*** QUYỀN LỢI TỔ QUỐC & DÂN TỘC LÀ TRÊN HẾT *** KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH ***

2011/03/06

ĐỂ KIẾN TẠO MỘT QUỐC GIA LÝ TƯỞNG: XIN GÓP Ý VỚI 1001 GHONIM CỦA VIỆT NAM


ĐỂ KIẾN TẠO MỘT QUỐC GIA LÝ TƯỞNG: XIN GÓP Ý VỚI 1001 GHONIM CỦA VIỆT NAM

Iris Vinh Hayes, Ph.D.

Kiến tạo một quốc gia lý tưởng không thể nào tách rời khỏi công việc kiến tạo một hiến pháp lý tưởng. Theo sau một cuộc xuống đường tổng nổi dậy lật đổ chính quyền, kiến tạo một hiến pháp mới để từ đó hình thành một cơ chế điều hành đất nước thuận với lòng dân là một công việc cấp bách. Cực kỳ cấp bách!

Lật đổ một chế độ độc tài toàn trị hại nước hại dân chỉ mới là một nửa của vấn đề và đó chưa phải là mục tiêu tối hậu của một cuộc cách mạng. Kiến tạo một quốc gia lý tưởng mới đích thực là mục tiêu tối hậu của nó. Để có thể thực hiện được ước mơ đẹp của mọi người và cho mọi người, người dân không có sự chọn lựa nào khác ngoài việc phải xuống đường làm một cuộc tổng nổi dậy dẹp bỏ những trở lực nhằm tự cho mình cơ hội. "Không có sự lựa chọn nào khác" là vì một chế độ độc tài toàn trị tuyệt đối sẽ không tự nguyện cho người dân cái cơ hội đó. Những kẻ cầm quyền của chế độ độc tài toàn trị là những sát thủ của lý tưởng, của ước mơ, của cơ hội, của hạnh phúc, của tự chủ. Dưới sự kềm kẹp có hệ thống của một chế độ độc tài toàn trị đến mức người dân không còn chịu đựng nổi, cùng nhau vùng dậy để lật đổ bọn sát thủ tiếm quyền khủng bố nhân dân giam hãm đất nước là con đường tất yếu. Lúc đó, ngay sau khi chế độ độc tài sụp đổ, nắm bắt được cơ hội để thực hiện ước mơ đẹp của toàn dân và cho toàn dân sẽ là một thử thách không nhỏ. Muốn nắm bắt cơ hội một cách trọn vẹn và hiệu quả, 1001 Ghonim của Việt Nam cần phải có một sự chuẩn bị lâu dài trước khi cuộc xuống đường tổng nổi dậy thành hình và thành công. Nếu không có sự chuẩn bị đó, đất nước có thể sẽ rơi vào hỗn loạn một thời gian dài. Và tệ hơn nửa là để cho những kẻ gian hùng tước đoạt cơ hội và tái lập một chế độ độc tài toàn trị mới, cũng đáng sợ không kém.

Cho một quốc gia dân chủ, và dân thật sự làm chủ quốc gia, hiến pháp là một khế ước tối thượng giữa mọi người dân với nhau và giữa người dân với chính quyền. Hiến pháp còn là một bản vẽ để dựa vào đó thực hiện khế ước tối thượng trong tiến trình kiến tạo cơ chế điều hành đất nước. Do đó, muốn tạo lập một quốc gia lý tưởng trước tiên cần phải tạo lập một hiến pháp lý tưởng.

Thế nào là một quốc gia lý tưởng? Thế nào là một hiến pháp lý tưởng? Những yếu tố nào cấu tạo nên tính chất lý tưởng? Làm sao hình thành một hiến pháp có được những yếu tố đó? Hàng loạt câu hỏi mà những công trình sư của hiến pháp và những công trình sư kiến tạo cơ chế điều hành đất nước cần phải tìm ra câu trả lời. 1001 Ghonim của Việt Nam sắp hiện thân lãnh đạo cần phải tìm ra câu trả lời. Và đáp án cho những câu hỏi như vậy không chỉ đến từ khối óc mà còn phải đến từ đáy tim, không chỉ đến từ những công trình sư hay đến từ 1001 Ghonim của Việt Nam mà còn phải đến từ tất cả quần chúng.

Tôi không biết người khác nghĩ gì với cụm chữ "một quốc gia lý tưởng, một hiến pháp lý tưởng." Tôi cũng không dám lạm bàn về ý nghĩ của người khác. Nhưng với riêng tôi thì —trong giới hạn của một cá nhân giữa đám đông quần chúng được quyền ước mơ về một tương lai tươi sáng cho đất nước mình— tôi hình dung được một quốc gia lý tưởng phải hình thành từ một hiến pháp lý tưởng và tin rằng nó là kết quả của một tiến trình dài xuất phát từ những niềm tin chính đáng và vững chắc. Trước hết,

  • tin rằng bạo lực là nguồn gốc của tất cả mọi áp bức, thù hận và tàn phá do đó cần phải được quét sạch;

  • tin rằng nghèo đói hủy hoại mạng sống, sự sống, nhân cách và tình người do đó cần phải được quét sạch;

  • tin rằng ngu tối nuôi dưỡng nghèo đói, bạo hành và ghen ghét do đó cần phải được quét sạch;

Và,

  • tin rằng con người phải được quyền sống;

  • tin rằng phẩm giá con người bất khả xâm phạm;

  • tin rằng con người phải được quyền theo đuổi hạnh phúc của bản thân;

  • tin rằng con người phải tự làm chủ cuộc đời mình;

  • tin rằng con người phải chia xẻ quyền lợi và trách nhiệm một cách công bình;

  • tin rằng con người phải đùm bọc lẫn nhau trong một vòng tay lớn, trong một tình thương lớn, trong một niềm tin lớn;

Và,

  • tin rằng một cơ chế tuyệt đối dân chủ có thể bảo đảm sự ổn định trong sinh hoạt chính trị, kinh tế, xã hội một cách lâu dài và chắc chắn nhất;

  • tin rằng ước vọng của toàn khối dân tộc sáng suốt hơn khối óc của một cá thể, dầu cho cá thể đó có trí tuệ hơn người;

  • tin rằng hướng nhìn của toàn khối dân tộc chuẩn xác hơn lăng kính của một luận thuyết, dầu cho luận thuyết đó có cao sâu hơn hết;

  • tin rằng tình thương lớn của toàn khối dân tộc có nhiều cảm tính hơn một chính sách; dầu cho chính sách đó được soạn thảo với thiện ý đến mấy;

  • tin rằng sự hiện hữu của một cơ chế điều hành đất nước là để phục vụ, và chỉ để phục vụ, cho ước vọng của dân cho nên nó phải từ dân mà đến, phải nối kết với dân mà chọn lựa hành động, phải do dân mà quyết định giữ lại hay thay đi;

Và,

  • tin rằng guồng máy điều hành đất nước phải được kiến tạo với mục đích tối thượng là để sản xuất hòa bình thịnh vượng và an lạc cho toàn khối dân tộc;

  • tin rằng hiệu năng và hiệu quả của thể chế, cơ cấu, sách lược và phương tiện điều hành đất nước đến từ nền tảng vững chắc của những nguyên tắc tốt đẹp (good principles) và những kinh nghiệm thiện hành (good practices);

  • tin rằng điều hành đất nước với thái độ hợp tác, cởi mở, ngay thẳng, tương nhượng và vị tha (cooperation & collaboration) là cung cách ứng xử trưởng thành của một tập thể tiến bộ;


Một hiến pháp lý tưởng phải được hình thành trên nền tảng, và phải thể hiện đúng với, những niềm tin nêu trên. Những niềm tin này cũng chính là những giá trị cốt lõi (core values) sẽ làm nên "kim cương tính" của quốc gia (undestroyable, admirable national characters), một quốc gia lý tưởng. Những niềm tin này chính là khối trí tuệ của nhân loại tích lũy từ khi con người có mặt trên địa cầu cho tới nay được tinh lược và còn lại những gì đáng gìn giữ trong việc tổ chức cơ chế điều hành đất nước. Đáng giữ vì nó sẽ mang lại hạnh phúc đích thực cho con người. Vì thế mới được đánh giá là những niềm tin chính đáng và vững chắc.

Nói một cách khác, một hiến pháp lý tưởng cho một quốc gia lý tưởng phải là một hiến pháp vững chắc, trong sáng và tốt đẹp. Một hiến pháp được gọi là vững chắc, trong sáng và tốt đẹp khi nó có thể:

  • bảo đảm tính cách bình đẳng và dân chủ trong mọi sinh hoạt;

  • bảo đảm quyền lợi, danh dự và trách nhiệm của mọi công dân;

  • bảo đảm quyền sống tự do, an ninh và hạnh phúc cho mọi thành phần;

  • bảo đảm công lý được thực hiện ở mọi nơi, mọi giai đoạn, mọi điều kiện, mọi đối tượng; và

  • bảo đảm sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội và mọi khía cạnh khác của đời sống cho tất cả.

Muốn thực hiện những bảo đảm trên thì những điều khoản trong hiến pháp của quốc gia phải:

  • khẳng định cơ chế điều hành đất nước là một cơ chế nhân bản, dân chủ, pháp trị và khẳng định cơ chế này sẽ không bao giờ được phép thay đổi;

  • khẳng định những giá trị cốt lõi làm nên đặc tính của quốc gia, tức là những niềm tin chính đáng và vững chắc mà toàn dân đã đem ký thác vào hiến pháp và cam kết gìn giữ, sẽ không bao giờ được phép thay đổi; và

  • khẳng định hiến pháp chính nó là quyền lực tối thượng, luôn luôn được tôn trọng, và bắt buộc phải thực thi theo.


Một cơ chế nhân bản là một cơ chế chính nó không tước đoạt mạng sống, sự sống và cách sống của con người; là một cơ chế không cho phép bất cứ ai tước đoạt mạng sống, sự sống và cách sống của người khác; là một cơ chế không những không tước đoạt, không cho phép tước đoạt, mà trái lại còn trợ giúp cho mạng sống, sự sống và cách sống của con người. Một cơ chế nhân bản là một cơ chế mà con người nằm ở trọng tâm của việc tổ chức guồng máy điều hành đất nước và trọng tâm của mọi sinh hoạt điều hành đất nước. Một cơ chế nhân bản là một cơ chế mà sự hiện hữu của chính nó được cho phép bởi con người, làm công cụ cho con người, và phục vụ cho nhu cầu của con người. Chỉ có yếu tính nhân bản của cơ chế mới bảo đảm được yếu tính dân chủ của cơ chế. Không có yếu tính nhân bản, dân chủ có thể biến thành độc tài (tyrany of the majority). Không xét tới yếu tính nhân bản, độc tài có thể ngụy tạo dân chủ. "Dân chủ độc tài" hay "độc tài dân chủ" đều tệ hại như nhau, vì thiếu hẳn "nhân chủ tính" trong tổ chức và sinh hoạt điều hành chính quyền.

Trong phạm trù tổ chức của một quốc gia dân chủ, quyền điều hành đất nước là do dân trao cho mà có. Dân là chủ của đất nước, dân là chủ của cơ chế điều hành đất nước, dân là chủ của những mục tiêu điều hành đất nước. Quyền cho phép điều hành đất nước nằm trong tay dân. Dân thiết lập hiến pháp và thể chế lãnh đạo. Dân chọn lựa thành phần lãnh đạo và sách lược lãnh đạo. Dân quyết định tương lai và vận số của đất nước. Hay nói một cách khác, toàn bộ cơ chế điều hành đất nước và mọi sinh hoạt điều hành đất nước đều là của dân, do dân và vì dân. Và, tất cả những quyền lực điều hành đất nước, bất kể phát xuất từ đâu hay dưới bất cứ danh nghĩa nào, nếu không có sự ủy nhiệm của dân đều được coi là bạo quyền. Nếu đã là một cơ chế điều hành đất nước được xây dựng trên nền móng của bạo quyền thì đất nước đó không thể thực sự là một quốc gia dân chủ dầu nhà cầm quyền có che đậy dưới bất cứ hình thức nào, có đánh bóng với bất cứ lý tưởng nào, có trống chiêng với bất cứ chiêu bài nào, có giải thích với bất cứ lý do nào. Và, duy nhất chỉ có quyền lực dân chủ mới không tước đoạt mạng sống, sự sống và cách sống của con người. Duy nhất chỉ có quyền lực dân chủ mới trợ giúp cho mạng sống, sự sống và cách sống của con người.

Hai yếu tố nhân bản và dân chủ trong cơ chế điều hành đất nước, hay nói một cách khác từ góc độ của người dân là nhân quyền và dân quyền, là đôi chân không thể thiếu của một xã hội cấp tiến. Tóm lại, chỉ có cơ chế nhân bản và dân chủ mới bảo đảm duy trì được sự ổn định lâu dài cho xã hội và mang lại hạnh phúc thực sự cho mọi người.

Bình đẳng và tự do là hai yếu tính không thể thiếu vắng trong một xã hội cấp tiến. Con người sinh ra vốn bình đẳng và tự do. Trong trạng thái bình đẳng và tự do, không một cá thể nào bị cưỡng đoạt mất đi cái riêng biệt của chính mình. Mỗi một con người sinh ra vốn khác nhau và độc đáo. Sự khác nhau và độc đáo đó làm nên những cá thể riêng biệt. Sự khác nhau và độc đáo làm nên trạng thái đa nguyên. Trạng thái đa nguyên là sự hiện hữu của những dị biệt trong cùng một không gian và thời gian. Trong một xã hội cấp tiến nhân bản và dân chủ, trạng thái đa nguyên với trạng thái bình đẳng và trạng thái tự do kết hợp nhau chặt chẽ và tự nhiên. Để có được sự tôn trọng của người khác dành cho chính bản thân mình, tự nguyện tôn trọng sự khác biệt của những cá thể chung quanh là điều hợp tình, hợp lý và thiết yếu. Để duy trì sự ổn định tự nhiên và lâu dài, mỗi người và mọi người đều phải đương nhiên tôn trọng sự khác biệt của mỗi người và mọi người chung quanh; không cần biết sự khác biệt đó là khác biệt thể dạng hay khác biệt tư tưởng, không cần biết sự khác biệt đó là do bẩm sinh hay do nhân tạo, không cần biết sự khác biệt đó gây cảm giác ưa thích hay khó chịu. Và sự khác biệt của mỗi cá thể trong xã hội phải được tôn trọng theo tinh thần bình đẳng và tự do. Đi xa hơn, sự khác biệt của mỗi quần thể trong xã hội phải được tôn trọng theo tinh thần bình đẳng và tự do. Nhưng hy vọng vào sự tôn trọng "tự nguyện, hợp tình, hợp lý" không cũng chưa đủ mà còn phải có "pháp lý" để bảo đảm sự tôn trọng "tự nguyện, hợp tình, hợp lý" đó luôn luôn thể hiện. Một thứ pháp lý không thiên vị và hoàn toàn vô tư, đặt trên nền tảng vô luận vô tội. Từ đó, bình đẳng có nghĩa là bình đẳng trên pháp lý và tự do có nghĩa là tự do trong pháp lý. Và mục đích trên hết, cũng chính đáng hơn hết, của cái gọi là "pháp trị" của cơ chế nhân bản dân chủ là để bảo đảm cho sự bình đẳng và tự do của mọi người và cho mọi người cũng như để bảo đảm sự bình đẳng và tự do của mọi quần thể và cho mọi quần thể. Mục đích pháp trị của một cơ chế nhân bản dân chủ không dừng lại ở đó. Nó bảo đảm quyền sống, an ninh và hạnh phúc cho mọi thành phần. Nó bảo đảm quyền lợi, danh dự và trách nhiệm của mọi công dân. Nó bảo đảm công lý được thực hiện ở mọi nơi, mọi giai đoạn, mọi điều kiện, mọi đối tượng. Nó bảo đảm sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội và mọi khía cạnh khác của đời sống cho tất cả.

Như vậy, pháp lý của một xã hội nhân bản dân chủ là một "giao ước gián tiếp" giữa mỗi và mọi cá nhân trong xã hội và pháp trị chính là "giao ước đang thực thi" qua trung gian của cơ chế điều hành đất nước do mỗi và mọi cá nhân trực tiếp làm chủ. Từ đó cho thấy nhân bản, dân chủ và pháp trị là 3 yếu tính không thể tách rời nhau trong một xã hội văn minh thiện đức.

Tuy hiến pháp quốc gia có là một văn bản mang tải niềm tin, trí tuệ và tình thương lớn như ước muốn đi nữa nhưng niềm tin, trí tuệ và tình thương lớn đó cũng chỉ là những khẩu hiệu hào nhoáng và những giá trị cốt lõi tuyệt vời sẽ không thực sự "mưa xuống" đời sống của từng người và mọi người nếu như hiến pháp của quốc gia không minh bạch "vạch nhu cầu, qui trách nhiệm, định quyền hạn, cho thời gian, cấp phương tiện" dưới những điều khoản trong hiến pháp nói về việc tổ chức và sinh hoạt của bộ máy điều hành đất nước. Nói một cách khác, hiến pháp phải tiền liệu những gì không thể thiếu và qui thành những điều khoản của hiến pháp một cách minh bạch. Chưa hết, tất cả những điều tốt đẹp chứa đựng trong hiến pháp có thể biến mất trong một sớm một chiều, nếu không khéo thả neo buộc lại cho chắc. Do đó, cơ trình tu chỉnh hiến pháp phải hết sức nghiêm ngặt để tránh sự bất cẩn, lạm dụng và phá hoại về sau.

Như vậy, những công trình sư của hiến pháp phải tiền liệu những gì cần phải thực hiện để qui thành những định chế trong hiến pháp. Những định chế này vạch ra một lộ đồ tổ chức cơ chế điều hành đất nước, một lộ đồ không cho phép đi lạc hướng, một lộ đồ dẫn tới sự hình thành một quốc gia nhân bản, dân chủ, pháp trị. Những điều tiền liệu được qui thành định chế không nhất thiết làm cho hiến pháp bị xơ cứng. Ngược lại, nhờ những tiền liệu được quy thành những định chế trong hiến pháp mà lộ đồ tổ chức cơ chế điều hành đất nước sẽ không bị lệch với tinh thần của hiến pháp. Một mặt khác, cũng nhờ những tiền liệu được qui thành những định chế mà lộ đồ kiến tạo & phát triển quốc gia một cách bền vững mới khả thi.

Trong việc soạn thảo hiến pháp, thực ra các công trình sư không cần phải bóp óc để tự sáng tạo từ con số không. Họ không cần phải "re-invent the wheel" vì có khá nhiều hiến pháp trên mặt đất đã chứng tỏ sự trưởng thành trong kiến thức và ý thức của nhân loại và có khả năng mang đến hạnh phúc an lạc cho bá tánh lâu dài. Hãy nhìn vào Hoa Kỳ với trên 200 năm ổn định và tự do; Thụy Sĩ, Đan Mạch, Hòa Lan, Luxembourge trên 150 năm ổn định và tự do; Úc Đại Lợi trên 100 năm ổn định và tự do. Và đặc biệt là hiến pháp 1949 Cộng Hòa Liên Bang Đức. Hiến pháp của xứ này tuy sanh sau đẻ muộn nhưng được thừa hưởng hầu hết những giá trị cốt lõi mà nhân loại đã học được và lược lấy trong việc tổ chức một cơ chế điều hành đất nước có đủ khả năng thực sự mang lại tự do, no ấm và hạnh phúc cho mọi người [ngay cả cộng sản Đức cũng chấp nhận]. Những bản hiến pháp nói trên không những là tài sản của chính quốc gia đẻ ra chúng mà còn là tài sản chung của cả nhân loại. Vì thế không cần phải mặc cảm khi lấy đem về làm của cho mình. Không cần phải có "dấu ấn" của Á Đông hay của Việt Nam. Tự sáng tạo cho mình cái mới từ con số không không những là làm uổng phí thời gian quí giá mà còn có thể gây nhiều rắc rối không cần thiết vì những ý tưởng chưa được thử nghiệm trên thực tế hoặc vì những lỗ hỏng tổ chức không nhìn thấy trước. Nói tóm lại: hãy tận dụng những cái có sẵn trong việc soạn thảo hiến pháp cho Việt Nam, nhưng phải hiểu rõ thực chất của từng điều khoản trong văn bản.

Trên tiến trình soạn thảo hiến pháp và kiến tạo một quốc gia nhân bản, dân chủ, pháp trị, để đạt hiệu quả cao và bảo đảm sự hợp tác của mọi người, những qui trình và qui luật phối hợp làm việc nên được thiết lập trước và có sự đồng thuận của tất cả đại biểu. Sau đó mới nương vào những qui trình và qui luật này để tiến hành. Mỗi đại biểu nên chọn sẵn một số qui luật và qui trình để đóng góp ý kiến. Mỗi đại biểu nên liệt kê sẵn những điều khoản muốn đưa vào hiến pháp để đề nghị. Việc soạn thảo nên được xúc tiến theo qui luật "thu hoạch những cái đồng thuận trước, bàn luận những cái dị biệt sau" và theo qui luật "thu hoạch cái cốt lõi trước, đánh bóng ngôn ngữ sau.""

Những đại biểu soạn thảo hiến pháp phải hiểu rõ trách nhiệm của mình là nhìn tới trước để thấy một ảnh tượng tốt đẹp của ngày mai và tận sức cống hiến tất cả những gì mình có thể cống hiến -- niềm tin, trí tuệ, tình thương lớn-- nhằm kiến tạo một phương tiện vô giá để biến ảnh tượng đó thành sự thật. Những đại biểu soạn thảo hiến pháp phải hiểu rõ mỗi lời mỗi câu mình đặt xuống, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, sẽ quyết định mạng sống, sự sống và cách sống của toàn dân và sẽ lưu lại dấu ấn hàng trăm năm về sau. Những đại biểu soạn thảo hiến pháp phải hiểu rõ chính mình là những công trình sư đang kiến tạo một con đường dẫn tới hạnh phúc an lạc của hàng chục triệu con người trong đất nước. Những đại biểu soạn thảo hiến pháp phải hiểu rõ là mình đang "dấn thân làm một cuộc cách mạng trong sáng" ngay tại bàn hội nghị để mang lại hạnh phúc cho bá tánh. Những đại biểu soạn thảo hiến pháp phải hiểu rõ việc làm của mình không có chỗ cho những tính toán đen tối vị kỷ, không có chỗ cho những tự ái sân hận tị hiềm vụn vặt, không có chỗ cho những chạy chọt lạm dụng xấu xa. Những đại biểu soạn thảo hiến pháp phải hiểu rõ "tham dự với sự trong sáng thánh thiện" để thực hiện một "công trình của niềm tin, trí tuệ và tình thương lớn" là điều kiện tiên quyết đặt trên bản thân.

Trên tiến trình kiến tạo một quốc gia nhân bản, dân chủ, pháp trị tất cả những đại biểu soạn thảo hiến pháp cho đến cho đến những người vận động và tổ chức phải thể hiện triệt để đức tin dân chủ và cung cách dân chủ. Nói một cách khác, nếu không thể hiện được dân chủ trong tư duy và trong hành động thì không xứng đáng được ủy nhiệm vai trò sứ giả hoặc vai trò công trình sư kiến tạo dân chủ.

Tính cách nghiêm trọng trong "đức tin dân chủ" và trong "cung cách dân chủ" dẫn đến những trù liệu khác cần phải thực hiện trước khi một cuộc vận động bắt đầu: huấn luyện đào tạo những sứ giả của dân chủ. Muốn thực sự có cái gọi là "đức tin dân chủ" thì những sứ giả/ công trình sư của dân chủ phải được trang bị với những hiểu biết "chân xác và cặn kẽ" về dân chủ. Muốn thực sự thể hiện cung cách dân chủ thì những sứ giả/ công trình sư của dân chủ này phải "cưu mang đức tin dân chủ" trong từng hơi thở, trong mỗi nhịp đập của con tim, trong mỗi tế bào của sự sống. Nói một cách khác, những sứ giả/ công trình sư của dân chủ phải hoàn toàn tiếp thu (internalized) kiến thức dân chủ để biến nó thành đức tin dân chủ và sau đó chuyển hóa thành cung cách dân chủ. Họ là những con chiên dân chủ. Họ không những phải đọc kinh dân chủ mà còn phải mang tin lành dân chủ vào đời sống bằng cách thể hiện dân chủ ngay trên bản thân để cho quần chúng nhìn thấy. Họ không phải chỉ tụng kinh dân chủ mà còn phải hành thiền dân chủ để quần chúng tin rằng họ là những người đã thực sự chứng ngộ dân chủ. Và dĩ nhiên dân chủ đang nói ở đây là dân chủ của cơ chế nhân bản, dân chủ, pháp trị.

Dân chủ không phải là một sản phẩm hoàn toàn xa lạ đối với những dân tộc Đông Nam Á Châu. Tuy đa số nhân dân có thể không có học lực cao, không có kiến thức rộng, không có miệng lưỡi sắc bén nhưng chắn chắn họ có khả năng để phân biệt cái nào là thật và cái nào là giả khi họ chạm đến; có khả năng phán đoán cái nào là tốt cái nào là xấu khi họ nhìn thấy; có khả năng làm quyết định là có nên mua hay không nên mua khi họ hiểu được món đồ và ý đồ của người bán. Nói cho cùng, ngoại trừ những người mất trí, tất cả mọi người trên thế gian này đều có khả năng nhận thức sự khác biệt giữa những điều nhân bản với những điều không nhân bản; đều có khả năng nhận thức sự khác biệt giữa những điều làm cho họ vui sướng an lạc với những điều làm cho họ khổ đau sầu muộn; đều có khả năng nhận thức sự khác biệt giữa cái họ thích và cái họ không thích. Như vậy, đa số nhân dân rõ ràng có khả năng tiếp thu dân chủ. Nhưng mãi cho tới nay vẫn chưa thấy hoa dân chủ nở trên đất nước không phải vì dân tộc chúng ta không muốn hay không đủ sức để tiếp thu dân chủ mà sự thật hiển nhiên cho thấy là bạo lực đến từ những trái tim đen tối và những bàn tay tàn độc đã đặt họ dưới sự khống trị nghiệt ngã và không chừa cơ hội để những hạt giống dân chủ nẩy mầm. Những xã hội ĐNAC vốn nặng truyền thống phật giáo. Và, trong kinh điển Nikàya của phật giáo nguyên thủy có một đoạn nói về 7 pháp bất thối, những nguyên tắc để làm cho một quốc gia hưng thịnh, thì 3 pháp đầu tiên -- sự đồng thuận của dân, sự đoàn kết với dân, sự công minh nơi luật pháp-- là 3 thể hiện của dân chủ thực hành. Chưa hết, Hội Nghị Bình Than, Hội Nghị Diên Hồng trong thế kỷ thứ 13 và Hội Thề Lũng Nhai đầu thế kỷ thứ 14 là những thể hiện dân chủ thực hành của riêng người Việt. Dựa trên những sự thật này, không ai có thể viện dẫn lý do trình độ văn hóa, tôn giáo, chủng tộc hay hoàn cảnh xã hội để phủ nhận việc thực thi dân chủ cho Việt Nam. Những viện dẫn như vậy là một xúc phạm không thể chấp nhận được.

Như đã nói, lật đổ một chế độ độc tài toàn trị hại nước hại dân chỉ mới là một nửa của vấn đề và đó chưa phải là mục tiêu tối hậu của một cuộc cách mạng. Kiến tạo một quốc gia lý tưởng mới đích thực là mục tiêu tối hậu của nó. Kiến tạo một quốc gia lý tưởng không thể nào tách rời khỏi công việc kiến tạo một hiến pháp lý tưởng. Theo sau một cuộc xuống đường tổng nổi dậy lật đổ chính quyền, kiến tạo một hiến pháp mới để từ đó hình thành một cơ chế điều hành đất nước thuận với lòng dân là một công việc cấp bách, cực kỳ cấp bách, và không có nhiều thời gian để lãng phí. Cho nên 1001 Ghonim của Việt Nam cần phải chuẩn bị trước và chuẩn bị thật chu đáo. Không chuẩn bị chu đáo cho cuộc tổng nổi dậy chắc chắn sẽ tổn hao nhiều nhân mạng. Không chuẩn bị chu đáo để nắm lấy cơ hội kiến tạo một hiến pháp lý tưởng để từ đó hình thành một quốc gia lý tưởng chắc chắn sẽ gây ra thất vọng lớn. Hy vọng là 1001 Ghonim của Việt Nam đã sẵn sàng để khởi động tiến trình cách mạng.


Iris Vinh Hayes, Ph.D.


Con Dân Nước Việt là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment