*** QUYỀN LỢI TỔ QUỐC & DÂN TỘC LÀ TRÊN HẾT *** KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH ***

2011/12/17

Vì sao Mỹ chưa thể tấn công Iran?

Vì sao Mỹ chưa thể tấn công Iran?

Sự Kiện Chính Trị ( 19/11 )

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thừa nhận một cuộc tấn công quân sự vào Iran lúc này sẽ gây những hậu quả khôn lường không chỉ với Mỹ mà cả thế giới.

Siêu bom 15 tấn của Mỹ
Siêu bom 15 tấn của Mỹ

Nhìn từ tình hình thực tế hiện nay có thể thấy trong thời gian tới, Mỹ và các nước thành viên chính của NATO có khả năng tấn công Syria và Yemen nhưng về cơ bản không có khả năng tấn công Iran. Mối đe dọa từ phương Tây đối với Iran trên thực tế chỉ là tấn công bằng dư luận, cũng giống như chính quyền Bush trước kia nhiều lần đe dọa.

Sau báo cáo ngày 8/11 của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về tình hình Iran, Mỹ, phương Tây và Israel liên tục có những phát biểu và động thái đe doạ tấn công Iran. Không quân Mỹ mới đây thậm chí đã nhận một loại siêu bom nặng gần 15 tấn được thiết kế để xuyên phá những mục tiêu nằm sâu dưới lòng đất mà Mỹ nghi ngờ là các cơ sở hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, đó cũng có thể chỉ là nhằm răn đe Iran.

Điều này càng rõ ràng hơn khi phát biểu với báo giới có mặt trong chuyến đi Canađa, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố trong hồ sơ hạt nhân Iran nếu vượt qua khuôn khổ các lệnh trừng phạt và ngoại giao thì sẽ có những hậu quả kinh tế không mong muốn, không chỉ đối với Mỹ mà còn cả thế giới.

Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe ngày 14/11 cũng cảnh báo rằng việc áp dụng biện pháp quân sự với Iran vì chương trình hạt nhân của nước này sẽ cuốn thế giới vào một "vòng xoáy không thể kiểm soát."

Ngoài ra không thể không kể đến nhân tố Nga và Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra ở Hawaii mới đây đã nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của người đồng nhiệm Nga Dmitry Medvedev và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran nhưng hai nhà lãnh đạo này đã lặng thinh.

Giới phân tích đưa ra những lý lẽ cho thấy một cuộc tấn công quân sự của Israel hay Mỹ vào Iran lúc này sẽ để lại những hậu quả không thể dự tính được.

Kết cục bi thảm

Tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran được ví như việc cắt cỏ: Nếu không diệt tận gốc, cỏ sẽ mọc trở lại. Tuy nhiên, gần như chắc chắn là không có một chiến dịch không kích nào có thể hủy diệt toàn bộ những cơ sở và kho nhiên liệu hạt nhân của Iran. Quốc gia Hồi giáo này sở hữu nhiều cơ sở kiên cố ở những địa điểm bí mật rất khó bị tấn công. Thậm chí ngay cả khi chiến dịch quân sự có thể phá hủy toàn bộ các cơ sở hạt nhân của Iran thì nước này có thể tập trung toàn lực đầu tư và phục hồi sản xuất chỉ trong vòng từ 2 tới 3 năm. Như vậy Israel sẽ phải tấn công Iran "theo định kỳ" 18 tháng một lần. Nếu trường hợp này xảy ra, Israel và Iran sẽ ở trong trạng thái đối đầu thường trực và Trung Đông sẽ bị nhấn chìm trong biển lửa.

Iran không phải là Libya của Muammar Gaddafi hay Iraq thời Saddam Hussein. Iran có tiềm lực quân sự lớn thứ 12 thế giới vì thế một cuộc tấn công từ bên ngoài sẽ đối mặt một cuộc đáp trả quyết liệt, thậm chí một cuộc chiến tranh hạt nhân gây lo ngại và để lại hậu quả khôn lường cho cả thế giới.

Nhà máy điện hạt nhân của Iran

Trung Đông hỗn loạn, Iran nâng tầm ảnh hưởng

Iran là thế lực chiến lược quan trọng tại Trung Đông, tấn công Iran sẽ đẩy cả khu vực Trung Đông vào hỗn loạn.

Gần đây, các quốc gia Arab đều ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của Liên Hợp Quốc, tạo nên áp lực chính trị quốc tế lo lớn cho Mỹ và Israel, do đó cũng tăng nhân tố bất ổn cho khu vực này. Nếu trong bối cảnh này tấn công Iran, rõ ràng sẽ đẩy khu vực vào hỗn loạn, chẳng hay ho gì cho một nước Mỹ đang mải lo cuộc tổng tuyển cử.

Cấm vận không bao giờ có thể ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân nếu họ thực sự muốn, nhưng đã cô lập hóa quốc gia Hồi giáo này. Một vụ tấn công do Israel thực hiện sẽ phá bỏ đi sự cô lập kể trên và mang lại nhiều tác động xấu, đặc biệt trong thời điểm thế giới Arập đang rối loạn bởi các cuộc biểu tình như hiện nay. Theo các chuyên gia, nhiều quốc gia Arập sẽ muốn thấy một Iran bị kiềm chế và suy yếu nhưng một vụ tấn công trực tiếp của Israel sẽ để lại một "bãi lầy" mà Mỹ sẽ phải vất vả để dọn dẹp. Người Hồi giáo trên thế giới sẽ thêm lý do để ghét Mỹ.

Tổn thất về kinh tế với Mỹ và thế giới

Iran nằm bên eo biển Hormuz, tuyến hàng hải nhộn nhịp trung chuyển 40% lượng dầu mỏ thế giới. Một cuộc tấn công quân sự sẽ là cái cớ để Iran phong toả tuyến đường hàng hải trọng yếu này đẩy giá dầu mỏ tăng vọt. Điều này sẽ khiến kinh tế thế giới vốn đang bị ốm yếu bởi nợ công và khủng hoảng khó lòng mà phục hồi.

Thêm nữa, Iran cũng có thể can thiệp vào Afghanistan và Iraq, khiến tình hình an ninh tại các quốc gia này trở nên hỗn loạn. Về khả năng quân sự, Iran khó có thể vươn tới Mỹ nhưng dễ dàng tới khu vực Trung Đông, Bắc Phi… Và họ "có thừa" khả năng phát động một cuộc thánh chiến chống lại các lợi ích của Mỹ và Israel tại đây.

Nền kinh tế Mỹ vẫn còn trong giai đoạn phục hồi mong manh. Dù Tổng thống Mỹ Obama đã tuyên bố rút quân khỏi Iraq, nhưng việc phân bổ thêm nguồn lực cho khu vực Trung Đông sẽ lần nữa gây ra những vấn đề căng thẳng cho ngân sách Mỹ, vốn đang thâm hụt trầm trọng. Thêm một cuộc chiến nữa, cho dù sự tham gia của Mỹ là hạn chế, cũng sẽ đặt rất nhiều áp lực về tài chính lên chính quyền Obama, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần.

Do đó, trước kỳ bầu cử năm sau ở Mỹ, tuy không thể loại bỏ khả năng Mỹ tấn công Iran, nhưng khả năng này dường như là rất nhỏ./.

No comments:

Post a Comment