*** QUYỀN LỢI TỔ QUỐC & DÂN TỘC LÀ TRÊN HẾT *** KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH ***

2012/09/30

Nhất Phi góp ý với Minh Mẫn về "Trẻ hóa Phật sự"


Đọc mấy bài viết gần đây của anh Minh Mẫn thấy anh có vẻ quá lo lắng cho tâm trạng của các vị "tôn giáo bạn" quá!
Chức sắc tôn giáo bạn quan trọng tới mức như vậy sao? Có quá đáng, quá lời không khi cho rằng chỉ khi nào các chức sắc "tôn giáo bạn" (Thiên Chúa hay Tin Lành?)"tỏ ra nhiệt tình sốt sắng hoan hỷ" thì "may ra đại hội IX sẽ thay lời nói về "đổi mới tư duy" và chứng minh được là TH PG TP đã trẻ hóa Phật sự"(!!?). Sao anh Minh Mẫn hiểu rõ tâm trạng họ thế?
Xin lưu ý anh Minh Mẫn: khi viết về một đề tài nghiêm túc với đối tượng là chư Tôn Đức (dầu sao anh Minh Mẫn cũng là "nhà tu xuất" mà, phải không?) không nên dùng những từ ngữ dung tục trong tâm cảm sân hận hay mang tính dè bỉu mỉa mai đối với quí Ngài. Mình phước đức bao nhiêu, đã làm được những lợi ích gì cho đạo pháp và dân tộc chưa mà lớn tiếng chê bai nặng nề quí Ngài vậy?
Ngoài ra, cũng xin thân tình nhắc nhở anh Minh Mẫn: mình là người lớn, có thể là một Phật tử nữa, trong bài viết góp ý về Phật sự thì không nên chêm vào những thứ lai căng "ô kê - ô kiếc" chi, nghe không được lịch sự lắm và thậm chí hơi vô lễ.
Tôi không phải chức sắc trong giáo hội, chỉ là 1 Phật tử bình thường thôi nhưng tôi có thể thông cảm và chia sẻ sự khó khăn của quý Ngài đối với vấn đề trẻ hoá nhân sự bộ máy lãnh đạo hiện nay.
Tôi nghĩ rằng đâu hẳn hễ trẻ tuổi đời thì gọi là trẻ! Xã hội thiếu gì những "cụông  trung niên" với cách nghĩ cách làm hết sức bảo thủ, lạc hậu, an phận thủ thường, theo kiểu "ai sao tui vậy, ai làm bậy tui làm theo"! Thua xa mấy "chàng thanh niên lâu năm", năng nổ xông xáo và hết sức táo bạo với tinh thần dám nghĩ dám làm.
Huống nữa kinh nghiệm, đạo hạnh mới là vấn đề cốt tuỷ của một lãnh đạo tôn giáo, chứ không phải hễ "khi người ta trẻ" (chữ của Phan Thị Vàng AnhNP) là người ta sẽ lãnh đạo tốt!
Việc chuyển giao một thế hệ, đối với tổ chức thế tục mà người ta còn  hết sức thận trọng, lên cả kế hoạch dài hạn và thực hiện từng bước rất chậm, rất lâu, đến sốt cả ruột. Có khi tuyên bố, cam kết trong cả mấy nhiệm kỳ mà vẫn chưa thực thi được.
Huống hồ, ở đây là một tổ chức tôn giáo, tức lãnh đạo về tinh thần là chính, vốn đặt nặng về kinh nghiệm, về đạo đức và đạo hạnh, đạo phong lên trên hết. Ngoài ra, theo thiển ý của tôi, quí Ngài hiện nay vẫn chưa gọi là già. Giáo hội vẫn cần quý Ngài ở những vị trí trọng yếu, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay, trong nhiệm kỳ này.
Anh Minh Mẫn có vẻ bực bội vì Đại hội Đại biểu Phật giáo TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ VIII (2012-2017), không thực hiện đúng những gì đã cam kết, đã tuyên bố lâu nay.
Xin anh vui lòng nêu cho mọi người biết: có một Đại hội nào, ở đâu, thuộc tổ chức nào, quốc gia nào tính từ Quốc hội trở xuống mà việc thực thi đúng như cam kết được trọn vẹn 100%? Hay chỉ là 80,70% thôi? Thậm chí chỉ 60%  thôi cũng đã là giỏi lắm rồi.
Vì sao như vậy? Vì một lẽ đơn giản là bản chất toàn bộ hiện hữu mà ta đang "cho là thấy" đây, hết sức tạm bợ vô thường, hay thay đổi, biến hoại từng giây, từng sát-na. Mong cầu một điều gì đó phải diễn tiến như ý muốn chủ quan của mình (điều này trong kinh, Phật dạy là "Chớ hy vọng tương lai") là thiếu hiểu biết, là vô minh.
Đề ra kế hoạch tốt đẹp, hoàn hảo đến mấy đi nữa cũng chỉ là kế hoạch, là ý thức chủ quan. Giữa ý tưởng chủ quan và thực tế luôn có một cự li. Thực tế chứng minh chưa bao giờ có một kế hoạch gì, ở bất cứ lĩnh vực nào việc khi thực thi nó lại đạt đến mức100%. Tính toán siêu đẳng như NASA kia kìa, ấy vậy mà Apollo 13 vẫn bị sự cố nghiêm trọng, tàu con thoi Challenger còn bị nổ tung nữa là!
Nói vậy, không phải để bào chữa cho quý Ngài, các Ngài không khiến tôi làm việc này và cũng không cần một Phật tử bình thường như tôi lên tiếng bênh vực. Thật ra, đối với việc trẻ hoá bộ máy lãnh đạo, không riêng gì Giáo Hội PGVN, mà bất cứ tổ chức nào cũng đều mong muốn.
Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, ngoài lý do chủ quan (không muốn thay đổi, chỉ hô hào suông để lấy điểm), thực tế khách quan cho thấy làm được điều này không dễ chút nào. Có lẽ anh Minh Mẫn hoặc nhiều vị sẽ nói:Biết làm không nổi thì thôi, đừng tuyên bố, cam kết làm chi, làm suy giảm niềm tin của mọi người.
Tôi thì có suy nghĩ hơi khác một chút: Thà là có tuyên bố, có cam kết cũng được gọi là "gióng lên một tiếng chuông" cũng là một hình thức "ký hợp đồng miệng" với xã hội, còn hơn là xếp xó, bỏ ngoài tai không thèm đếm xỉa, thậm chí còn lên án việc trẻ hoá nhân sự lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo ở cấp cao.
Tuyên bố còn đây, "hợp đồng" còn đó, "món nợ" này đến lúc hợp cơ duyên cũng phải giải quyết thôi!
Anh Minh Mẫn hãy bình tâm nhìn xung quanh đi, sẽ thấy những điều tôi đã thưa không phải là vô căn cứ.
Là những người Phật tử thuần thành, chúng ta quan tâm, lo lắng đến sự thịnh suy của Giáo hội là điều hiển nhiên, nhưng cũng chính vì là Phật tử cho nên chúng ta cũng cần phải nhớ về lời Phật dạy về lý nhân duyên. "Cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không". Nhân chưa đủ, duyên chưa có, thời chưa hợp thì quả chắc chắn sẽ chưa thành.
Còn nếu đặt câu hỏi là: khi nào nhân duyên hội đủ, thời cơ khế hợp? Thì vấn đề đó nằm ngoài phạm vi của bài viết này.
Nhất Phi - PTVN
Cư sĩ Minh Mẫn phúc đáp Nhất Phi về "Trẻ hóa nhân sự, Phật sự"

Trước nhất, tôi xin cám ơn anh Nhất Phi và các phản hồi góp ý. Thứ đến, xin có vài lời phúc đáp anh Nhất Phi và những ai quan tâm đến vấn đề trẻ hóa nhân sự, Phật sự trong các cấp GHPGVN hiện nay:
1/ Sao anh Nhất Phi biết tôi lo cho tôn giáo bạn qua vài câu trong bài như thế? So sánh, tỷ giảo, khích tướng...chỉ là phương tiện. Trong cuộc đua nếu không có đối thủ thì làm sao cố gắng vượt mức. Trong xã hội có những đoàn thể tương tự, nếu không nhìn người để tự mình tiến, cứ nằm ỳ ỷ lại thì tổ chức sẽ ra gì?
2/ Cám ơn anh Nhất Phi đã thể hiện tâm chất của một Phật tử chân chính đối với chư tôn túc mà tôi còn thua xa, bởi  tôi còn quá nhiều tâm sân hận phàm tục khi nhiệt tình đối với đạo nên lời lẽ thiếu nghiêm túc. (ở trong chăn mới biết chăn có rận!!!)
3/ Vấn đề trẻ hóa, tôi đâu buộc phải trẻ tuổi, trong bài tôi đặt vấn đề có thể trẻ trong cung cách làm việc cơ mà!
4/ Cái khó khăn không chỉ đối với quý ngài mà bất cứ tổ chức nào cũng có khó khăn, nhưng không có nghĩa vì khó khăn mà nằm ỳ một chỗ?
5/ Đạo hạnh và tuổi tác đâu phải chỉ có trực tiếp lãnh đạo mà gạt tuổi trẻ ra ngoài? cố vấn chỉ đạo để kèm và hướng dẫn lớp trẻ làm việc cũng cần lắm chứ; nếu đợi tuổi trẻ có kinh nghiệm, có đạo hạnh để lãnh trách nhiệm thì lúc ấy lớp trẻ cũng đã trở thành tuổi già!!! và đâu phải tuổi trẻ nào cũng bảo thủ, lạc hậu, an phận thủ thường, bạn chưa thấy có những Tăng ni trẻ rất xông xáo hoằng pháp tự nguyện các vùng sâu vùng xa mà bị một vài thầy chức sắc địa phương bảo thủ, cố chấp gây trở ngại thì sao?
5/ Ngôn từ của một xã luận khác với ngôn từ của một thỉnh nguyện thư hay văn bản hành chánh, sao gọi là thiếu nghiêm túc?
6/ "Chàng thanh niên lâu năm", năng nổ xông xáo và hết sức táo bạo với tinh thần dám nghĩ dám làm. Anh cho biết "chàng thanh niên lâu năm nào" đã năng nổ xông xáo và hết sức táo bạo với tinh thần dám nghĩ dám làm trong GH hiện nay??? Nếu từng có những chàng như vậy thì GH qua 30 năm không thể như vậy. Ngay cả văn thư hành chánh mãi đến nay vẫn chưa thấy tiến bộ thì chàng nào xông xáo tiến bộ hơn?
7/ Tôn giáo cần đạo hạnh và tuổi tác, nhưng đây là nghiệp vụ và tổ chức hành chánh, cần phải năng động, không thể so sánh khập khiễng.
8/ Việc thực hiện cam kết khi tranh cử của thế tục, họ cũng chưa thể hoàn toàn 100%. Không ai đòi hỏi toàn hảo như thế, nhưng ít ra phải thể hiện đươc từ 10-20%. Chẳng lẽ với lý do khó khăn mà 30 năm qua vẫn không có gì thay đổi? Nếu có thay đổi tiến bộ, năng động thì  PG đã không mất tín đồ hàng ngày nơi vùng xa vùng cao!
9/ Tính tạm bợ, vô thường là cốt lỏi của PG nhìn vào sự diễn tiến của cuộc sống, nhưng không vì thế mà không dám đặt niềm tin cho kế hoạch ngắn và dài hạn cho Phật sự. Bảo là vô thường mà không chịu trách nhiệm công việc thì đóng cửa lo tu hơn là lãnh đạo một tổ chức .
10/ "...Thà có tuyên bố cam kết còn hơn... " sao nói giống thế tục hứa rồi không giữ lời? Tu sĩ là "trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng", cảm thấy cái gì làm được hãy nói, nói mà không làm thì người thế nào???
Tóm lại, chúng ta không cầu toàn, nhưng là một tôn giáo toàn triệt, sứ giả của tôn giáo ít ra phải thể hiện thiện chí, khả năng và nhiệt tâm để từng bước chứng tỏ hiệu quả của lời hứa khi nhận lãnh trách nhiệm trước tiền đồ đạo pháp.
                                                MINH MẪN
                                                   29/9/2012

http://bit.ly/PhkPio

No comments:

Post a Comment