*** QUYỀN LỢI TỔ QUỐC & DÂN TỘC LÀ TRÊN HẾT *** KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH ***

2011/02/25

Vài cảm nghĩ nhân đọc bài " Phật Giáo Việt Nam Đang Lụi Tàn hay Khởi Sắc "

Vài cảm nghĩ nhân đọc bài
" Phật Giáo Việt Nam Đang Lụi Tàn hay Khởi Sắc "


Võ Hưng Thanh


Bài viết "Phật giáo Việt Nam đang lụi tàn hay khởi sắc" là bài viết ngày 23/02/2011 (Mùa Xuân Tân Mão), tại Napa-Sacramento của ông Trần Kiêm Đoàn 
(1). Bài viết này nhằm góp mặt cùng với một bài viết cũ của tác già Nguyễn Hữu Liêm vừa mới được đăng trên Báo điện tử Phật giáo Việt Nam, xuân Tân Mão 2011, nhan đề "Tính Không và Thượng đế : Từ thoái trào Phật giáo đến cao trào Tin lành ở Việt Nam"(2), cũng như kết hợp với một bài điểm sách của tác giả nước ngoài khác là Allen Carr với nhan đề gây sốc "Lên kế hoạch ngày tàn của Phật giáo Việt Nam"(3).

Theo ý kiến của ông Trần Kiêm Đoàn thì các bài viết của hai tác giả Allen Carr và Nguyễn Hữu Liêm, đều có chủ đích nói lên thực trạng đáng quan ngại về Phật giáo trước sự vận động truyền đạo và cải đạo quy mô, năng động của các tôn giáo viễn chinh thế giới.

Tôi tuy không phải là người theo đạo Phật, đúng ra chỉ có cảm tình, nhưng thấy đây quả là một chủ đề lớn, vả lại bài viết của ông Đoàn có gửi trực tiếp cho tôi qua thư điện tử, bởi vậy nhân đó cũng xin có vài dòng cảm nghĩ. Ông Đoàn có trưng dẫn cuốn sách của tác giả Hattaway, dài 453 trang, trong đó chủ yếu nói về nổ lực và các phương thức vận động, lôi kéo, chinh phục mới – quyết liệt và năng động nhất – để truyền đạo, và tìm cách cải qua đạo Tin Lành đối với thế giới đạo Phật tại Á châu. Đối tượng được liệt kê và điều nghiên cụ thể, là 316 nhóm dân tộc, trải dài và vòng quanh từ Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Hoa, Mông Cổ, Đại Hàn, Nhật Bản, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Cam Bốt, Miến Điện, Tích Lan, và các vùng xa, vùng sâu, nằm giữa biên giới núi rừng của các nước châu Á.

Hattaway nhấn mạnh, và đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể trong tác phẩm của mình rằng, với cấu trúc lỏng lẻo của một hệ thống tôn giáo quá tự do, các tu sĩ và tín đồ Phật giáo là những đối tượng rất dễ chinh phục đối với những nổ lực vận động cải đạo. Nếu cộng thêm vào đó việc tăng già không hòa hợp, gây trở ngại cho tứ chúng đồng tu, thì kiến trúc của tổ chức Phật giáo cũng rất dễ chao đảo, và bị nghiêng đổ trước những cơn gió quét đến của thời đại. Allen Carr thì tỏ ra quan ngại về khả năng lụi tàn của Phật giáo. Theo ông ta, nếu không có một sự chấn hưng để bắt kịp thời đại, thì trước sự tấn công cải đạo như thế, Phật giáo sẽ rất khó vững vàng để truyền thừa hành đạo trong một tương lai trước mắt. Ông Đoàn cũng cho biết ông Nguyễn Hữu Liêm là một luật sư, một giáo sư triết học đang hành nghề tại Hoa Kỳ. Ông cũng là một cây bút về nhiều đề tài rất tế nhị và nhạy cảm thuộc thể loại chính luận.

Theo ông Liêm, trí thức Phật tử Việt Nam ở hải ngoại bỏ chùa để theo tu học các giáo phái khác, quần chúng ở trong nước, nơi các vùng thôn quê, tuy trước kia vốn có ảnh hưởng Phật giáo, nay lại đi theo đạo Tin lành ngày càng đông. Ông Liêm cho rằng động lực làm cho đạo Phật Việt Nam thoái trào, là vì giáo lý nhà Phật xa vời, khó hiểu, giống như một hiện tượng biểu dương chữ nghĩa, không đáp ứng được khát vọng tri thức cũng như nhu cầu tâm linh của những con người trong thời đại mới. Ông viết : "Có nhiều lý do cho sự thoái trào này. Nhưng trong bài này tôi chỉ nêu lên hai vế của một vấn đề về khái niệm và ngôn ngữ : cái gọi là "Tính Không" và "Thượng Đế". Khi giáo lý nhà Phật – vốn được hiểu bởi quần chúng - phủ nhận "Thượng Đế" và "linh hồn", thì đối với tâm thức khát khao niềm tin của con người thời đại, Phật giáo không còn hấp dẫn đối với họ. Trên phương diện học thuật, khi "Tính Không" trở thành một đối thể tri thức cho trí thức Phật giáo, khi trò chơi ngôn ngữ nay đã trở thành một "bình ruồi" (nói theo Wittgenstein) mà kẻ tham dự không thoát ra được, Phật giáo chỉ còn là một hoài niệm, hay là một tự ái bản sắc cá nhân".

Theo ông Đoàn, thì ông Liêm đã dùng quan điểm triết học ứng dụng của trường phái chữ nghĩa thực dụng Wittgenstein, Heidegger, Dewey và Marx, vào thời kỳ những năm 1930, để làm phương tiện nhận định và phân tích về khái niệm thuộc phạm trù tri thức luận cho "Tánh Không" của đạo Phật. Qua lăng kính "ứng dụng" đó, ông Liêm đã thấy nhìn "Tánh Không" của đạo Phật cũng tương tự như cái bình ruồi của Wittgenstein. Đây là một cách hình tượng hóa về tính chất phù phiếm, về trò chơi chữ nghĩa xa vời, viễn mơ, mà chẳng thực hiện được điều gì cụ thể trong thực tế, của hệ thống triết học cổ điển. Wittgenstein và những triết gia cùng khuynh hướng đã ra sức cổ xúy cho một nền triết học ứng dụng, đem tư tưởng và chữ nghĩa vào đời sống hiện thực nhằm để góp phần xây dựng và cải tạo xã hội.

Ông Đoàn cho biết, Sau ngày mừng Xuân Tân Mão 2011, bài viết Lên Kế hoạch Ngày Tàn Phật giáo của Allen Carr được phổ biến rộng rãi trong môi trường truyền thông báo chí Phật giáo trong và ngoài nuớc, phản ứng của quần chúng Phật tử khá sôi nổi, nhưng nóng bỏng nhất là luồng ý kiến "vận động quốc tế chống cải đạo". Ông cũng nói, hiện nay có khoảng 345 ngôi chùa, trung tâm thiền học và viện nghiên cứu Phật giáo của người Việt Nam tại nước ngoài. Với khoảng 1500 tăng ni người Việt thuộc các bộ phái, pháp môn khác nhau đang hành đạo ở hải ngoại. Trong số đó có hai phần ba là tu sĩ trẻ. Nhìn chung, tu sĩ và tín đồ Phật giáo Việt Nam hiện đang có từ 9 đến 13 nhóm phái đang sinh hoạt tự trị như những hình thức "Giáo hội" độc lập. Ông Đoàn cũng nói thêm, theo ý kiến của ông Liêm thì giới trí thức Phật giáo đang bỏ dần đạo Phật, vì họ thất vọng trước một hệ thống giáo lý không còn hấp dẫn và không đáp ứng được nhu cầu tâm linh của thời đại.

Tuy vậy, ông Đoàn nói hiện tượng "trí thức Phật giáo từ bỏ đạo Phật..." như nhận định của Liêm, không thực sự xảy ra trên thực tế, trong cũng như ngoài nước, kể cả Phật giáo Việt Nam và Phật giáo thế giới. Nếu có chăng chỉ là một mớ hiện tượng "thoái trào" của giới trí thức thuộc nhiều tôn giáo, nhưng Phật giáo chiếm đa số, là một hiện tượng "phiêu lưu thám hiểm" tôn giáo, đã xảy ra vào những năm 1980 tại hải ngoại. Đấy là hiện tượng một số người Việt, tương đối còn trẻ, có học vị cao về "Tây học", nhưng thiếu sự hòa điệu và sự tiếp cận với ngọn nguồn và gốc rễ văn hóa Việt Nam, vì họ được du học hay di cư ra nước ngoài Sự xôn xao của thời 1980 nhạt dần trong thập niên 1990, và đã gần như vắng bóng trong thập niên 2000. Thế nhưng, ông Đoàn cũng nói hiện vẫn có hiện tượng có nhiều trí thức Phật giáo ngày nay chọn sinh hoạt Phật sự ở nhà, thay vì đến chùa như thường lệ. Thái độ không đến chùa sinh hoạt thường xuyên và trực tiếp với "tăng bảo" như thế, hoàn toàn không đồng nghĩa với hành động bỏ đạo hay cải đạo.

Theo ông, điều đó là do phương tiện truyền thông hiện đại quá phong phú, người ở nhà cũng có thể tham gia đàm luận, tu tập, nghe pháp, thăm viếng Chùa, Viện qua hệ thống vi tính. Hai là do hệ thống tổ chức của giáo quyền tan rã và bất lực, bởi mỗi chùa có một vị trú trì, một đạo tràng riêng, có sự độc lập về mọi mặt tổ chức, kinh tế, tài chánh, lễ nghi, tu học, mà nếu cần, cũng có thể tự đặt tên, xưng danh, và sinh hoạt như một "Giáo hội" riêng biệt, hoàn toàn hợp pháp trong bối cảnh xã hội phương Tây. Thứ ba là hiện trạng tăng già chống báng nhau, làm Phật tử mất niềm tin và nản lòng. Bốn là truyền thống lễ nghi, lễ nhạc của Phật giáo Việt Nam đang bị "phát huy" một cách tùy tiện, tự phát, và mang nặng tính trình diễn hời hợt, do hàng tăng ni cao niên và tuổi trẻ thiếu sự hợp tác cần thiết, cả trong vai trò chủ động lễ nghi tôn giáo, trong lúc nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt và tu học lại đang cần đến, tức sử dụng phương tiện nghi thức, lễ nhạc hài hòa, thống nhất và đồng bộ, để hoằng dương Phật pháp. Sau chót, sự bế tắc đối với một khả năng hóa giải về những dị biệt trong cộng đồng tăng lữ, vì mặc cảm (tự tôn là chính), và định kiến (khuynh hướng chính trị, viễn kiến bảo thủ và cấp tiến). Tuy thời đại mới, nhưng bản chất vẫn cũ, không chấp nhận và thỏa hiệp đối với sự khác biệt để hóa giải, cứ khăng khăng bảo thủ, cho cái riêng của mình là đúng.

Ông Đoàn cũng nhấn mạnh, đạo Phật đã ra đời cách đây hơn hai ngàn rưỡi năm, cũng đã trải qua bao biến đổi tồn vong, hưng phế, dưới nhiều hình thái và hoàn cảnh khác nhau. Trong khi đó, đạo Phật nhắm tiến đến cái Tính Không (rỗng lặng) như một chân lý giải thoát cùng tột. Hơn thế, đối với tinh thần truyền thừa của Phật giáo, ngôn ngữ chỉ được xem là phương tiện "hữu lậu" (lỏng lẻo, rơi vãi, không mô tả hết được bản chất đích thực), dễ gây ra nhiều hiểu lầm và biên kiến nhất. Ông cũng nói đức Phật không phải là một đấng thần linh, và đạo Phật cũng không tin vào một Thượng Đế. Đạo Phật chỉ giúp cho con người giác ngộ (enlightment), mà không phải là sự cứu rỗi (salvation). Đạo Phật chủ trương vô ngã (nonself), cũng như phủ nhận sự hiện hữu của linh hồn bất biến, thường tại. Đạo Phật không chinh phục, và cũng không thuyết phục người theo bằng bùa chú, tín điều, hay phép lạ. Bởi vì Phật giáo chủ trương Duyên khởi, tức tất cả đều quay theo vòng sinh diệt của quá trình thành, trụ, hoại, không, từ vô thủy đến vô chung.

Ông cũng nói, trong giáo lý nhà Phật, con người cũng như mọi loài có sinh có chết, đều tồn tại dưới một dạng năng lượng "chủng tử", và biến hiện không ngừng trong dòng sinh diệt đó. Như thế, Thượng Đế của đạo Phật (nếu cần phải gọi theo kiểu ngôn ngữ quy ước của lý tính phương Tây), thì đó chính là Duyên khởi. Tức vũ trụ, vạn vật vốn được tạo nên, hay hủy diệt, là do duyên khởi, và duyên hợp hay duyên tan, là qua vô số các hình tướng hợp thể mang tính giả tạm, tuyệt đối không hề có một tự tánh thường hằng, bất biến. Có nghĩa, đạo Phật phủ nhận một nguyên nhân đầu tiên sáng tạo ra muôn vật, và hệ luận tất nhiên là không hề có một Đấng thần linh uyên nguyên và chủ tể nào vốn đứng ra sáng tạo muôn vật, muôn loài như thế. Bởi vậy, trong sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, Đạo Phật không hướng lên trên, không vọng ra ngoài để cầu xin ơn cứu rỗi của một tha lực đầy quyền năng hay tối thượng nào đó cả, mà chỉ chủ trương quay vào bên trong để tìm tòi, soi rọi, nhận ra, và tiếp cận với "Đấng" cao cả nhất nằm trong chính mình, đó là Chân tâm, là Phật tánh, là Bản lai diện mục, là Tự tánh thường hằng, là Thật tánh tuyệt đối.

Ông Đoàn cũng dẫn chứng một trí thức cư sĩ Phật giáo nói là có không ít những trí thức Phật giáo Việt Nam hiện nay càng có cái Tâm quy ngưỡng đạo Phật mạnh mẽ chừng nào, họ lại càng tìm cách quay lưng với việc 'Phật sự' ở các chùa chiền người Việt chừng ấy. Thậm chí, họ xa lánh chư Tăng, Ni, và bạn đạo, bởi họ không còn chịu đựng nỗi nữa cái cảnh chùa chiền bị biến thành những trung tâm quyên tiền, gây quỹ, còn thô phàm hơn cả cảnh thương mãi ngoài đời. Có nhiều trí thức Phật giáo khác thất vọng và giảm lòng quy phục đối với các 'trưởng tử Như Lai' kiểu như thế đó. Ông Đoàn cũng nói, theo nhận định của Allen Carr trong bài điểm sách nói trên, thì các nhà truyền giáo Tin Lành đang gặp phải những bức tường bảo vệ kiên cố của đạo Hồi ở Trung Đông, châu Phi, "vòng đai thánh kinh" đã có sẵn ở châu Mỹ, chiếc nôi đạo Chúa ở châu Âu, nên hướng tiến còn lại của những binh đoàn truyền giáo lắm của nhiều người, chính là Á châu. Nơi mà đa số người dân theo đạo Phật, với đời sống tâm linh từ bi, hiếu hòa, bất bạo động.

Ông cũng đặt câu hỏi, là trong dụng công tiếp cận với bất cứ nhóm dân tộc theo Phật giáo nào, Hattaway cũng đều tìm thấy khả năng đầy triển vọng cho việc vận động quần chúng tập thể bỏ đạo Phật, để cải sang đạo Chúa. Nếu vậy, thì đạo Phật sẽ phải có một ngày bị tàn đi hay không ? Tuy vậy, ông lại lạc quan khẳng định, có một chân lý khách quan đã được khẳng định trong tiến trình tất yếu của sự "thành, trụ, hoại, diệt", hay Duyên khởi của đạo Phật là một sự biến tướng của sinh khởi trùng trùng, bất tận, chứ chẳng có gì còn, mà cũng chẳng có gì là mất cả. Và để kết luận, ông Đoàn nói, trước những nguồn thông tin khá sôi nổi về chuyện truyền đạo, cải đạo ở quê nhà, đặc biệt là những vùng quê, vùng cao, vùng sâu nghèo khổ, phản ứng của giới Phật tử trong và ngoài nước, tuy rất khác nhau về mức độ, nhưng tựu trung lại cũng rơi vào một trong hai tuyến chính, là tuyến bảo thủ, và cấp tiến. Khuynh hướng bảo thủ thì dè dặt và vô ngại. Những vị theo khuynh hướng nầy cho rằng, đạo Phật lấy tinh thần từ bi, hỷ xả làm đầu, nên cứ hoan hỷ chấp nhận bất cứ sự việc nào xảy ra, và nên "thương hại" những thế lực nào muốn ra tay đánh phá Phật giáo.

Chẳng hạn như lời nhận định của một cư sĩ cho rằng từ bi mà thiếu trí tuệ thì thường đưa tới thái độ dễ dãi thỏa hiệp bề mặt, nặng tính trình diễn, hơn là phát khởi từ chánh niệm. Chánh niệm không phải chỉ là ngồi yên, gỏ mõ tụng khinh, mủ ni che tai, mà phải biết dụng công, cải tà quy chánh, dụng chánh để đuổi tà. Trái lại, khuynh hướng cấp tiến thì xông xáo, quái ngại. Những vị theo khuynh hướng này vẫn cho rằng cải đạo là vi phạm quyền tự do tâm linh của con người, vì vậy họ đề nghị những phương tiện nhằm "phản công" chống lại sự cải đạo, như phát hành tài liệu sách báo và vận động dư luận quốc tế nhằm chống cải đạo. Như có cư sĩ bảo cổ thư có dạy muốn giữ thành cho vững thì phải giữ vững lòng tin của người trong thành trước đã. Nên khi tăng già hòa hợp, tứ chúng đồng tu, thiền môn thanh tịnh, thì đạo Phật hưng thịnh. Và khi đạo Phật hưng thịnh, làm sáng niềm tin, thì khi đó chẳng cần chống ai cả, mà những vọng ngữ và vọng động phi Phật giáo đều sẽ tự lụi tàn.

Và để gút lại, ông Đoàn nói, thái quá và bất cập đều dễ đưa tới cực đoan, vọng động và vọng nghiệp. Con đường phong quang và tinh túy nhất của đạo Phật, chính là Trung Đạo. Phải có trí tuệ để nhìn đúng, mới biết làm đúng. Có từ bi để thương yêu, mới biết cách sống cho và sống với. Có hỷ xả để vui, mới giữ được tâm an lành và hạnh phúc. Hoa sen vẫn nở được trong biển lữa. Hỷ xả có được trong mọi hoàn cảnh để giữ cho tâm bồ đề kiên cố, phát huy năng lực hoằng pháp, độ sanh bất thối chuyển, đó chính là cái hạnh dũng tuyệt vời trong tam pháp hạnh gồm Bi, Trí, Dũng của người Phật tử. Đặc biệt, bản chất từ bi, chánh kiến hòa bình, và tinh thần an lạc của Phật giáo, vẫn là vốn quý của nhân loại toàn cầu, trong một thế giới dẫy đầy chiến tranh, bạo loạn và thường xung đột như ngày nay. Cho nên ông kết luận là nếu nói về mặt triết lý thì sự lụi tàn hay khởi sắc của vạn pháp chỉ là sự biến tướng do nhu cầu hình tướng bên ngoài. Đó chỉ là ảo ảnh. Mọi sự cố xảy ra đều do duyên khởi. Tánh Phật là Tánh Không. Không có tự tánh thì lấy gì để còn hay mất, khởi sắc hay lụi tàn.

Tất nhiên ông Trần Kiêm Đoàn đã nhận xét chính xác khi nói việc bàn đến sự liên quan của thần thánh và con người đã xảy ra từ 9.000 năm trước, trong kinh Vệ Đà của Ấn giáo, và trong các thần thoại cổ Hy lạp và La Mã. Nhưng hình ảnh một Thượng Đế mang hình ảnh con người, hay con người mang hình ảnh Thượng Đế, chỉ đã xuất hiện trong tín lý của đạo Hồi, đạo Do Thái và đạo Thiên Chúa. Tuy trong Áo Nghĩa Thư, ngôn từ chính yếu để nói về Thương Đế, là "Neti Neti". Có nghĩa "không phải cái nầy, mà cũng Chẳng phải cái khác". Nhưng cho đến nay, chỉ có đạo Thiên Chúa La Mã là đã hình tượng hóa Thượng Đế qua hình ảnh của con người. Và cả 3 tôn giáo Hồi, Do Thái và Thiên Chúa, đều xác định sự hiện hữu của Thượng Đế bằng sự xác lập mối tương quan giữa đấng cứu rỗi (Thượng Đế) và kẻ được cứu rỗi (con người). Có một ý trong Tân Ước mà ông Nguyễn Hữu Liêm đã trích dẫn về lời Chúa Jesus, "các ngươi đều là Thượng Đế", vốn đã được nhà thần học Irenaeus xứ Lyon sống vào thế kỷ thứ 2 minh giải rằng "Cha là Thiên Chúa, Con cũng là Thiên Chúa, vì bất cứ ai sinh ra từ Thiên Chúa là Thiên Chúa". Tức con người do Thượng Đế sinh ra, nên mang bản thể của Thượng Đế, chứ không thể nào chính con người là Thượng Đế.

Trên đây là tóm lược những ý chính trong bài viết của tác giả Trần Kiêm Đoàn mà tôi đã nhận được. Qua đó người đọc tất cũng hiểu được tinh thần bài viết của ông Nguyễn Hữu Liêm cũng như ý nghĩa các tài liệu liên quan mà cả hai ông này đã đề cập. Dĩ nhiên theo tôi thấy, ông Đoàn có hiểu rất sâu sắc về đạo Phật cũng như ý nghĩa những vấn đề có liên quan hiện nay của nó. Tôi không rõ ông Đoàn có là Phật tử không, nhưng tinh thần của ông cho thấy đúng là người Phật tử, và ngôn ngữ của ông đúng là ngôn từ rất hàm súc và rất chuyên sâu của những người trong đạo Phật. Các tác giả liên quan kia cũng vậy, tôi không biết họ có là Phật tử không, nhưng chí ít tôi nghĩ họ cũng là những người có quan tâm hoặc có cảm tình nào đó đối với lý thuyết nhà Phật. Như ông Liêm chẳng hạn, được ông Đoàn cho biết hiện nay là một luật sư và đang giảng dạy triết học. Điều này đối với tác giả bài viết này cũng là một sự trùng hợp, có nghĩa về nghề nghiệp và mục đích làm tư duy triết học, ông Liêm quả cũng có nét giống tôi. Riêng các ông Allen Carr và Hattaway, tôi nghĩ họ là người nước ngoài, chắc là người phương Tây, nên tất nhiên cái nhìn của họ về đạo Phật không thể nào hoàn toàn giống được với ông Đoàn, ông Liêm cũng như nhiều người khác. Dù sao, ý nghĩa của họ cũng là thiện chí mà không phải có ý làm phương hại gì đến đạo Phật.

Riêng đối với ông Liêm, tôi nghĩ chắc ông làm việc ở nước ngoài lâu, lại có nhiều hiểu biết về triết học phương Tây, thành cái nhìn về đạo Phật và nhận thức về Phật giáo dường như không hẳn đã mang tính chất bản lai diện mục về đạo Phật như ông Liêm cũng đã nhìn thấy và phần nào phê phán. Bởi tôi nghĩ mỗi nền triết học vẫn có các đặc thù riêng, nếu nhận thức về các đạo giáo, các tư tưởng phương Đông lại thuần túy bằng phạm trù tư duy suy lý như kiểu phương Tây thì thật sự có thể có nhiều thiếu sót và khó có thể đạt tới được nhứng mặt sâu lắng, những ý nghĩa trực nhận mà chính những người trong bản thân của ý thức nhận thức đó bắt buộc phải có. Nhất là nếu ông Liêm lại "chơi" triết học ứng dụng (applied) theo lối Anh Mỹ, kiểu như Wittgenstein để đánh giá hoặc hiểu về đạo Phật thì tôi e rằng có thể có những phần nào đó rất phiến diện. Bởi ai cũng biết rằng mọi khía cạnh của ngôn ngữ diễn đạt hình thức luôn có phần hạn chế, mọi tư duy theo kiểu lô-gích duy lý bề ngoài có thể nhiều khi rất xa với trực giác hay những trực nhận bản thân của người khác mà chính người nhắm đến đo không thể nào diễn đạt được hoàn toàn trọn vẹn hay đầy đủ được. Đây cũng chính là ý nghĩa của triết học Phật giáo, được trải nghiệm bởi chính bản thân đức Phật, mà nếu chỉ phê phán nó thuần túy bằng các suy nghĩ, các phạm trù nhận thức phương Tây, các lý luận lô-gích hình thức bề ngoài, có khác gì nhìn một trái cây bề ngoài có bao giờ biết ra được các bản thân mùi vị bên trong của nó được. Nên nói tóm lại, hình ảnh về cái bình ruồi của Wittgenstein là có phần hời hợt và không xác đáng.

Tuy vậy, đọc các bài viết trên, mọi người có thể giật mình là mối đe dọa đối với Phật giáo hiện nay là có thật. Chính vì vậy tuy tôi không phải là người Phật giáo nhưng tôi thấy có mối quan tâm, và chắc những người Phật giáo thật sự còn phải quan tâm rất nhiều hơn như thế. Trường hợp của ông Đoàn hay ông Liêm viết bài, có thể là những ví dụ chẳng hạn. Tính phát sinh của điều đó đúng ra chỉ là lẽ công bình bên ngoài, mình thấy có điều gì chính đáng mà lại có thể bị phương hại hay mai một đi, vậy thì phải quan tâm, thế thôi. Đạo Phật cũng vậy, nó là điều rất chính đáng, chính đáng trong giáo lý của đức Phật, chính đáng trong ý nghĩa xã hội thường xuyên của nó, nên nếu đạo Phật bị phương hại hay mai một quả thật là điều rất đáng tiếc. Về lý thuyết đạo Phật, xin để dành cho các tu sĩ Phật giáo. Tuy nhiên hiểu lý thuyết đạo Phật, tức giáo lý của đức Phật sâu tới đâu lại là chuyện khác. Tu sĩ và nhà nghiên cứu Phật học hoàn toàn là chuyện khác. Nhà nghiên cứu Phật học và nhà tư tưởng Phật giáo hoàn toàn là chuyện khác. Người noi theo giáo lý của Đức Phật theo nghĩa nào đó và người có thể vận dùng và thực hành giáo lý ấy hoàn toàn độc lập, tự chủ, sâu lắng trong chính bản thân mình lại là chuyện khác. Ngay cả đạo Phật, hay Phật giáo và triết học Phật giáo cũng là chuyện khác. Phật là nhà tư tưởng, nhà triết học lớn, hay Phật là người tu đạo, vị giáo chủ, người chỉ đường thực hành cho người khác, cho xã hội, cũng không phải chỉ là những điều dễ hiểu hoặc suy nghĩ hời hợt được. Đấy ý nghĩa chiều sâu của Phật giáo là thế, và ý nghĩa của những người thực hành đạo Phật cũng thế.

Cho nên nói đến tôn giáo là nói đến vị giáo chủ, lý thuyết của vị giáo chủ đó đưa ra, và những tín đồ, tức những người thực hành và hoạt động theo tôn giáo đó. Điều đó có nghĩa một tôn giáo nào đó có mai một hay không qua từng thời đại hoặc xã hội thực chất là còn tùy cả ba yếu tố đó. Có khi tôn giáo mai một nhưng ý nghĩa và giá trị của vị giáo chủ và lý thuyết vị giáo chủ đưa ra vẫn luôn có ý nghĩa, giá trị và vẫn tồn tại muôn đời. Đó cũng là ý nghĩa của việc Phật giáo từ xưa đã bị đẩy ra khỏi Ấn độ, nhưng lại phát triển và tồn tại mạnh mẽ ở các quốc gia châu Á khác, trong đó có Việt Nam. Đó có nghĩa là sự phù hợp hay ít phù hợp của một lý thuyết nào đó đối với khung cảnh xã hội, truyền thống xã hội, hay chính bản chất và các sắc thái tinh thần của xã hội, dân tộc, đất nước đó. Tất nhiên những chuẩn mực đó không thể chủ quan, bởi vì nó vẫn có thể biên thiên, thay đổi theo từng hoàn cảnh cụ thể khác nhau của những thời đại. Vậy nên về mặt thực tế, nói cho cùng, sự tồn tại và phát huy được hay không của một tôn giáo còn tùy chính những con người cá nhân cụ thể đang họp thành tôn giáo đó, tức là các tín đồ của nó. Bởi ai cũng biết tín đồ chủ yếu là ở niềm tin, ở sinh hoạt tôn giáo, ở sự tổ chức của giáo hội, ở chất lượng và số lượng của những người theo đạo, ở ý nghĩa, hiệu lực của những hệ thống chức sắc và bản thân giá trị của mọi thành phần chức sắc trong chính hệ thống tổ chức, thực hành của tôn giáo đó. Ý nghĩa của Phật giáo nhất thiết cũng không ra ngoài nguyên lý ấy, và sự tìm tòi, cách tân lại những gì là ưu điểm, những gì còn là nhược điểm của mình, cũng là điều hoàn toàn cần thiết, sáng suốt, và ích lợi.

Như vậy, ý nghĩa còn lại ở đây qua bài viết của các tác giả về nguy cơ của đạo Phật hiện nay chính là niềm tin về "tính Không" và "Thượng đế". Các tác giả đều cho rằng điểm mạnh của đạo Tin lành đối với quần chúng vẫn luôn là sự cứu rỗi của Thượng đế, còn điểm yếu của Phật giáo đối với quần chúng hiện nay chính là việc không công nhận có sự cứu rỗi của một Thượng đế, và ý nghĩa của tính Không. Các quan điểm này đúng ra hoàn toàn chính xác và thực tế. Bởi vì bất cứ tôn giáo nào, hay ngay cả những trào lưu chính trị cũng thế, lực lượng chính yếu của nó vẫn chính là số đông quần chúng đi theo, mà phần lớn những người này đều là những sự hiểu biết bình dân, luôn luôn hướng đến cái lợi trước mắt, hoặc là lợi ích vật chất hay tinh thần, hoặc là cả hai, hoặc là sự thú vị hay ích lợi thiết thân, sát sườn nào đó mà họ quan niệm. Do đó, lý tưởng và thực lợi ở đây hoàn toàn là điều khác. Đạo Tin lành ai cũng biết là một tôn giáo giàu có, trong khi Phật giáo mang ý nghĩa xuất tục, hướng về sự tự thân giải thoát, hướng về tính từ bi và chịu đựng, không đặt nặng về lợi ích vật chất mà hướng đến tinh thần siêu thoát, hướng đến sự giải phóng tuyệt đối về cá nhân, thế thì điều này có thích hợp với thời đại ngày nay phần lớn là thời đại thực dụng, đó cũng là điều nên đáng quan tâm cũng như rất cần bàn tới, nhất là những người có quan tâm, tâm huyết, hay cả những chức sắc, những người trong chính lòng đạo Phật. Tất nhiên ý nghĩa là sự tự do tôn giáo của mọi người, cho nên sự lôi kéo bằng các hình thức nào đó là không thể bị cấm, bởi vì đó cũng là những yêu cầu tự do nhất định, nhưng cái chính là sự tự vệ, sự không để bị cám dỗ nhất thời nào đó, cái chính là ý nghĩa chân lý khách quan của từng tôn giáo, cái chính là tự thân mỗi người có đạo, dù là đạo gì cũng vậy, tức cái chính là ý nghĩa đạo lý hiểu theo nghĩa rộng, ý nghĩa của chân giá trị khách quan, ý nghĩa của chân lý tối hậu, ý nghĩa của bản thân nhận thức đúng đắn và chân chính của mỗi chủ thể cá nhân, đó hoàn toàn là những gì chính đáng nhất mà không thể ai xâm phạm.

Cho nên ý nghĩa cuối cùng còn lại vẫn là ý nghĩa về Thượng đế, về giải thoát, và về tính Không như từ đầu đã nói. Khái niệm Thượng đế tất nhiên là khái niệm về sự tồn tại của một chủ thể siêu nhiên, một ý chí tuyệt đối, một năng quyền và tình thương yêu đích thực mang ý nghĩa cứu rỗi, giả thoát mọi cá nhân con người. Đó là ý nghĩa của những tôn giáo hữu thần, cụ thể là Do thái giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Tin lành giáo mà mọi người đều biết, cho dầu khái niệm Thượng đế như thế có được hóa thân ra hình ảnh con người hay hoàn toàn không có ảnh tượng chỉ là chuyện khác. Trong khi đó Phật giáo đúng ra chỉ là một trải nghiệm tâm linh, đó là toàn bộ cuộc đời sống đạo của đức Phật, ngài đã thấu thị được mọi điều về bản thân vũ trụ qua chính tâm thức của riêng mình và để truyền lại cho đời. Giáo lý đạo Phật do vậy là giáo lý của sự tự giải thoát mà không hề mong vào sự giải thoát bên ngoài nào khác. Phật nói khi bàn tay chỉ mặt trăng, phải nhìn vào mặt trăng mà không thể chỉ nhìn vào bàn tay. Mặt trăng đó là giáo lý đạo Phật, bàn tay đó là bản thân đức Thích ca hay cả giáo hội Phật giáo. Bởi vậy ý nghĩa bình dân là đi chùa cúng Phật, cầu xin Phật, còn ý nghĩa trí thức là đi chùa để chiêm bái Phật, để ngưỡng mộ ý nghĩa cao khiết và chân lý chỉ ra của ngài, đi chùa để tịnh lòng, để trực quan thêm về ý nghĩa chân lý, mà hoàn toàn không phải để cầu xin bất cứ điều gì. Đạo Phật quả đúng là cái Đạo, tức là con đường đi, tự đi thì mới đến. Tức đạo Phật không phải hữu thần cũng không phải vô thần theo nghĩa thông thường. Trong khi đó các tôn giáo khác rõ ràng có tin điều, có niềm tin cứu rỗi cụ thể, có sự tổ chức và những lễ nghi chặt chẽ của giáo hội, nói tóm nó giống như con đường rây, mọi toa tàu phải được đặt vào đúng vị trí trên đường, và toa tàu nhất thiết phải có lộ trình cũng như phải tự động và an toàn đến đích. Đó chính là ý nghĩa tôn giáo đích thực, là tính chất được dẫn dắt theo niềm tin, mà không phải có niềm tin rồi tự mình phải hành trình đi cho đến đích. Điều đó cũng cho thấy ý nghĩa của đạo Phật là ý nghĩa về triết học, ý nghĩa của một hệ thống tư tưởng, ý nghĩa của yêu cầu phải trải nghiệm bản thân, mà không hoàn toàn là ý nghĩa thuần túy tôn giáo như những tôn giáo khác. Bởi đối với các tôn giáo nói chung, niềm tin, tín điều là chính, rồi mới đi đến lý thuyết hay giáo lý. Trong khi đó đạo Phật hoàn toàn ngược lại, chính lý thuyết hay giáo lý tạo thành niềm tin, đức tin, thành mục đích hành đạo mà không là gì khác. Do đó, tính trí thức là tính triết học của đạo Phật, còn tính bình dân, đó là tính tôn giáo của đạo Phật.

Vậy thì để kết luận, cái khác và cái giống nhau giữa Chân lý và Thượng đế là gì. Thật ra giữa hai cái này không có gì khác cả. Nếu Thượng đế không phải là Chân lý, tất nhiên đó cũng không phải là Thượng đế. Còn nếu Chân lý khách quan nó quả là như thế, thì đó cũng chính là Thượng đế duy nhất rồi còn gì. Cho nên ý nghĩa của con người chỉ là ý nghĩa của niềm tin mà không là gì khác. Khi ta tin rằng Chân lý là Thượng đế, thì đúng là ý nghĩa cao tột sau cùng chính là Thượng đế. Nhưng khi ta tin Thượng đế mới là Chân lý, thì làm gì có cái gì khác hơn Thượng đế như là ý nghĩa và giá trị sau cùng. Có nghĩa Chân lý khách quan chỉ là duy nhất, còn nhìn hay quan niệm Chân lý khách quan đó ra sao lại là chuyện khác. Giống như một cái lộc bình có quai. Khi nhìn từ trên xuống, có thể người ta chỉ thấy một vành tròn, bên trong trống rỗng. Nhưng khi nhìn từ dưới lên, đó cũng là một vành tròn, nhưng hoàn toàn đặc kín. Khi nhìn nghiêng, có khi là một hình như thế nào đó có một quai, có hai quai, hay chẳng có cái quai nào. Như vậy cách nhìn, cách quan niệm có làm thay đổi gì bản thân cái lộc bình khách quan không. Hẳn nhiên là hoàn toàn không. Thế thì Chân lý và niềm tin cũng vậy. Đúng ra Chân lý là phải có, nhất thiết phải có, thậm chí chỉ có thể có một. Nhưng niềm tin thì hoàn toàn phong phú, hoàn toàn đa dạng, và đó lại chính là một thực tế. Bởi vậy không có niềm tin về Chân lý tối cao, tối hậu, đó chính là tính cách vô thần. Còn có niềm tin về Chân lý tối cao, tối hậu, đó là ý nghĩa hữu thần, hay ý nghĩa của các tôn giáo nói chung.

Tôi không phải là người theo tôn giáo, cụ thể tôi không phải là người đạo Phật, nhưng thực chất tôi là người làm triết học, theo đuổi tư duy triết học, nên tôi không phản đối tôn giáo mà còn cảm tình, tìm hiểu, hay đồng hành với các tôn giáo, nói chung mọi tôn giáo đích thực nhất, trong đó tất nhiên kể cả triết lý Phật giáo, tức đạo Phật. Bởi vậy bài viết này chính là một bài viết để cho những người trong đạo Tin lành cùng suy nghĩ, những người trong Phật giáo cùng suy nghĩ, những người trong mọi tôn giáo khác cùng suy nghĩ, và tất nhiên kể cả những người không tin vào tôn giáo, những người phi tôn giáo, tức những người hoàn toàn chủ trương vô đạo, cũng vậy.


Đà Lạt, một sớm mùa Xuân Tân Mão
(25/02/2011)
VÕ HƯNG THANH




Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment