*** QUYỀN LỢI TỔ QUỐC & DÂN TỘC LÀ TRÊN HẾT *** KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH ***

2012/09/15

Rau nào sâu nấy

Tùng Lâm

Gần đây dư luận xã hội đang đặc biêt quan tâm đến thông tin Bộ Xây dựng vừa có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề nghị thẩm định Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá, đặc biệt là các nhà bảo tàng học phân vân không biết sẽ lấy gì bày biện vào đó. Các nhà quản lý thì lo làm sao để vận hành và quản lý một bảo tàng lớn như thế, dư luận xã hội thì cho rằng nền kinh tế đang xuy thoái, còn nhiều việc cấp bách phải ưu tiên giải quyết thì lấy tiền đâu mà xây bảo tàng, và còn nhiều bảo tàng trống rỗng chưa có gì để vào đó thì xây thêm làm gì? Lại có những chuyên gia cho rằng công trình hoành tráng này đang thực hiện theo quy trình ngược… Mỗi ý kiến ở một góc độ, một khía cạnh nhưng nói chung là không đồng tình và thậm chí dư luận còn cho rằng đó là một dự án nhảm nhí, đầy thách đố, có nhiều uẩn khúc bên trong. Dù sao đó cũng là tâm trạng và tình cảm của những công dân yêu nước.

Về phần mình tôi cũng xin được bổ xung ý kiến và cảm xúc cá nhân như sau:

Bảo tàng là một công trình văn hóa, luôn mang một ý nghĩa tinh thần rất lớn không giống với những dự án kinh tế.
Dự án kinh tế được hình thành và thực hiện do ý muốn và khả năng của nhà đầu tư, với mục tiêu trước hết là lợi nhuận . Dự án kinh tế cấp quốc gia sẽ do chính phủ lập tờ trình để quốc hội phê chuẩn, các dự án nhỏ hơn sẽ do các cấp các ngành thực hiện theo thẩm quyền.

Các dự án về văn hóa thì khác hẳn. Dự án văn hóa gắn liền với những công trình văn hóa (vật thể) hay sản phẩm văn hóa phi vật thể, nó mang một giá trị nhân văn chứ không phải mục tiêu lợi nhuận. Các công trình văn hóa đều được làm nên do khát vọng và ước nguyện của người dân chứ không phải một thế lực nào khác, cho dù đó là nhà nước.

Điểm lại những công trình văn hóa trong lịch sử của mọi quốc gia cho thấy nó đều hình thành dựa trên ý nguyện của cộng đồng dân cư.

Ở Việt nam: những công trình văn hóa hàng ngàn đời nay như Đền, Chùa, Phủ hay gần đây là các nhà Thờ Thiên chúa được xây dựng bằng chính lòng mong muốn của người dân trong khu vực; là nơi giao lưu văn hóa của cộng đồng; nơi tổ chức các nghi lễ tôn giáo. Mỗi một cộng đồng dân cư có một tiếng nói riêng, một tôn giáo hay khát vọng riêng dẫn đến những công trình văn hóa rất đa dạng và sinh động. Những vị anh hùng dân tộc hay các nhân vật lịch sử cũng được các cộng đồng dân cư tôn vinh tùy theo công trạng hay mức độ ảnh hưởng đến xã hội ở từng thời kỳ mà được xây dựng tượng đài theo các cung bậc khác nhau. Bảo tàng là một công trình văn hóa. Nơi đó cất giữ những báu vật có giá trị văn hóa, là tài sản chung của một cộng đồng dân cư, là nơi lưu giữ những kỷ vật mang dấu ấn lịch sử, có giá trị nghệ thuật tinh hoa nhất, đại diện cho mỗi cộng đồng của từng thời kỳ.

Lịch sử của bảo tàng hiện đại mới có hơn 200 năm (nếu lấy bảo tàng Louvre Paris làm mốc; năm 1793 Điện Louvre chính thức được chuyển sang công năng bảo tàng khi mà các triều đại nước Pháp chuyển tới cung điện Versailles; trước đấy Louvre vốn là một pháo đài được xây dựng năm 1190) nhưng lịch sử của các công trình văn hóa và thói quen lưu giữ bảo vật thì đã có hàng ngàn năm. Khi chưa có bảo tàng thì những báu vật, kỷ vật được cất giữ ngay tại những công trình văn hóa công cộng chẳng hạn ở Việt nam là các Đền thờ, Chùa chiền hay các Nhà Rông, nhà Mồ…Ở các quốc gia phương Tây thì các Nhà thờ, Tu viện, Cung điện chính là bảo tàng cất giữ các tác phẩm văn hóa có giá trị hàng ngàn đời xưa và cho đến tận ngày nay.

Những công trình văn hóa như thế thường được xây dựng bằng đồng tiền quyên góp tự giác của người dân, nó gắn liền với quyền lợi và nghĩa vụ thăm viếng, gìn giữ, bảo vệ của mọi người.

Một vật thể được bày đặt ra nếu không phải do ước nguyện của cộng đồng xã hội, thì nhất thiết đấy không phải là công trình văn hóa. Nếu vì lý do nào đó nó "bị" xây nên thì kết quả sẽ chỉ là một "cái xác không hồn" mà khả năng tồn tại lâu dài của nó là rất khó. Những tượng đài của các nhân vật không phải do nhân dân vinh danh hay thừa nhận, nhân vật đó không có công trạng đối với xã hội (hoặc thậm chí phản lại sự tiến bộ của xã hội) thì sớm muộn cũng bị dỡ bỏ nếu cố tình tạo ra. Biết bao nhiêu tấm gương mà các "thần tượng đểu" bị chính những người dân đập phá, dỡ bỏ đi.

Điều này rất dễ giải thích tại sao bảo tàng Hà Nội được đầu tư tốn kém đến hơn hai ngàn tỷ, đặt trên một mảnh đất "đắc địa" như thế mà vẫn "vắng như chùa bà đanh". Không phải Hà Nội thiếu những thứ để trưng bày vào đó như một số nhà bảo tàng học băn khoăn mà bởi lẽ nó chưa phải là sản phẩm của lòng dân thì nếu có trưng bày hay sắp đặt cũng rất ít người ghé thăm.

Chẳng cần so sánh những nơi khác, chỉ cần lấy Chùa Hà hay Phủ Tây Hồ ở Hà Nội làm ví dụ: với quy mô chỉ bằng một phần ngàn nhưng lượng người đến thăm cũng nhiều gấp mấy lần bảo tàng Hà Nội. Không những họ viếng thăm mà còn tự giác cung tiến tiền của để chỉnh trang, nâng cấp hay bổ sung các bảo vật cho nơi thiêng liêng đó. Họ đến không chỉ một lần mà hàng tuần, hàng tháng, hàng năm, thậm chí có người đến hàng ngày.

Vậy dựa trên cơ sở nào mà Hà Nội lại chuẩn bị cho ra đời một "siêu bảo tàng" nữa ở một nơi đắc địa như Hồ Tây? Với chi phí lên đến 11.277 tỷ (theo dự toán, nếu hoàn thành chắc phải lên tới 20.000 tỷ). Liệu đấy có phải là ước nguyện của nhân dân trong lúc này không?

Chưa nói đến việc lấy gì bỏ vào đó. Hơn nữa: ai sẽ lui tới đó? Khách thăm nay mai có lẽ chỉ là những kẻ tò mò, hiếu kỳ. Đôi khi đó chỉ là nơi khoe mẽ với bạn bè quốc tế vào những dịp thăm viếng xã giao. Rồi nó sẽ chẳng khác gì những "phòng truyền thống" được xây dựng nhan nhản khắp nơi, tốn kém biết bao nhiêu tiền của, nhưng những thứ bày biện trong đó thì chẳng nói lên được điều gì (nó na ná như những "tuyển tập" hay "trước tác" của Mao trạch Đông và Kim nhật Thành), nhiều khi lại phản tác dụng. Những nơi ấy thường chỉ được mở ra mỗi khi có đoàn khách "bất đắc dĩ" nào đó hoặc chương trình "thăm quan bắt buộc" ngoại khóa của học sinh, sinh viên mà thôi. Có lẽ những thứ hợm hĩnh và giả dối ít hàm lượng văn hóa đó nên được dẹp bỏ càng sớm càng tốt, đỡ tốn tiền của nhân dân.

Nếu Công trình Bảo tàng quốc gia 11.280 tỷ kia được xây dựng thì sớm muộn cũng lại theo số phân vết xe đổ của các bảo tàng cùng loại và sẽ trở thành nơi bia hơi thịt chó thay cho "Nhật Tân chó" mà thôi.

Những nội dung và đồ vật bày biện bên trong của nó sẽ thế nào thì còn phải đợi nhiều năm nữa mới biết; nhưng cái vỏ hình thức của "công trình văn hoá" đó là câu chuyện cần phải bàn đến trước khi nó được quyết định khởi công. Cứ cho rằng tương lai gần sẽ chưa có gì để bày, sẽ rất ít người viếng thăm nhưng biết đâu tương lai xa nó sẽ khác, nếu đó là một công trình đẹp.

Về khía cạnh này ngu dân xin thưa như sau:
Các sản phẩm của văn hoá bao giờ cũng là kết tinh của một thời đại, được đặt trong một phông văn hoá mang bản sắc dân tôc. Xã hội nào thì cho ra đời sản phẩm văn hoá của xã hội đó - "rau nào sâu ấy". Các công trình văn hoá nguy nga tráng lệ, có giá trị nghệ thuật cao của nhân loại tồn tại mãi theo năm tháng là bởi nó thường được xây dựng vào những thời kỳ phát triển rực rỡ, thời hoàng kim nhất của triều đại ấy. Chỉ có những vương triều có văn hoá mới cho ra đời công trình văn hoá, vương triều ít văn hoá hay không có văn hoá sẽ sản sinh ra những công trình vô văn hoá. Những công trình văn hoá thường mang nặng dấu ấn lịch sử của các triều đại. Một khi hội tụ đủ các yếu tố "thiên thời - địa lợi - nhân hoà"; hay ít nhất cũng phải ở thời kỳ "vua hiền, tôi giỏi, xã tắc bình an" thì mới nên nghĩ đến việc tạo dựng dấu ấn lịch sử. Nếu không, "cái để lại" sẽ là dấu ấn của sự suy tàn, là bằng chứng cho một tội lỗi của lich sử mà thôi.. Triều đại suy tàn, văn hoá, đạo đức suy đồi, xã hội thác loạn không thể cho ra đời một công trình có văn hoá, có giá trị được.

Tình cờ trao đổi với một công dân yêu nước - chuyên gia xã hội học thì ý kiến của ông ta như sau: "theo tôi, nếu cứ nhất quyết phải xây dựng cái bảo tàng đó (vì lý do để giải ngân) thì tốt nhất là không nên lấy tên "bảo tàng lich sử quốc gia" mà nên đổi thành "bảo tàng chống tham nhũng quốc gia", thì sẽ có sự đồng thuận của dân hơn trong giai đoạn hiện nay. Biết đâu nhân dân chẳng góp thêm tiền vào để xây dựng hoành tráng hơn. Trong đó sẽ trưng bày biết bao nhiêu hiện vật có giá trị lên án tội ác tham nhũng chẳng hạn như con tàu Hoa sen 1.400 tỷ của Vinashin, Ụ nổi tuổi thọ hơn 50 năm có giá 24 triêu usd của Vinaline…những công trình bị rút ruột nằm ngổn ngang, hàng trăm ngàn doanh nghiệp chết đứng…Rồi biết bao nhiêu hiện vật, nhân chứng, vật chứng về những vụ cướp đất ở Tiên lãng, Văn Giang, cướp tiền của dân thông qua những mánh khoé thâu tóm tài chính ngân hàng của các băng nhóm lợi ích… Nhân dân sẽ tự nguyện cung cấp rất nhiều tư liệu sống động, và chắc chắn sẽ thu hút rất đông du khách trong, ngoài nước thăm quan, học tập, rút kinh nghiệm. Có khi còn phải mở rộng diện tích chứ bấy nhiêu sợ không đủ" và ông lại bình luận thêm; "có vẻ như tác giả phương án cũng nghĩ tới kịch bản đó nên đã thiết kế một mô hình bảo tàng nom giống như hai chiếc quan tài nằm song song, được chôn theo kiểu "thuỷ táng"(không biết có phải là điềm gở không?). Nó chứa đựng một thông điệp của sự kết thúc nào đó chăng". Thiết nghĩ ý kiến đó cũng rất đáng tham khảo.

Thay cho lời kết:

Văn hoá luôn có hai mặt; Văn hoá làm cho người ta xích lại gần nhau đồng thời cũng đẩy người ta thêm xa nhau. Văn hoá làm cho người ta cao lớn hơn nhưng cũng làm người ta nhỏ bé đi. Văn hoá là tôn giáo, là tín ngưỡng. Phàm đã động chạm đến lãnh địa văn hoá hay công trình văn hoá thì trước hết phải có thẩm mỹ về văn hoá, nếu không, nó như con dao hai lưỡi, sẽ báo hại đến chính những kẻ thiếu văn hoá muốn đề cập về nó. Nếu chưa biết thì phải học. Học sẽ không bao giờ là muộn.

Edouard Herriot – Nhà Văn hoá học đã kết luận:
"Văn hóa là cái còn lại khi người ta đã quên đi tất cả, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả"

Tùng Lâm
Hà Nội 14.09.2012

No comments:

Post a Comment