh trầm kha của các nước độc tài chậm tiến Á-Phi và Châu Mỹ La Tinh và ngày nay thêm Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập nữa.

- Reuters ngày 13/8/2016: "Một giáo sĩ Hồi Giáo bị bắn chết cùng với một tín đồ trong lúc đi bộ về nhà sau buổi lễ cầu nguyện tại một thánh đường tại Queens thuộc Thành Phố New York."

Đây là một vụ án nghiêm trọng có thể do thành phần cực đoan người Mỹ tiến hành và cũng có thể là sự thanh toán trong nội bộ Hồi Giáo. Nước Mỹ phải mau chóng tìm ra thủ phạm nếu không, thành phần Hồi Giáo quá khích sẽ lợi dụng để kích động phong trào chống Mỹ. Trong khi đó bạo động bùng phát tại Mayhem, Milwaukee. Khoảng 800 dân Da Đen đã tràn ra đường, phóng hỏa một khu phố, đập phá xe cảnh sát, trạm xe buýt và hôi của sau khi cảnh sát mặc thường phục, đuổi theo và bắn chết một thanh niên Da Đen 23 tuổi mà họ nói có cầm vũ khi. Cộng với tin đáng buồn này, hai cảnh sát Mỹ lại bị bắn chết tại Tiểu Bang Georgia.

Tình hình Syria:
- AP ngày 1/8/2016; "Một phi cơ trực thăng chuyển quân của Nga bị bắn rơi trên lãnh thổ của phe  phiến quân tại bắc Syria, cả 5 phi hành đoàn và sĩ quan trên tàu đề tử nạn."

- AFP ngày 2/8/2016: "Trong lúc cuộc giao tranh giữa các phe gia tăng dữ dội, Ngoại Trưởng John Kerry thúc giục Nga và chính quyền Syria tự chế để sự chuyển tiếp chính trị có thể bắt đầu. Ông cũng nói rằng về phần Hoa Kỳ, trách nhiệm là làm sao để phe phiến quân cũng tự chế."

Theo tôi nghĩ, đây là những tuyên bố cường điệu để che dấu thất bại và bẽ bàng của một chính sách bành trướng thiếu suy tính. Lãnh đạo đất nước mà che dấu thất bại hoặc không dám nhận thất bại để sửa chữa sẽ là một thảm họa. Các minh quân đều biết nghe lời nói phải trong đó có việc nhận định đúng-sai. Hôn quân ám chúa - ai nói mình sai là chém đầu liền cho nên hôn quân ám chúa đều chết thảm và có khi cả gia đình, tộc họ cũng chết theo. Ngày xưa để trị quốc, các minh quân đều có Quan Ngự Sử can gián. Một đất nước không có lời nói "phải" cất lên thì đất nước đó sớm muộn cũng tiêu vong. Tuy nhiên cũng cần phân biệt giữa lời nói "phải" và phá hoại. Phá hoại là dù làm đúng vẫn chống đối, bôi lọ hay bẻ quẹo, xuyên tạc. Còn lời nói "phải" là lời nói cẩn trọng của các bậc sĩ phu, trung thần nghĩa sĩ, đặt quyền lợi tối thượng của đất nước, của nhân dân lên trên mà nói. Có thể Trung Quốc sẽ xụp đổ vì không còn hàng ngũ trí thức. Khi trí thức hoặc sĩ phu bị tiêu diệt thì đất nước giống như "Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm." Vì mù cho nên thay vì đâm kẻ thù lại đâm vào chính mình luôn.
Trong Chiến Tranh Việt Nam, John Kerry là trung úy thuyền trưởng một giang tốc đỉnh hoạt động ở Cà Mau, nhưng chắc chắn ông không phải là một nhà quân sự. Tôi không hiểu trong lúc hai bên giao tranh dữ dội để tranh giành nửa phần còn lại của Aleppo để phân thắng bại mà lại buộc các bên phải "tự chế" là như thế nào? Tự chế là không tiến thêm nữa? Không bắn trả khi bị tấn công? Hay bắn trả vừa vừa thôi? Và thế nào là vừa vừa? Và ai giám sát, làm chứng cho sự "tự chế" này? Nếu đơn vị của tôi bị tấn công, là cấp chỉ huy, tôi phải tận dụng tối đa hỏa lực để tiêu diệt đối phương. Đó là quy luật sống còn trên chiến trường và không thể có sự 'tự chế". Chính ra Ô. John Kerry nên đề nghị một cuộc ngưng bắn tạm thời, dù vài tiếng đồng hồ cũng được, thì may ra mới khả thi. Để nghị của Ô. John Kerry phản ảnh sự lúng túng của Hoa Kỳ trong việc giải quyết cuộc chiến Syria. Vào ngày 4/8/2016, trong cuộc họp báo tại Ngũ Giác Đài, Tổng Thống Obama nói rằng những lựa chọn (một giải pháp) cho Syria rất hạn chế. Điều này cho thấy Hoa Kỳ không có biện pháp  mạnh để lật đổ Ô. Assad và có thể sẽ để phe nổi dậy trôi theo số phận. Tin tức mới nhất cho biết phe phiến quân đang tung ra những trận đánh quyết tử để bảo vệ phần đất phía đông của Aleppo. Theo AFP, hơn 500 binh sĩ chính phủ và phiến quân đã chết trong các cuộc giao tranh này. Dĩ nhiên là hai bên chẳng "tự chế" tí nào cả.

Tình hình Biển Đông:
- AP ngày 1/8/2016: "Trung Quốc tái khẳng định cam kết bảo vệ lãnh thổ giữa lúc căng thẳng mới về biên giới và tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trong một buổi tiếp tân, Bộ Trưởng Quốc Phòng Thường Vạn Toàn nói rằng sự toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và quyền lợi phát triển cần phải được bảo vệ." Trong khi đó theo Business Insider,"Tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã đi bài xã luận đòi tấn công Úc Đại Lợi vì đã ủng hộ phán quyết phán quyết của Tòa Hague và tấn công luôn các tàu của Úc thamg gia chiến dịch Tự Do Hàng Hải ở trong vùng." Còn theo Reuters, một giới chức Trung Quốc dấu tên cho biết,"Ông Tập Cận Bình nói rằng quân đội hãy sẵn sàng, chúng ta phải tiến vào và cho chúng nó "lỗ mũi ăn trầu" (bloody nose) giống như Đặng Tiểu Bình làm năm 1979, ý nói cuộc chiến trừng phạt Hà Nội vì đã tiêu diệt Khờ Me Đỏ - đồng minh của Trung Quốc."

Theo tôi nghĩ, đây là những tuyên bố cường điệu để che dấu thất bại và bẽ bàng của một chính sách bành trướng thiếu suy tính. Lãnh đạo đất nước mà che dấu thất bại hoặc không dám nhận thất bại để sửa chữa sẽ là một thảm họa. Các minh quân đều biết nghe lời nói phải trong đó có việc nhận định đúng-sai. Hôn quân ám chúa - ai nói mình sai là chém đầu liền cho nên hôn quân ám chúa đều chết thảm và có khi cả gia đình, tộc họ cũng chết theo. Ngày xưa để trị quốc, các minh quân đều có Quan Ngự Sử can gián. Một đất nước không có lời nói "phải" cất lên thì đất nước đó sớm muộn cũng tiêu vong. Tuy nhiên cũng cần phân biệt giữa lời nói "phải" và phá hoại. Phá hoại là dù làm đúng vẫn chống đối, bôi lọ hay bẻ quẹo, xuyên tạc. Còn lời nói "phải" là lời nói cẩn trọng của các bậc sĩ phu, trung thần nghĩa sĩ, đặt quyền lợi tối thượng của đất nước, của nhân dân lên trên mà nói. Có thể Trung Quốc sẽ xụp đổ vì không còn hàng ngũ trí thức. Khi trí thức hoặc sĩ phu bị tiêu diệt thì đất nước giống như "Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm." Vì mù cho nên thay vì đâm kẻ thù lại đâm vào chính mình luôn.

- Reuters ngày 6/8/2016: "Viên Thượng Tá Không Quân Trung Quốc Shen Jinke cho biết Hoa Lục đã cho oanh tạc cơ H-6 và chiến đấu cơ Su-30 bay tuần thám trên không phận chung quanhTrường Sa và Bãi Cạn Scarbotrough. Chiến dịch này bao gồm cả máy bay tuần thám và máy bay tiếp nhiên liệu trên không." Trong khi đó theo International Business Times (Luân Đôn), Nhật Bản đã lên tiếng phản đối sau khi phát hiện sáu tàu duyên phòng và 230 tàu đánh cá Trung Quốc tiến vào gần khu vực tranh chấp tại Biển Hoa Đông.

- Sputnix News ngày 7/8/2016: " HKMH đầu tiên của Trung Quốc là tàu Liêu Ninh mua lại xác tàu cũ của Ukraine vào năm 1998, đóng từ thời Liên Xô. Ngày 31/12/2015, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết nước này đang đóng tàu sân bay thứ hai có độ choán nước/trọng tải 50.000 tấn tại Cảng Đại Liên, bắc Trung Quốc, với kỹ thuật hoàn toàn trong nước. Sputnik News tiết lộ rằng trong khi đang đóng HKMH  thứ hai, PLA đã lên kế hoạch đóng tiếp một tàu thứ ba." Điều này cho thấy Hoa Lục không phải "đồ dổm", "hàng mã" như chúng ta suy nghĩ. Trung Quốc hiện nay đang có khả năng cạnh tranh với Hoa Kỳ để làm chủ Thái Bình Dương. Hoa Kỳ chỉ muốn hòa dịu chứ không muốn căng thẳng với Hoa Lục. AP ngày 9/8/2016 đưa tin, "Việc Khu Trục Hạm Benfold trang bị hỏa tiễn đạn đạo viếng thăm Cảng Thanh Đảo của Trung Quốc tuần này là chuyển động mới nhất trong nỗ lực dài nhằm xây dựng lòng tin giữa hai lực lượng quân sự, giữa những căng thẳng và cạnh tranh khống chế Á Châu." 

- Reuters (Hương Cảng) ngày 9/8/2016:  "Việt Nam đã bí mật phòng thủ nhiều đảo của mình tại Biển Đông bằng các giàn phóng hỏa tiễn di động mới có khả năng tấn công phi đạo và căn cứ quân sự của Trung Quốc dọc theo hải lộ chiến lược. Các giới chức quân sự và ngoại giao nói với Reuters rằng tin tức tình báo cho biết Hà Nội đã chuyên chở những giàn phóng từ đất liền để bố trí trên 5 căn cứ ở Quần Đảo Trường Sa trong những tháng vừa qua, một chuyển động chắc chắn làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh. Các giàn hỏa tiễn tối tân mua của Do Thái (*) này đã được ngụy trang để che mắt máy bay thám sát trên không, chưa được lắp đạn nhưng có thể triển khai trong vòng hai-ba ngày. Vào Tháng Sáu, Tướng Nguyễn Chí Vịnh- thứ trưởng quốc phòng nói với Reuters ở Hương Cảng rằng không có việc triển khai các giàn hỏa tiễn như vậy tại Trường Sa nhưng trong quyền tự vệ chính đáng, chúng tôi có quyền di chuyển bất cứ loại vũ khí nào, khắp nơi trong lãnh thổ của chúng tôi. (It is within our legitimate right to self-defense to move any of our weapons to any area at any time within our sovereign territory.) 

Những diễn biến đang xảy ra ở Biển Đông bây giờ, chúng ta thấy cách đây ba năm hoàn toàn không có, như:

- Hải Quân Trung Quốc tập trận liên miên. Oanh tạc cơ và phi cơ chiến đấu của Hoa Lục thường xuyên tuần thám Biển Đông.
- HKMH Mỹ hoạt động ở vùng này. Theo National Interest ngày 13/8/2016, Hoa Kỳ cho chuyển các máy bay ném bom tối tân nhất như B-1, B-2 và B-52 tới Đảo Guam- một cuộc biểu dương sức mạnh quân sự thật bất thường ở khu vực Thái Bình Dương.
- Việt Nam gấp rút tăng cường sức mạnh hải quân và đưa hỏa tiễn tối tân ra Trường Sa.

Với những chuyển động quân sự mỗi lúc mỗi gia tăng đó, phải chăng Biển Đông đang là trái mìn nổ chậm? Quả bóng đang ở về phía Trung Quốc vì chắc chắn Hoa Kỳ, Việt Nam và Phi Luật Tân không mong muốn một cuộc chiến với Hoa Lục. Nhưng theo tôi,  nếu Hoa Lục bước thêm một bước nữa, chắc chắn có đụng độ quân sự tại Biển Đông.

Đào Văn Bình
(California ngày 15/8/2016)

(*) Hỏa tiễn EXTRA do Do Thái chế tạo có tầm bắn 150 km với các đầu đạn 150kg mang theo chất nổ hoặc bom  có thể tấn công nhiều mục tiêu trên biển và trên đất liền.

2016/08/10

Cướp vài cái bánh mì bị tù, cướp hàng ngàn tỉ hòa cả làng

Cướp vài cái bánh mì bị tù, cướp hàng ngàn tỉ hòa cả làng

Mấy hôm nay người dân ngơ ngác hỏi nhau: Sao hai đứa giật bánh mỳ trị giá tài sản chiếm đoạt 45 nghìn đồng thì bị tù giam, còn 5 ông quan có trách nhiệm trong vụ đường ống nước nghìn tỷ cấp cho thủ đô bị vỡ gần 20 lần, kéo theo hàng chục nghìn gia đình dân lâm cảnh mất nước triền miên lại không bị xử hình sự?

Đó là một màn hài kịch quá trắng trợn đang xảy ra tại VN.

Hai vụ án này càng khiến dư luận sục sôi hơn khi đặt cạnh sự nghiêm khắc của các cơ quan tố tụng trong việc ngay sau đó phạt tù hai thanh niên cướp giật bánh mỳ chỉ có giá 45 ngàn đồng VN (theo thời giá bây giờ chỉ đáng $2 đô). Tôi tường thuật lại sơ lược hai nghịch cảnh đó để bạn đọc tiện theo dõi.

Tại sao hai đứa trẻ ăn cắp bánh mì
Trên đường đi xin việc làm, vì đói bụng nên Tuấn, Tân đã cướp bánh mì, chuối sấy, đậu phộng rang, me trị giá 45.000 đồng để ăn.

Viện Kiểm sát nhân dân (KSND Q.Thủ Đức –TP Sài Gòn) vừa hoàn tất cáo trạng, chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân (TAND) Q.Thủ Đức vụ án "cướp tài sản" liên quan đến 2 bị can Nguyễn Hoàng Tuấn (18 tuổi, ở tại H.Củ Chi), Ôn Thành Tân (18 tuổi, ở tại Q.9).

Khoảng 12 giờ ngày 18.10.2015, Tuấn và Tân đi xe máy, chở nhau đến quán Biển Xanh trên địa bàn Q.Thủ Đức để xin việc làm. Trên đường đi, cả hai đói bụng nhưng không có tiền nên nảy sinh ý định cướp bánh mì ăn.
Hai em Tuấn và Tân ăn cắp bánh mì lãnh án tù tại tòa.
Đến trước một tiệm tạp hóa tại P.Linh Chiểu, Q.Thủ Đức, Tuấn ngồi sau xe kêu chủ tiệm tạp hóa bán 2 bọc chuối sấy, 1 ổ bánh mì ngọt, 1 bịch đậu phộng rang muối và 3 bịch me trộn đường. Khi chủ tiệm mang hàng ra xe thì Tuấn dùng tay trái giật lấy túi thức ăn, Tân tăng ga xe máy bỏ chạy.

Chủ tiệm tạp hóa tri hô, người dân vây bắt được cả 2, chuyển cho Công an P.Linh Chiểu điều tra.
Tại cơ quan điều tra, Tuấn và Tân cùng khai nhận hành vi phạm tội của mình. Kết quả giám định tổng trị giá tài sản 2 bị cáo cướp được là 45.000 đồng

Cáo trạng của Viện KSND truy tố hành vi phạm tội của Tân, Tuấn là "cướp tài sản" thuộc trường hợp dùng thủ đoạn nguy hiểm theo Khoản 2, điều 136 Bộ luật Hình sự, với mức hình phạt từ 3-10 năm tù.

Luật sư Đỗ Hải Bình (bào chữa cho bị cáo Tuấn) nhận định, 2 bị cáo lúc gây án ở tuổi vị thành niên và xuất phát từ nguyên nhân đói bụng. Ý chí chủ quan lúc đó cướp chỉ để ăn, không lường được hành vi của mình gây nguy hiểm cho người khác, xã hội và cho bản thân các bị cáo. Luật sư này đề nghị có mức án khoan hồng cho Tuấn, tuyên mức án bằng thời gian tạm giam.

Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm Sát đã phản bác quan điểm của 2 luật sư. Do đói hay khát thì 2 bị cáo cũng chỉ để thõa mãn nhu cầu cá nhân của mình mà xâm hại đến tài sản của người khác, nghĩa là đã phạm tội.

Được nói lời sau cùng, bị cáo Tân cho biết rất ăn năn hối hận và mong nhận được mức án treo. Tuấn cũng xin được tuyên mức án nhẹ để sớm trở về làm lại cuộc đời.

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Hoàng Tuấn 10 tháng tù. Bị cáo Ôn Thành Tân lĩnh án 8 tháng 20 ngày.

Mức án này tưởng là "khoan hồng" nhưng thật ra theo bình luận rút gọn của một người dân trên báo. Thúy đã viết: "Hai em bé đáng thương này chính là nguyên nhân của cuộc sống bất an mà người dân thành phố này đang phải chịu đấy bạn à."

Tôi nghĩ không cần phải bình luận gì thêm ngoài suy nghĩ đáng lẽ tòa nên giao hai em về cho địa phương quản lý và giáo dục hơn là tuyên án tù. Dù tù bao nhiêu ngày cũng vẫn là một án tích đeo theo hai em suốt cả cuộc đời. Chưa biết chừng vào tù các em sẽ học được của các đàn anh nhiều mánh lới chuyên nghiệp và nhiều thói hư tất xấu hơn. Một bản án như thế chỉ có hại cho sự giáo dục của xã hội.

Vụ vỡ ống nước sông đà làm thiệt hại ngàn tỉ
Tôi tóm tắt lý do ống nước sông Đà bị vỡ. Bộ Xây dựng kết luận, tuyến ống liên tục bị vỡ do bất lợi của một số yếu tố trong các giai đoạn sản xuất, thi công lắp đặt. Trong đó nguyên nhân chính là chất lượng ống composite cốt sợi thủy tinh Viglafico sản xuất không đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất, yêu cầu thiết kế của chủ đầu tư. Các mẫu ống do Bộ thử nghiệm hầu hết không đạt chỉ tiêu độ cứng vòng, bề mặt ống bị xước và có khuyết tật đã tạo ra những điểm xung yếu. Lỗi này do đơn vị sản xuất không thí nghiệm kiểm tra đầy đủ nguyên vật liệu đầu vào, không thực hiện các thí nghiệm kiểm tra chất lượng ống để xác định độ bền dài hạn của sản phẩm.

Trong khi thi công, các đơn vị liên quan là Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát và nhà thầu cung cấp ống đã phát hiện và ghi nhận rất nhiều ống bị lỗi tại mặt cắt ngang như phồng rộp, tách lớp, lồi, lõm, nhiều vết nứt, xước rạn xung quanh thành ống, không đạt độ dày thiết kế, màu sắc và các vật liệu không đồng đều... nhưng vẫn cho lắp đặt.
Đường ống dẫn nước Sông Đà - Hà Nội bị phát hiện mặt cắt ngang có nhiều khuyết tật, rỗ, thiếu cát nhựa. Các quan làm thiệt hại ngàn tỉ không bị khởi tố.
Theo cáo buộc, những người được giao trách nhiệm quản lý, giám sát viên hiện trường do không tuân thủ và thực hiện đầy đủ quy định quản lý đầu tư và xây dựng công trình nên không kiểm soát được chất lượng vật tư. Khi phát hiện những lỗi kỹ thuật trên, giám sát không cho thu hồi các lô ống được sản xuất cùng loại. Thiệt hại rất lớn.

Dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội có tổng mức đầu tư là 1.450 tỷ đồng, gồm các nguồn vốn vay của nhiều ngân hàng, vốn tự có và một số nguồn khác.

Tuyến ống truyền tải nước sạch có gói thầu cung cấp ống và phụ kiện ống cốt sợi thủy tinh có giá trị quyết toán là 331 tỷ đồng, giá trị xây lắp 122 tỷ đồng.

Vậy tại sao không khởi tố?
Tôi chỉ xin kết luận ngắn gọn tòa không khởi tố vụ vỡ đường ống nước sông Đà vì họ là những người có "nhân thân tốt" và có nhiều đóng góp cho xã hội. 5 quan cán bộ này không phải chỉ được miễn trách nhiệm hình sự, mà họ còn không bị khởi tố điều tra làm rõ.

Việc không xem xét trách nhiệm hình sự vì lý do nhân thân tốt sẽ tạo nên một tiền lệ rất xấu. Luật quy định chỉ hai lý do để không khởi tố bị can hoặc vụ án, đó là: Không có dấu hiệu cấu thành tội phạm và Có dấu hiệu cấu thành tội phạm nhưng thiệt hại không đáng kể.

Bạn Đức Hiển viết trên báo Dân Trí:
"Trong vụ án Vỡ ống nước Sông Đà, dấu hiệu cấu thành tội phạm đã có, thiệt hại vô cùng lớn về vật chất lẫn tác động tiêu cực lên đời sống xã hội, thế nhưng vẫn không bị xem xét trách nhiệm hình sự là vô lý và sai luật. Không hề có căn cứ pháp luật nào đối với lập luận không xử lý hình sự vì nhân thân tốt".

Nhân thân tốt toàn là những con ông cháu cha hoặc những quan chức cấp cao. Như thế có nghĩa là thì cơ quan tiến hành tố tụng đã vô hiệu hoá quy định của pháp luật đối với các tội phạm về chức vụ.

Còn ngược lại, những vụ án kiểu "bánh mì" - hành vi trộm, cướp liên quan đến tài sản giá trị thấp - lại thường được gây ra bởi những người có xuất thân lao động, gia cảnh phức tạp. Họ khó có thể hay không có thể được luật pháp coi là có nhân thân tốt như các quan.

Lý do "nhân thân tốt" tạo ra một sự phân biệt đối xử quá rõ ràng giữa các vụ án "bánh mỳ" và "nghìn tỷ". Sự phẫn nộ của dư luận là rất chính xác. Không thể mang cái nhân thân tốt ra đánh đổi lấy nghìn tỉ của dân được. Những kẻ đó phải ở tù thay vì bỏ tù hai em bé vì quá đói phải cướp bánh mì. Lẽ công bằng ở đâu trong cái thời đại nhiễu nhương này ở xã hội VN?!

Còn một vụ án nữa nghiêm trọng hơn cũng trong thời gian này. Đó là Tổng cục Thủy sản làm giả công văn, cấp chứng nhận trái phép hơn 800 sản phẩm.
Bằng cách cắt ghép phụ lục, các đối tượng đã cấp phép cho hơn 800 sản phẩm ra thị trường.
Theo một công văn vừa được hé lộ, đoàn xác minh tố cáo thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) từng có kết luận nội dung làm giả công văn để lưu hành trái phép 140 sản phẩm thức ăn thủy sản, 668 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản trên thị trường.

Bỏ 5 triệu đồng để sản phẩm vào danh mục đủ tiêu chuẩn
Theo quy định, các sản phẩm là thức ăn trong nuôi trồng thủy sản và các sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, trước khi bán ra thị trường phải được Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản trực thuộc Tổng cục Thủy sản chấp nhận chất lượng và phải được Tổng cục thủy sản cấp phép cho lưu hành.
Động trời ở Tổng cục Thủy sản Kiểm định khống hơn 800 sản phẩm.
Tuy nhiên, để được vào danh mục sản phẩm này dường như không hề khó! Theo một bản báo cáo kết luận vừa được hé lộ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, sản phẩm của doanh nghiệp không cần phải đi qua khâu kiểm tra, xác minh chất lượng mà chỉ cần bỏ ra 5 triệu đồng một sản phẩm để trả cho Giám đốc Trung tâm là "nghiễm nhiên" có tên trong danh sách. Đặc biệt, chỉ với 3 bản phụ lục được ký khống, hơn 2 năm qua, hơn 800 sản phẩm trong lĩnh vực thủy sản đã vô tư lưu hành trên thị trường mà không bị cơ quan chức năng nào phát hiện.

Đúng như người dân nói "Thời đại này có tiền mua cá gì cũng được. Sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi."
Hồi năm ngoái, lãnh đạo Tổng cục thủy sản đã xác minh điều tra vụ việc này và ra kết luận cho thấy, từ đầu năm 2013, ông Bùi Đức Quý là giám đốc Trung tâm đã cấu kết với các cán bộ của Trung tâm là ông Nguyễn Huy Bàn, bà Đỗ Thị Hà, ông Phạm Hồng Quân, bà Vũ Thị Thu, bà Nguyễn Thị Hà, ông Nguyễn Văn Dũng và ông Lê Tuấn Anh (lúc đó là còn Phó Phòng Hành chính – Tổng Cục thủy sản) làm giả công văn và ban hành công văn trái luật để đưa tên các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn vào bản phụ lục sản phẩm đã được cấp phép lưu hành.

Kết luận xác minh cho biết, các đối tượng trên đã cố ý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và thực hiện hành vi vi phạm với mục đích vụ lợi. Trong khi thực hiện hành vi trên, bà Vũ Thị Thu đã chuyển tiền 2 lần cho ông Bùi Đức Quý với tổng số tiền là 912 triệu đồng. Ông Dũng cũng chuyển tiền vào tài khoản của ông Phạm Văn Hoà - người quen của bà Thu 3 lần với tổng số tiền là 976 triệu đồng. Số tiền này được tính trả cho ông Quý 5 triệu đồng một sản phẩm nhận làm cho doanh nghiệp.

Những hành vi vi phạm không những có thể gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc kiểm soát, lưu hành sản phẩm mà còn có thể gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng tới người nuôi trồng thuỷ sản nếu họ mua và sử dụng các sản phẩm được lưu hành trái luật do chất lượng không bảo đảm.

Vì thế ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam tại Hội nghị về chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được tổ chức ngày 25/5 tại Hà Nội nói thẳng: "Tôi đố các vị chỉ ra mặt hàng nào không bị làm giả ở Việt Nam!" Câu nói như tát vào mặt những người có trách nhiệm với dân.

Người dân chẳng còn biết thứ nào là thật thứ nào là giả, thứ nào có hại thứ nào ăn được. Một cuộc đánh lừa dân rất "ngoạn mục" của cơ quan nhà nước được gọi là Tổng cục thủy sản nên đổi tên thành "Tổng cục ăn cắp".

Văn Quang
Viết từ Sài Gòn ngày 08.08.2016