*** QUYỀN LỢI TỔ QUỐC & DÂN TỘC LÀ TRÊN HẾT *** KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH ***

2011/02/08

NGƯỜI VIỆT THIẾU TƯ DUY BIỂN

NGƯỜI VIỆT THIẾU TƯ DUY BIỂN

Đoan Trang


Có phải là nghịch lý không khi một đất nước có tới 1 triệu km2 diện tích vùng biển, rộng gần gấp ba đất liền, mà suốt bao thế kỷ không có nổi một đội thương thuyền, một nhà hàng hải, hay nói nhẹ nhàng hơn, không khai thác được kho vàng quý báu trải dài 3.444 km ngay trước mặt ấy? Nghịch lý của người Việt là thế: một dân tộc thừa biển nhưng lại thiếu tư duy biển.

Tư duy biển hiểu đơn giản là tinh thần hướng ra biển với tâm lý chủ động khai thác, sẵn sàng mạo hiểm chinh phục, khám phá. Thông thường những dân tộc có tư duy biển là người ở những vùng đất ven biển hoặc trên đảo, chẳng hạn Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Điển. Châu Á thì có Nhật Bản, Indonesia, và gần Việt Nam nhất là người Champa.

Một số học giả cho rằng, như đã thành quy luật, những xứ sở phát triển nhất trong mỗi thời kỳ văn minh đều là những quốc gia ven biển hoặc quốc đảo, nói cách khác đều là nơi cư ngụ của những dân tộc có "tư duy biển". Từ thời cổ đại ở Âu châu (bắt đầu vào thế kỷ thứ 8, thứ 7 trước CN), thế giới đã chứng kiến sự phát triển rực rỡ của văn minh Hy Lạp - La Mã, gắn với những chiến thuyền, thương thuyền buôn bán xuyên Địa Trung Hải. Thời phong kiến, những chiếc tàu khởi hành từ bán đảo Iberia đã mang về cho lục địa già cỗi bao nhiêu châu báu, hương liệu quý, và cuối cùng mở ra cả một tân thế giới: châu Mỹ. Rồi xứ Anh Cát Lợi thế kỷ 17-18, với giấc mơ "Mặt trời không bao giờ lặn trên đất nước Anh", quốc đảo Nhật Bản vươn mình thành cường quốc thế kỷ 19-20. Gần đây nhất trong thế kỷ 20 là sự bùng nổ về thương mại và thịnh vượng của các hải cảng lớn trên thế giới: Hong Kong, Singapore…

Nước phát triển thường là nước có biển. Vậy ngược lại, xứ sở có biển có phát triển không? Điều này không được khẳng định, vì chúng ta vẫn thấy một số dân tộc được hưởng ưu đãi trời phú đó mà chưa vươn lên hàng ngũ "nước giàu", như người Champa, Indonesia hay Malaysia. Tuy nhiên, chắc chắn là tư duy biển có ảnh hưởng rất tốt đến năng lực làm giàu của một dân tộc. Giáo sư sử học Cao Xuân Phổ giải thích: "Biển rộng bát ngát, mênh mông không ranh giới, cho nên tâm hồn con người đi biển cũng phóng khoáng, cởi mở, không có ý thức giữ đất, bám chặt lấy đất". Ông nói thêm, người Champa vốn gốc Nam Đảo (Indonesia) nên đi biển giỏi, và nhờ tiếp nhận văn hóa Champa nên văn hóa Việt mới mềm đi, bớt cứng nhắc mà uyển chuyển và đa dạng hơn. "Như ở nước mình bây giờ, về văn hóa, cái gì cũng có. Tính đa dạng cao như vậy là do có sự du nhập từ bên ngoài, chủ yếu là theo đường biển; và còn do người Việt dễ tiếp nhận, mà cái đó cũng là nhờ yếu tố biển".

Sự cởi mở đưa đến tinh thần sẵn sàng mạo hiểm khám phá và tới khát vọng làm giàu. Ngược lại, tác phong nông nghiệp là bám đất, đủng đỉnh, cầu an, "đủ ăn là được". Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà văn hóa nông nghiệp ít có đóng góp gì cho phát triển, trong khi tư duy biển là một tâm lý rất có lợi cho sự giàu mạnh của dân tộc.

Nhưng người Việt từ xưa đến nay đã không có được tâm lý đó.

"Quay lưng ra biển"

Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP. HCM, cho rằng từ sâu xa trong cõi vô thức của dân tộc, người Việt đã sợ biển, "né" biển:

"Nghề đánh bắt cá hay cư dân sống trên sông nước chỉ có trong cổ tích với những nhân vật như Trương Chi, Chử Đồng Tử… luôn có vị thế xã hội thấp kém hơn người, nghề khác; biểu hiện bằng những mối tình với tầng lớp trên là tiểu thư con quan, công chúa con vua. Người Việt cũng hay nói "tấc đất tấc vàng", "rừng vàng biển bạc", với hàm ý đất đai có giá trị cao nhất, cần giữ chặt không xa rời.

Thời hiện đại, những câu nói thể hiện nỗi ngại biển từ trong tiềm thức vẫn chưa hết hẳn: "Vững tay chèo ra biển lớn". Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nhận xét: "Đã ra biển thì phải đi tàu, mà tàu thì chạy bằng máy chứ ai dùng chèo, dùng sức người? Ngay từ cách sử dụng ngôn ngữ trở đi, chúng ta đã chứng tỏ rằng mình không có tư duy biển".

Đó là nỗi sợ tiềm ẩn trong lớp vỏ bọc ngôn ngữ. Còn trong lịch sử, cũng có rất nhiều câu chuyện cho thấy tâm lý quay lưng ra biển của người Việt. Cha ông ta, đã đành không phải là những "con sói biển" như dân Viking hay người bán đảo Iberia, nhưng thực sự chỉ tận dụng biển để đánh bắt cá, và do hạn chế về phương tiện nên cũng chỉ đánh bắt ven bờ. Nhà nghiên cứu cổ sử Trung Quốc và Việt Nam, ông Phạm Hoàng Quân, cho hay: "Dân mình xưa ỷ vào đất liền để làm ăn, ít nghĩ tới đi biển, càng không có sự đầu tư, nghiên cứu về kỹ thuật đóng tàu thuyền. Cho tới thời nhà Nguyễn, tuyến đường hàng hải chủ yếu của ta vẫn là dọc theo bờ biển Việt Nam – Trung Quốc, không đi xa hơn được".

Nói về hoạt động buôn bán qua đường biển, ông Quân bảo: "Việt Nam không có truyền thống đi buôn đường xa, chủ động dùng tàu thuyền đưa hàng ra nước ngoài giao dịch. Chỉ có thương nhân nước ngoài đến xứ ta thôi, như ở cảng Phố Hiến, Hội An… Chủ yếu người Việt buôn bán nội địa, sử dụng đường sông". Nhưng ngay cả đi trên sông thì tàu thuyền của Việt Nam cũng nhỏ bé (có thể do các sông của Việt Nam nhỏ và ít hiểm trở) và không đổi mới gì về kỹ thuật, trải suốt hàng trăm năm.

Tâm lý ngại biển của người Việt có thể xuất phát từ một số nguyên nhân. Thoạt kỳ thủy, Việt Nam thuộc nền "văn minh lúa nước", cư dân sinh sống trên vùng châu thổ sông Hồng nên gắn với đất, trọng đất từ đó. Thế rồi, trong quá trình phát triển của cộng đồng, biển lại giống như một mối đe dọa hơn là kho tài nguyên khổng lồ cần khai thác: thiên tai, giặc giã, tất cả đều từ phía ấy. Giặc Chà Và kéo sang cướp bóc, rồi cuối cùng đến thực dân Pháp bắn vào Việt Nam, cũng đều từ ngoài biển.

Kể từ khi Nguyễn Hoàng tiến hành công cuộc "mang gươm đi mở cõi", vì sinh kế, người Việt mới có ý thức khai thác biển hơn. Theo Giáo sư Cao Xuân Phổ, cũng từ đó, Việt Nam mới bắt tay xây dựng những đội hải thuyền. Song nghề nông trồng lúa nước vẫn cứ là ngành sản xuất chính ở vùng đất mới. Kỹ thuật đóng tàu thuyền vẫn không có bước cải tiến nào. (Nếu đi sâu hơn nữa thì vấn đề này còn liên quan tới sự yếu kém trong hoạt động nghiên cứu và lưu trữ tài liệu của người đi trước để người đi sau học hỏi. Học giả Phạm Hoàng Quân cho biết những ghi chép mà sử sách để lại về nghề đóng tàu rất sơ sài, gần như toàn là mô tả bằng lời, không tranh vẽ, không mô hình, không thông số…).

Mãi tới thế kỷ 19, triều đình Minh Mạng mới mua được một chiếc tàu của Bồ Đào Nha và mày mò học cách chế tàu chạy hơi nước. Nhưng đã muộn: Năm 1858, tiếng súng giặc Pháp vang lên trên bán đảo Sơn Trà…

Xóa bỏ nghịch lý "thừa biển, sợ biển"

Thế kỷ 21 được gọi là "thế kỷ của đại dương". Không chỉ riêng Việt Nam mà có lẽ tất cả các quốc gia có biển đều đã ý thức được về giá trị vô tận của kho vàng trước mặt họ. Không nước nào sợ biển nữa. Nhưng vấn đề bây giờ không còn là việc cử những đội thuyền lớn đi thám hiểm vùng đất mới, hay ra sức khai thác biển được chừng nào tốt chừng ấy. Thay vì thế, tư duy biển, văn hóa biển giờ đây là sự kết hợp hài hòa giữa khai thác với phát triển tài nguyên biển, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân trong đó có ngư dân và những người mà cuộc mưu sinh gắn liền với biển. Và tất nhiên, không thể thiếu nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền đất nước đối với biển, đảo.

Tất cả những điều trên đều đòi hỏi trước tiên là hoạt động nghiên cứu khoa học bài bản để đánh giá tổng thể tiềm năng của biển, những việc cần phải làm, ai làm và làm như thế nào, để xây dựng kinh tế biển (gồm đa ngành: thủy hải sản, vận tải, hải quan, dầu khí, an ninh quốc phòng, môi trường…). Từ đó có một tầm nhìn lớn, thể hiện qua chiến lược phát triển tổng thể kinh tế biển. Cuối cùng là triển khai chiến lược, hiện thực hóa các kết quả nghiên cứu.

Một điều đáng để suy nghĩ là: Từ năm 1985 đến nay, nước ta đã có ít nhất 4 chương trình nghiên cứu biển đảo, mỗi chương trình có khoảng 20-25 đề tài riêng biệt. Tuy thế, kết quả của những công trình này được công bố và hiện thực hóa cụ thể như thế nào thì ít người hay biết…

Xây dựng "tư duy biển", "văn hóa biển" giờ đây là việc đòi hỏi phải được gắn chặt với hoạt động đầu tư, nghiên cứu khoa học có hiệu quả, chứ không thể chỉ hô khẩu hiệu suông "tiến ra biển lớn!".

Đoan Trang


Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment