*** QUYỀN LỢI TỔ QUỐC & DÂN TỘC LÀ TRÊN HẾT *** KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH ***

2011/02/05

Nhớ Tết miệt quê

Nhớ Tết miệt quê

Nguyễn Văn Tuấn

Đón xuân này, tôi nhớ xuân xưa.  Một ca khúc đã khá xưa.  Lời ca gợi lại bao nhiêu kỉ niệm của những cái Tết miệt vườn thời còn chiến tranh.  Đó là những cái Tết vào cuối thập niên 1960s và đầu thập niên 1970s.  Những cái Tết trong thời chiến.  Nhưng đánh nhau thế nào đi nữa, thì ngày Tết người ta cũng độ lượng hơn, sẵn sàng bỏ qua những hiếm khích ngày thường.  Tuy chiến tranh có lúc sôi động, lúc ác liệt, nhưng đến ngày Tết thiêng liêng, đạn bom cũng phải nhân nhượng cho 3 ngày của tình thương và xum họp gia đình.

Ở miệt quê tôi, Tết thật ra đến sớm hơn ngày mồng Một.  Đó là lúc mà lúc trời bắt đầu se se lạnh, những cơn gió bấc bắt đầu thổi lao xao, nước sông lăn tăn gợn sóng.  Đó là lúc mùa gặt lúa xong xuôi, lúa đã vào bồ.  Má tôi tất tả chuẩn bị nào nếp, nào gạo, nào đậu, thịt thà … để nấu bánh tét.  Dĩ nhiên là không thiếu những tấm vải để may áo mới cho mấy đứa em gái tôi (còn tôi và anh Hai vì đi học trên "thành" nên tự cho mình cái đặc quyền tự chọn bộ đồ nào ngon lành nhất).  Tôi về nhà trước Tết cả hai ba tuần để gọi là "phụ giúp" ba má tôi (nhưng trong thực tế giúp thì ít mà đi chơi thì nhiều).  Nói cho ngay, tôi cũng có phụ giúp lau chùi nhà cửa và nấu nồi bánh tét sau vườn.  Công việc đánh bóng bộ lư đồng này tuy đơn giản nhưng khá tốn công.  Dụng cụ và nguyên liệu để đánh bóng chỉ là trấu, tro, và miếng vải mà thôi.  Sau này có thêm vài chất hóa học, nhưng hình như loại chất này làm mòn đồng hơn là trấu, và cái bóng của nó cũng không bằng cái bóng của trấu.  Phải tốn đến cả nửa ngày mới làm xong bộ lư.   Xong cái lư đến việc phụ giúp nấu nồi bánh tét sau vườn, với nhiệm vụ duy nhất là canh chừng nồi bánh.  Hễ thấy củi sắp cháy hết thì bỏ củi mới vào.  Trong ánh lửa bập bùng và khí trời dịu mát của mùa giáp Tết, tôi ngồi đọc sách và kể chuyện Tam Quốc chí cho lũ nhỏ đang vảnh tai ngồi nghe một cách say mê.  Bây giờ nghĩ lại những khoảnh khắc đó, tôi như thấy lại một khung trời đầy kỉ niệm và hạnh phúc.

 http://image.rol.vn/Resources/2009/01/21_DOOL_080121_CD_L1_H1.jpg

Ngày 30 Tết là ngày tôi cũng bận rộn chút đỉnh.  Công việc của tôi là đem mấy đòn bánh tét đi cho khắp xóm và bà con.  Bà con tôi trong làng rất đông, nên tuy cái việc mới nghe qua thì rất đơn giản, nhưng thật ra tốn rất nhiều công sức.  Phải bơi xuồng ngang dọc mấy con kinh rạch để ghé từng nhà và cho bánh.  Đến nhà nào, tôi chỉ việc nói một câu học thuộc lòng, "Má con gửi chú/bác/thiếm/dượng/dì/cô/cậu vài đòn bánh tét", nhưng thỉnh thoảng tôi lại "chế" ra vài chữ mà tôi nghĩ là hay ho hơn như "ăn lấy thảo trong 3 ngày xuân".  Khổ nỗi là mấy lời tôi chế ra có khi làm cho bà con cười nhạo, vì trong quê có ai nói "xuân" đâu; người ta nói "Tết" thôi.  Do đó, tôi mang tiếng là "công tử thành", vì mấy chữ trong sách vở như thế được xem chữ của dân thành thị!  Còn nhớ có lần cậu hai Đ ở rạch Lô Bích thấy tôi, ổng hỏi "Dìa hồi nào đó mậy?" Tôi trả lời "Dạ, con mới về hôm kia", và thế là bị ổng sửa lưng liền: ở đây tụi tao chỉ nói dìa chứ hông phải về nghe mậy!  Nói xong, cậu hai tôi cười lớn, làm tôi thấy mình … quê.  Đó là những chuyến "công tác", nói theo cách nói bây giờ, là góp phần nối kết bà con, chòm xóm với nhau trong 3 ngày Tết.  Thông lệ cho bánh Tét trong dịp Tết phải nói là một truyền thống rất hay, một nét văn hóa đẹp của người miệt vườn.

Xong phần cho bánh là đến ngày 30, một ngày có thể nói là quan trọng.  Đó là ngày cả nhà quây quần chuẩn bị cúng đón ông bà tổ tiên về nhà.  Những nén nhang trên bàn thờ như mời gọi ông bà về nhà.  Những trái cây được sắp xếp trên bàn thờ như là một "phát ngôn" cầu mong để được cầu (mảng cầu) cho vừa (dừa) đủ (đu đủ) xài(xoài).  Người miền quê chỉ khiêm tốn thế thôi, chỉ cầu mong ông bà phù hộ sao cho năm tới gia đình vừa đủ xài.  Còn ngày nay, trong thế giới đầy bon chen này, hình như người Việt chúng ta cũng chỉ mong ước có vừa đủ:

Vừa đủ vật chất để được thảnh thơi sống
Vừa đủ bạn bè để bớt cô đơn
Vừa đủ nghị lực để nói không với cái xấu
Vừa đủ hi vọng để đón chờ hạnh phúc
Vừa đủ hạnh phúc để tâm hồn cảm thấy ngọt ngào.
Vừa đủ tình yêu để thực hiện hy vọng và ước mơ!

Vừa đủ thành công để thêm nhiệt huyết
Vừa đủ thử thách để có cơ hội rèn luyện
Vừa đủ phiền muộn để thấy mình là một con người
Vừa đủ thất bại để biết khiêm nhường
Vừa đủ nhiệt tình để đi đến cùng các dự tính
Vừa đủ niềm tin để xua đi những phút ngã lòng

Ngày mồng Một là ngay chúng tôi qui tụ ở nhà ngoại.  Có thể nói thời đó, nhà ngoại tôi luôn luôn là "tổng hành dinh" của ngày Tết. Tất cả con cháu đều tụ tập về nhà ngoại.  Đó là ngày hạnh phúc nhất của tôi, vì hôm đó là ngày tôi được gặp lại mấy người dì, dượng, cậu, anh em lưu lạc tứ phương ít khi gặp nhau trong năm qua.  Người lớn thì loay hoay chuẩn bị bàn thờ để cúng. Mấy dì cô lúc nào cũng bận bịu dưới bếp lo nấu nướng.  Mấy cậu dượng thì có người tán gẩu, có người đánh cờ, nhưng cậu Út Chân của tôi thì lúc nào cũng lo cái bàn thờ rất trang trọng.  Còn bọn trẻ chúng tôi chỉ chờ được sai vặt, và được ... lì xì.  Đó là một bức tranh ngày Tết hết sức sinh động còn đọng lại trong tôi.  Bọn trẻ cùng tuổi đi học như tôi thì tâm sự nhiều lắm, có khi khoe khoang nữa. Bao nhiêu câu chuyện buồn vui trong thi cử, tình yêu, làm ăn, đều lần lược được thuật lại và chia sẻ.  Năm qua gặp ông thầy hắc ám, năm tới sẽ thoát nạn.  Năm rồi có cô H nhờ đưa thư tình cho thầy B.  Thích lắm!  Những toan tính hoài bảo tương lai, xong tú tài sẽ làm gì, vào đại học hay đầu quân, bạn bè ai còn ai mất.  Những dịp như thế, lúc nào tôi cũng hỏi nhỏ cô em họ tên Đ (nó rất xinh gái) rằng năm qua có mấy người "ngắm nghía mày, tao biết hết"; cô ta sợ tôi lắm vì sợ bị báo cáo cho cậu mợ là nó "mệt", nhưng nói ngay tôi làm công tác bảo mật rất tốt. Hai anh em tôi rất thân nhau, vì cùng tuổi và quan điểm sống cũng giông giống nhau. Có lúc tôi bắc cái võng giữa hai cây cau, nằm đó vừa kể chuyện vừa nghe chuyện của anh em, thấy vừa hạnh phúc vừa bình an dưới thế gian.

Có một lần dượng Út tôi mua được một cái máy hát dĩa hiệu Philip, và dượng muốn "khoe" của nhân ngày Tết.  Bọn trẻ chúng tôi chỉ đứng chung quanh chứ không được đến gần máy mà nghe nói tốn cả chục giạ lúa để mua, và đó là một tài sản tương đối lớn.  Tôi còn nhớ đó là loại máy hát giống như cái vali lớn, khi dùng phải mở ra như mở vali.  Máy hát này phải lên giây thiều, và chỉ dùng dĩa nhựa hay dĩa than (tôi quên) nhưng toàn màu đen.  Dượng trịnh trọng mở máy, đặt cái dĩa Mỹ Châu lên, rồi cẩn thận để kim vào dĩa, và chúng tôi thưởng thức những ca khúc Tết như Xuân này con không về, Câu chuyện đầu xuân, Cánh tiệp đầu xuân, Mùa xuân trên cao Hạnh phúc đầu xuân, Nhạc khúc mừng xuân, Nếu xuân này vắng anh, v.v… Thích nhất là dĩa nhạc hài của ban AVT và vọng cổ Văn Hường.  Đó là những ca khúc sống mãi cùng năm tháng, lúc nào cũng được cất lên khi có ngày Tết, cho dù lời ca hay nhạc điệu có bị dè bỉu là "sến". Ai nói sến tôi chịu, nhưng đã 40 năm qua, tôi chưa thấy một ca khúc nào viết được những lời ca như thế này: Hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng / Xuân đến rồi đây nào ai biết không? / Mang những hoài mong đi vào ngày tháng / Bao nhiêu mơ ước đến khi mùa Xuân sang.  Tôi chúc gì đây vào mùa Xuân này / Khi nắng vàng tươi nhuộm làn tóc ai / Khi gió nhẹ lay hoa đào hồng thắm / Trong khi Xuân ấm mới tô đẹp tháng năm.

Không biết ở vùng khác thì sao, nhưng ở quê tôi, có nhiều người ra đồng từ ngày mồng hai.  Ra đồng để xem ruộng lúa, nhưng trong thực tế cũng là dịp để ghé qua hàng xóm nhâm nhi, tán gẩu nhân dịp đầu năm.  Ở dưới chợ thì có múa lân và đánh bầu cua cá cọp cũng vui.  Nhưng tôi thì không bao giờ tham dự vào những trò chơi này, mà chỉ lân la ghé nhà bà con, nhà thầy cô, hay ra Rạch Giá chúc Tết bạn bè.

Ở dưới quê, ngày mồng Ba có lệ coi chân gà.  Mà phải là gà trống, vì hình như người ta cho rằng gà trống là biểu tượng của các đức tính cao quí như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.  Gà được luộc chính, chéo cánh gà, và quan trọng nhất là xem cặp chân gà.  Phải là cặp chân màu vàng mới được xem là biểu tượng tốt, có nghĩa là sung mãn, tốt đẹp trong năm.  Miệng gà thì để cọng hành lá cho gà ngậm, hình như có nghĩa là "thông", tức là mong cho công việc làm ăn quanh năm suốt tháng sẽ được thông suốt.  Cúng xong, ba tôi treo cặp chân gà trước cửa nhà, nghe nói là để trừ tà ma.  Riêng tôi thì hôm đó có một bữa ăn gà.  Gà thời đó là gà nuôi trong nhà (hay "gà chạy bộ" theo cách nói ngày nay), nên thịt rất ngon, chứ không phải loại thịt gà công nghiệp bây giờ.  Nhưng chúng tôi không được ăn chân gà, vì người lớn nói là ăn chân gà thì tay sẽ bị run không cầm viết được!

Đón xuân này, tôi nhớ xuân xưa. Mỗi người chúng ta đều có một góc quê, một hình bóng, hay những kỉ niệm ở quê hương.  Đối với tôi, đó là cái làng êm ả bên dòng sông lặng lờ trôi, là hình bóng của ba má tôi trong những ngày Tết, là kỉ niệm êm đềm của một thời xum họp anh em.  Nay thì cái hình ảnh quê nhà đó đã nhạt nhòa trong kí ức, hình bóng ba má tôi cũng đã dần khuất xa, và những kỉ niệm xum họp ngày Tết cũng dần dần phai nhạt theo tỉ lệ nghịch với tiến trình đô thị hóa nông thôn.

Xuân đến Xuân đi, Xuân về gieo thương nhớ / Xuân qua để tôi chờ / Xuân đến Xuân đi, Xuân về mơn lá hoa / Xuân qua rung đường tơ.


Nguyễn Văn Tuấn



Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment