*** QUYỀN LỢI TỔ QUỐC & DÂN TỘC LÀ TRÊN HẾT *** KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH ***

2011/04/24

Chiến tranh Việt Nam: Ván bài đã lật ngửa

Chiến tranh Việt Nam: Ván bài đã lật ngửa
Lê quế Lâm



Cuộc chiến VN là một canh bạc bịp khổng lồ với những tay chơi đều nặng ký. Vị thế càng cao, bịp bợm càng lớn, chỉ tội người dân bị "sạch túi", chỉ vì họ yêu nước một cách ngây thơ. Người dân bị Trần Bạch Đằng -người yêu nước theo CNCS "bịp". Rồi Đằng lại bị cấp trên "bịp". Cấp lãnh đạo đất nước "bịp" cả đàn anh nên bị Trung Cộng dạy cho bài học vì sự phản bội. Và sau hết là tay "đại bịp" LX, chưa bị coi là kẻ thù vì họ không đưa quân vào đánh VN như bọn thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bành trướng Bắc Kinh. Đế quốc xã hội tinh khôn hơn đế quốc tư bản: không thực hiện chủ nghĩa thực dân "kiểu mới" mà xâm lược "kiểu mới", do những người VN theo CNCS thực hiện, để đánh bại "chế độ thực dân kiểu mới" của Mỹ ở miền Nam VN.


  • Sắp đến ngày 30/4, lại có thêm một nhân chứng lịch sử quan trọng của cuộc chiến VN ra đi.
 Đó là ông Trần Bạch Đằng vừa qua đời tại Sàigòn ngày 16/4/2007, thọ 81 tuổi. Ông là đảng viên CS kỳ cựu, gia nhập đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1943. Ba năm sau, mới 20 tuổi ông đã là Thường vụ Thành ủy Sàigòn-Chợlớn, đặc trách Tuyên huấn, đến năm 1954 là Trưởng ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ. Khi Mặt trận GPMN ra đời, ông là Ủy viên Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương, phụ trách thông tin báo chí. Năm 1965 ông là Ủy viên Thường vụ Đặc khu ủy Sàigòn-Gia định, phụ trách Bí thư nội thành Sàigòn. Ông lãnh đạo cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 tại Sàigòn Gia định. Đây là chiến trường trọng điểm nên CSBV và Cục R thành lập Đảng ủy trung tâm để chỉ đạo chung, do Nguyễn Văn Linh làm bí thư, Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng và Trần Văn Trà là Phó bí thư. Tổ chức chỉ huy chiến trường cũng được sắp xếp: Bộ Tư lịnh Tiền phương Bắc còn gọi là Tiền phương 1 do Trần Văn Trà, Mai Chí Thọ và Lê Đức Anh chỉ huy. Bộ Tư lịnh Nam tức Tiền phương 2 do Võ Văn Kiệt và Trần Bạch Đằng phụ trách.

   Ông Đằng cho biết từ năm 1965, ông cư ngụ tại trung tâm Sàigòn, kế cận nhà Phó Đại sứ HK. Ngoài việc lãnh đạo chung, nghiệp vụ chuyên môn của ông là tuyên truyền & huấn luyện, trong đó có công tác "trí vận". Trong cương vị này, ông đã vận động móc nối nhiều giới trẻ, lãnh tụ các phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh như: Hồ Hữu Nhựt, Trần Thiện Trí, Trần Quang Long, Trần Triệu Luật, Lê Quang Lộc, Lê Hiếu Đằng, Nguyễn Đăng Trừng… Và một số trí thức tên tuổi Sàigòn như: ông bà Ls Trịnh Đình Thảo, vợ chồng ông Phú hữu Nguyễn Thạnh Cường -một kỹ nghệ gia tên tuổi Sàigòn, Bs Dương Quỳnh Hoa, Gs Nguyễn Văn Kiết, Gs Nguyễn Văn Chì, Gs Lê Văn Chí, Gs Lê Văn Giáp, Ks Lâm Văn Tết, Ks Cao Văn Bổn, Ks Nguyễn Hữu Khương, nhà văn Thiếu Sơn, Thanh Nghị, Lữ Phương, nhà báo Võ Ngọc Thành, Thiên giang Trần Kim Bảng…Những thành phần trên đã tham gia Liên minh các Lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình được thành lập sau Tết Mậu Thân. Đó là "sáng kiến của Đảng, tạo ra một tổ chức 'đệm' giữa MTGPDT và các thế lực khác, gọi là "lực lượng thứ thứ ba". Đây là chủ trương lớn của Đảng nhằm tranh thủ tất cả những ai tán thành độc lập dân tộc, dân chủ, trung lập và hòa bình (không nhất quyết phải tán thành chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội), làm cho kẻ thù bị cô lập cao độ". (1)

   Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân được CS gọi là "Tổng công kích & Tổng khởi nghĩa" (TCK & TKN): Lực lượng vũ trang đảm nhận việc TCK. Còn "Liên minh các lực lượng…" kêu gọi nhân dân tổng nổi dậy cùng quân giải phóng giành chánh quyền. Tại khu Sàigòn-Gia định, Liên minh do Gs Lê Văn Giáp làm chủ tịch và sinh viên Hồ hữu Nhựt phó chủ tịch. Ủy ban Nhân dân Cách mạng do Gs Nguyễn Văn Chì làm chủ tịch và dược sĩ Phạm thị Yên phó chủ tịch. Đến ngày 10/4/1968, Ủy ban Trung ương Liên minh các Lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình VN ra đời do Ls Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch, Hoà thượng Thích Đôn Hậu và Ks Lâm Văn Tết đồng phó chủ tịch Ngày 8/6/1969 Liên minh kết hợp với MTDTGP thành lập Hội đồng Cố vấn và Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa MNVN.

   Ông TBĐ tiết lộ trưa 18/2/1968 tại xã Tân Túc Bình Chánh, ông tổ chức một bửa cơm thân mật đãi các nhân sĩ vừa rời Sàigòn ra chiến khu. Ông trình bày các diễn tiến của chiến dịch, phân tích triển vọng của tình hình…Vừa ăn xong đã xế chiều có tin cấp báo Mỹ hành quân vào vùng này. Ông cùng số khách chạy đến các hầm bí mật. Ông kể lại "Thế là cởi bộ quân phục, ở trần, mặc quần đùi cặp nách bộ quân phục lom khom bước theo bảo vệ. Khốn khổ! Bảo vệ dẫn tôi theo một líp và tôi qua trước mặt vợ chồng Ls Trịnh Đình Thảo, Gs Nguyễn Văn Kiết, anh Lê Hiếu Đằng…Qua trước mặt họ trong tư thế không mấy gì oai phong -trái ngược với buổi tôi tiếp họ. Tôi hơi bực, cự các đồng chí bảo vệ: Sao dẫn ngả này? Họ trả lời: Đâu còn ngả nào khác! (2)

   Sau khi ông qua đời, Nguyễn Công Khế -Tổng Biên tập báo Thanh Niên (19-4-2007) đã ca ngợi ông là một con người, một ngòi bút "minh bạch, thẳng thắn, thông minh và hiểu biết rộng" nhưng cuộc đời "không phải lúc nào cũng thông suốt". Quả thật, từ sau 1975 ông không còn giữ chức vụ quan trọng nào cả. Một nhà báo khác nêu thắc mắc: "là một cán bộ cở lãnh đạo ở miền Nam, và đặc biệt ở Sàigòn, trong cả hai thời 'kháng chiến' như Trần Bạch Đằng tại sao lại có một vai trò quá mờ nhạt, gần như 'bung xung' sau năm 1975. Đây không chỉ là một sự hiếu kỳ về cuộc đời một con người. Nó còn là vấn nạn của những người nghiên cứu chính trị và lịch sử. Tiếc thay, dường như cái chết của ông đã đóng lại -có thể như vĩnh viễn những bí mật lịch sử.,thay vì cho thấy thêm vài tia sáng". Bài báo kết luận "Cách đánh giá hiện nay ở Sàigòn còn hời hợt, vì người ta chưa nói hết về ông. Điều khó khăn của những nhà viết sử là hiện nay người ta vẫn chưa sẳn sàng với "ván bài lật ngửa". (3)

    Sau 1975, dân Saigon biết nhiều đến ông qua quyển tiểu thuyết được quay thành phim "Ván bài lật ngửa" xoay quanh nhân vật Phạm Ngọc Thảo -trưởng phòng mật vụ Nam bộ kháng chiến, được phân công hoạt động trong lòng "địch".Thảo được chế độ Ngô Đình Diệm tín nhiệm, làm việc trong cơ quan mật vụ của Trần Kim Tuyến. Sau này là đại tá, Tùy viên QLVNCH tại HK. Câu chuyện được kết thúc vào buổi chiều ngày (đảo chánh) 1/11/1963, trước khi anh em TT Diệm rời Dinh Gia long, ông cố vấn Nhu cho gọi Thảo tới, ông nói: "Tôi đã thua anh trong một ván bài mà tất cả các con bài đều đã được lật ngửa. Tôi có thể "khử" anh ngay bây giờ, nhưng tôi không bao giờ làm điều đó. Anh hãy trốn ngay đi". Hai hôm sau, Thảo đến cúi đầu trước mộ ông Nhu thì thầm "Dầu sau đi nữa, tôi đã mất đi một đối thủ có tầm cở. Chúc anh ngủ yên".

   Ngoài ván bài trên có nhiều hư cấu trên, ông TBĐ và CSVN còn chơi một ván bài lớn với HK trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân, mà vì hoàn cảnh, chưa cho phép ông được "lật ngửa" để đồng bào cùng chia sẻ. Hai mươi năm sau, ông đã dành cho ký giả Úc Clayton Jones một cuộc phỏng vấn về biến cố này. Ông nói: "Chúng tôi bị dồn vào thế phải tổng công kích, dù chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm nhiều giải pháp chính trị khác. Tôi đã thông báo điều này với chính Đại sứ Bunker vào năm 1967 khi chiến tranh sẽ là một điều tất yếu". Đằng cho biết từ năm 1966 đến 1969, VC đã tiếp xúc nhiều lần với Mỹ để trao đổi tù binh. Chính Bunker đã can thiệp để trả tự do cho vợ của Đằng là Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam. (4) Ký giả Clayton nhầm lẫn chi tiết này: vợ TBĐ là bà Nguyễn Thị Chơn, phụ tá đắc lực của bà Bình tại bàn đàm phán Paris, chớ bà Bình không phải là vợ ông Đằng. Trong cuộc phỏng vấn trên, TBĐ còn tiết lộ, mỗi lần muốn gặp Đs Bunker, ông nhắn mật hiệu trên báo "Sao và Sọc" của quân đội Mỹ ở VN, sau đó tòa đại sứ cho xe đến đón trước Tòa Đô chánh Sàigòn.

   Ngoài ra, vợ Trần bửu Kiếm -bà Dược sĩ Phạm thị Yên cũng được Mỹ phóng thích năm 1967 "để thực hiện một âm mưu chính trị mới". Ông TBK là trưởng phái đoàn đầu tiên của MTGPMN tại hòa đàm Paris. Bà Yên là trưởng ban trí vận thành phố Sàigòn bị bắt khoảng năm 1961, bị giam ở Côn Đảo.

Năm 1967, Mỹ "đưa bà đến một đảo xa xôi, giam trong một biệt thự. Người Mỹ phục vụ ăn uống hàng ngày. Quần áo mới đầy đủ. Bác sĩ Mỹ khám bệnh và khuyên bà dùng nhiều thuốc…Nhiều tên Mỹ tiếp xúc với bà tỏ ra lịch sự, tế nhị, nhưng vẫn không lay chuyển được bà. Cuối cùng, Mỹ đưa bà về Sàigòn vào bệnh viện tư của bác sĩ Nguyễn Duy Tài, cho gia đình đến thăm nom. Vài tuần sau địch chở bà lên biên giới Tây Ninh, đưa ít tiền ria và bảo: Bà đi thẳng thì lên Pnôm Pênh, có sứ quán của Việt Cộng ở đó. Bà rẽ tay mặt, thì vào chiến khu Việt Cộng. Tùy bà lựa chọn. Bà quyết định lên Pnôm Pênh. Năm 1968, bà xin trở về Nam, được phân công giúp đở các nhân sĩ trí thức trong Liên minh các Lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam ở khu giải phóng. Bà qua đời sau một cơn sốt ác tính hồi 1971". (5)  
  • Bí ẩn lịch sử trong cuộc chiến VN    
   Tiết lộ của TBĐ về việc ông tiếp xúc với Đại sứ HK Bunker trước khi xảy ra biến cố Tết Mậu Thân đã giải toả một bí ẩn lớn mà từ trước nay những ngưòi nghiên cứu chiến tranh VN luôn thắc mắc. Họ tin rằng đã có một thỏa thuận ngầm nào đó giữa HK và CSVN về biến cố này…Nhưng chưa có tài liệu chứng minh, phải dành cho nó hai chữ "tồn nghi". Người ta còn có lý do để nghi ngờ, vì Kissinger chỉ cho phép công bố một số tài liệu bí mật của ông sau khi ông chết 5 năm.

    Lịch sử VN trong hơn 60 năm qua từ khi Nhựt đảo chánh Pháp tháng 3/1945 đến nay diễn tiến có lớp lang, xuyên suốt theo qui luật nhân quả. Tuy nhiên có một khoảng thời gian không rõ ràng -từ tháng 2/1967 đến biến cố Tết Mậu Thân 1968. Sau biến cố này, Mỹ đã đạt được mục tiêu, đưa Hànội vào bàn đàm phán, sau đó ký kết HĐ Paris 1973 và giải kết trách nhiệm ở VN. Có điều mà người nghiên cứu lịch sử thắc mắc: từ cái "nhân" nào đã đưa đến cái "quả" là trận tổng tấn công Tết Mậu Thân?

   Như mọi người đều biết, đúng một tháng sau khi HK đưa hai tiểu đoàn TQLC đổ bộ lên Đà Nẳng, TT Johnson tuyên bố tại Đại học Johns Hopkins ngày 7/4/1965: sẳn sàng thương lượng không điều kiện với các phe liên hệ dựa trên những hiệp ước cũ hoặc bổ túc bằng những hiệp ước mới. Mục tiêu của HK là nền độc lập của miền Nam VN được bảo đảm để họ có thể quyết định mối liên hệ riêng của họ mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Hôm sau, Hànội trả lời bằng "đề nghị 4 điểm", HK chấp nhận điểm 1, 2 và 4, chỉ còn điểm 3 qui định "công việc miền Nam do nhân dân miền Nam giải quyết theo cương lĩnh của Mặt trận GPMN" thì HK yêu cầu được thảo luận thêm tại bàn đàm phán. Nhưng Hànội bác bỏ, từ đó chiến tranh ngày càng leo thang.

   Mãi đến ngày 8/ 2/1967, qua trung gian của TT Kosygin (LX) và TT Wilson (Anh), hai nước này là đồng chủ tịch Hội nghị Genève 1954 về Đông Dương, TT Johnson gởi Chủ tịch Hồ Chí Minh bức thư đề nghị: HK sẽ ngưng ném bom MB và ngưng tăng cường quân lực Mỹ ở MN, nếu BV cũng đình chỉ gởi người và vũ khí vào MN. Sau đó Mỹ và BV sẽ tiến hành những cuộc mật đàm để giải quyết vấn đề miền Nam VN. Trong thư trả lời, Chủ tịch HCM cho biết nước VNDCCH "không thể thương lượng dưới sự đe dọa của bom đạn Mỹ. HK phải chấm dứt vĩnh viễn và không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chống lại nước VNDCCH, khi đó hai bên mới có thể đàm phán và thảo luận những vấn đề mà hai bên quan tâm". (6)

    Từ đó có nhiều nổ lực quốc tế giúp HK và Hànội đến bàn hội nghị, đáng kể nhất là trung gian của Pháp từ tháng 6/1967. Ông Raymond Aubrac (một người CS từng quen biết HCM hồi năm 1946) và Hervert Marcovich -cả hai là khoa học gia Pháp, nhiều lần đi Hànội gặp HCM và TT Phạm Văn Đồng để giúp BV và HK trao đổi những đề nghị. Phía Hànội do đại sứ Mai Văn Bộ phụ trách, còn phía HK là Henry Kissinger. Hànội đòi HK ngưng ném bom MB vô điều kiện. HK đồng ý nhưng với điều kiện Hànội phải ngồi vào bàn hội nghị để giải quyết vấn đề miền Nam. Hànội đòi HK phải rút khỏi MN và thừa nhận MTGPMN. Cuối cùng BV nhấn mạnh: "chỉ sau khi HK chấm dứt không điều kiện việc ném bom và bất cứ các hoạt động gây hấn nào khác chống VNDCCH thì họ mới có thể nói chuyện". Ngày 6/10/1967, Wallner -đại diện HK ở Paris nhờ Marcovich trao cho đại diện Hànội ở Paris một dự thảo thông điệp xác nhận: Mỹ chấm dứt mọi hình thức đánh phá nước VNDCCH mà không nói đến điều kiện, Hànội có thể nhanh chóng tiến hành thảo luận với HK. Wallner nói thêm nếu đại diện Hànội đồng ý, Kissinger sẽ sang Paris trao tận tay cho BV thông điệp với nội dung trên. Hànội không trả lời, việc trung gian giữa ông Marcovich và Aubrac với HK và Hànội xem như chấm dứt (7)

    Có thể nói, ông TBĐ đã báo cho Đs Bunker biết ý định cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân vào thời điểm này. Sau này, Thượng tướng Trần Văn Trà nhận xét: "Đi vào tổ chức thực hiện một quyết định lớn như vậy mà Bộ Chính trị chỉ dành cho các cấp ở chiến trường có ba tháng, thật là quá ngắn ngũi". Ông cho biết mục tiêu đề ra là "Tiêu diệt và làm rã tuyệt đại bộ phận quân đội Sàigòn, đánh đổ chính quyền các cấp và giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân" và "tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ" thì thật là vượt quá nhiều khả năng thực tế ta có. Thứ nhất ta không đủ sức -lực lượng ta chỉ bằng 1/5 của Mỹ và quân đội Sàigòn về bộ binh. Còn không quân, hải quân và cơ giới thì chúng có ưu thế tuyệt đối"… Ông chua chát kết luận: "Như vậy đề ra chủ trương TCK-TKN để giành toàn bộ chánh quyền về tay nhân dân" mà cán bộ và chiến sĩ ta diễn đạt gọn và đơn giản lúc đó là "dứt điểm" thì thật là hoàn toàn không thực tế, không thể thực hiện nổi, vượt quá sức của ta và coi thường khả năng và phản ứng của Mỹ". (8)  
 
    Trong một bài khác, tướng Trà viết: "trong Tết Mậu Thân, ta không đánh giá đúng về tương quan lực lượng ta địch cụ thể lúc ấy, không thấy hết khả năng còn lớn của địch và điều kiện còn hạn chế của ta, đề ra yêu cầu cao quá sức thực tế ta có. Nghĩa là ta không dựa vào sự tính toán khoa học, cân nhắc sâu sắc mọi yếu tố mà có phần ảo tưởng dựa vào sự mong muốn chủ quan. Chính vì vậy…chúng ta đã phải chịu một hy sinh thiệt hại lớn lao về sức người, sức của, đặc biệt là cán bộ các cấp, làm cho sức ta yếu xuống rõ rệt. Sau đó không những ta không giữ được tất cả các thành tựu đã đạt được mà còn chịu muôn vàn khó khăn tiếp theo trong những năm 1969-1970. (9)

   Trong khi Hànội đang chuẩn bị kế hoạch tổng tấn công toàn miền Nam, thì quân đội Mỹ lại tập trung vào cứ điểm Khe Sanh, ở tây bắc Quảng Trị, cách khu phi quân sự 18 cây số. Đầu tháng 10/1967, HK gởi những đơn vị TQLC tinh nhuệ đến trấn đóng Khe Sanh, thiết lập một hệ thống cứ điểm chiến lược kiên cố với quân số lên đến 6 ngàn. Với căn cứ Khe Sanh, HK tin rằng họ có thể kiểm soát và phá vỡ các mạng lưới tiếp vận vũ khí và các hành lang xâm nhập quân BV trên đường mòn HCM. Nhưng sau đó, không thám và các máy điện tử khám phá BV đã bố trí nhiều trận địa pháo và hỏa tiễn ở những đồi núi bao quanh căn cứ, trong khi nhiều sư đoàn chủ lực đang dồn về mục tiêu này.

    Đêm 20/1/1968 Cộng quân bắt đầu khai hỏa với hàng ngàn hỏa tiễn, tiếp theo là các trận mưa pháo vào căn cứ. Tướng Westmoreland khẩn cấp gởi 1500 quân tăng cường lực lượng phòng thủ. Quân Mỹ đổ bộ xuống Khe Sanh dưới làn mưa đạn. Lúc bấy giờ cứ điểm này đang bị bao vây bởi khoảng 19 ngàn quân BV và có khả năng bị tràn ngập với chiến thuật biển người bất cứ lúc nào. Cục diện này tương tự trận Điện biên Phủ hồi đầu tháng 5/1954, khiến nhiều người lo ngại Khe Sanh có thể là chiến trường sẽ kết thúc chiến tranh VN…Nhưng tình hình lại diễn ra theo hướng khác với cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân ngay sau đó.

   Lúc bấy giờ, có nhiều nguồn tin nói rằng HK và Hànội đã thỏa thuận "án binh bất động" để Lực lượng vũ trang GPMN dốc toàn lực vào cuộc TCK-TKN khắp các thị trấn, đô thị miền Nam. Nếu quả thật MTGPMN có ưu thế, được sự ủng hộ của dân chúng như họ thường rêu rao "kiểm soát 3/4 dân số và 4/5 đất đai" thì HK sẳn sàng rút quân để MTGP quản lý công việc MN theo cương lĩnh của họ. Nếu không thắng, MTGP sẽ cùng chánh quyền Sàigòn đàm phán, giải quyết chiến tranh bằng con đường hòa bình. Như vậy, có thể nói chiến trường Khe Sanh là kế "dương Đông kích Tây" để đánh lạc hướng âm mưu trên. Lúc đó, ai cũng thấy CSBV và HK đều dồn nổ lực vào Khe Sanh, nơi sẽ quyết định cuộc chiến. Mặc nhiên, họ để Quân Giải phóng Miền Nam đọ sức với QLVNCH trong dịp Tết, thời điểm mà người lính Cộng Hòa lơ là trong phòng thủ vì đã có lịnh hưu chiến để ăn Tết cổ truyền.

    Sử gia Don Oberdorpher nhận xét trận Mậu Thân như sau: "Việt Cộng đã chịu một thất bại quân sự nặng nề. Hàng chục ngàn cán binh cuồng tín nhất, có kinh nghiệm nhất từ vùng rừng núi nhẩy vào vùng đồng bằng và thôn quê gánh chịu những trận mưa bom chết người. Việt Cộng mất cả một thế hệ chiến binh và nhân dân thành phố cũng không chịu nổi dậy theo chúng". (10) Tuy nhiên, cuộc chiến bước vào giai đoạn mới: đàm phán để kết thúc. Tháng 5/1968, cuộc hòa đàm Mỹ và Hànội đã bắt đầu ở Paris giữa Harriman và Xuân Thủy.

   Trước đó vào cuối tháng Ba, TT Johnson tuyên bố không tái ứng cử nhiệm kỳ hai, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ và dành cho BV vinh dự đến bàn đàm phán: không phải dưới sự đe dọa của bom đạn Mỹ mà là chiến thắng Mỹ. Ba tháng trước khi rời Bạch Cung, Johnson quyết định ngưng hoàn toàn việc ném bom miền Bắc, mời hai chánh phủ ở miền Nam tham dự đàm phán với HK và BV để hai bên miền Nam tự quyết định công việc nội bộ của họ. Hànội tự hào "thắng lợi Mậu Thân có ý nghĩa chiến lược to lớn và toàn diện, đã kéo Mỹ xuống thang chiến tranh phá hoại miền Bắc và buộc Mỹ phải nhận họp hội nghị hai bên ở Paris" Và "từ tháng 1/1969, đế quốc Mỹ đã buộc phải nói chuyện chính thức với đoàn đại biểu của Mặt trận dân tộc GPMN ở hội nghị bốn bên ở Paris". (11)  
  •     MTGPMN muốn liên hiệp với VNCH, không có sự can thiệp từ bên ngoài
   Trong mấy tháng đầu của cuộc đàm phán bốn bên, Hànội vẫn chưa có giải pháp nào mới cho vấn đề MN. Họ vẫn căn cứ vào lập trường 4 điểm đề ra từ 8/4/1965. Còn MTGP thì dựa vào cương lĩnh ngày 20/12/1960 do Hànội soạn thảo: đòi Mỹ chấm dứt xâm lược, rút quân và từ bỏ chánh quyền Sàigòn. Bất ngờ, ngày 7/5/1969 trong cuộc mật đàm với Xuân Thủy, đại sứ Lodge cho biết sẽ đề nghị một giải pháp mới cho vấn đề MNVN theo như tuyên bố của ông Trần Bửu Kiếm (MTGP) trong phiên họp thứ 14 ngày 26/4/69: "Tổng tuyển cử tự do có thể mở đường cho một cuộc thảo luận bổ ích và đề nghị MTGP nói chuyện với Sàigòn". (12) 

   Lúc bấy giờ, thực lực của MTGPMN ngày càng suy yếu: lực lượng vũ trang hầu như bị nướng sạch trong ba đợt tổng công kích hồi năm 1968, hạ tầng cơ sở bị đánh bật khỏi nông thôn, số lực lượng vũ trang còn sót lại phải chạy sang bên kia bên giới Miên.Trong tình thế đó, lập trường mới của MTGPMN rất mềm dẻo, khác xa nhiều với Cương lĩnh 10 điểm trước đây. Họ không còn đòi giải quyết công việc nội bộ MN theo cương lĩnh của họ, mà sẽ do nhân dân MN tự quyết định, không có sự can thiệp của nước ngoài. Và "trong thời gian từ khi hòa bình đưọc lập lại cho đến khi tổng tuyển cử không một bên nào được cưỡng bức nhân dân miền Nam VN phải chấp nhận chế độ chính trị của mình" (điểm 4 & 5). Ngày 8/6/1969, MTGPMN kết hợp với Liên minh của Ls Trịnh Đình Thảo thành lập Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa MNVN. Sau đó, Trần Bửu Kiếm, trưởng phái đoàn CP/CMLT công bố toàn văn "Lập trường 10 điểm" ngày 8/5/1969 trong một phiên họp công khai tại hội nghị bốn bên.

   Mấy ngày sau, trong cuộc mật đàm, Kissinger nói với Lê ĐứcThọ: khi TT Phạm Văn Đồng đưa ra "lập trường 4 điểm" ngày 8/4/1965 để trả lời đề nghị đàm phán của TT Johnson, tổng thống Mỹ chấp nhận ba điểm. Duy chỉ có một điểm, HK không thể chấp nhận, đó là nội dung điểm 3: "Công việc miền Nam do nhân dân miền Nam tự giải quyết theo cương lĩnh của Mặt trận Giải phóng miền Nam, không có sự can thiệp bên ngoài". Từ đó đến nay quí vị vẫn duy trì "lập trường trước sau như một của nước VNDCCH", nay cương lĩnh của MTGPMN đã thay đổi. Chúng tôi thấy lập trường 10 điểm của Chánh phủ CMTL có nhiều điểm trùng họp với kế hoạch hòa bình 8 điểm của HK. Hai bên HK và VNDCCH có thể dung hòa hai đề nghị trên để kết thúc chiến tranh. Kế hoạch 8 điểm của Mỹ được TT Nixon trình bày trên hệ thống truyền hình ngày 14/5/1969: Mỹ muốn rút quân nhanh chóng, không muốn tìm kiếm căn cứ quân sự ở NVN, đòi hai bên cùng rút quân trong vòng 12 tháng sau khi có hiệp định để nhân dân miền Nam VN quyết định công việc nội bộ của họ. HK đồng ý để Mặt trận GPMN tham gia vào đời sống chính trị ở NVN, tham gia vào tổng tuyển cử tự do có giám sát và kiểm soát quốc tế. (13)

   Từ đó cuộc đàm phán Paris đi thẳng vào vấn đề chính là giải quyết cuộc chiến tại miền Nam VN. Sau này, ông Lưu Văn Lợi phụ tá Lê Đức Thọ tiết lộ: "Đây là một bất ngờ" mà Hànội không tiên liệu vì lập trường mới của MTGPMN. Từ trước đến giờ, trên bàn đàm phán chỉ có hai kế hoạch giải quyết vấn đề VN. Mỹ với hai điểm chủ yếu là quân miền Bắc cùng rút với quân Mỹ và giữ chánh quyền Sàigòn. Còn phía VNDCCH thì đòi giữ quân miền Bắc ở lại MN sau khi Mỹ rút, xóa bỏ chánh quyền Sàigòn". Nay lập trường 10 điểm của Chánh phủ CMLT chủ trương liên hiệp giữa hai chính phủ ở miền Nam. Hànội nhận xét: "Mỹ đang có ưu thế ở MN và tất nhiên muốn giải quyết vấn đề trên thế mạnh. Phía VN phải chờ đợi thời cơ. Cần có thời gian để khôi phục lại tình thế cách mạng và chiến tranh nhân dân ở MN". Họ phê phán MTGP: "Ngay trong vấn đề chính phủ liên hiệp đưa ra trong hoàn cảnh hạ tầng cơ sở của ta tan ra như lúc đó, nếu địch nhận ra thì có thể cũng là một khó khăn cho ta". (14) Hậu quả, Trần Bửu Kiếm mất chức trưởng phái đoàn Chánh phủ CMLT. Từ khi bà Nguyễn thị Bình thay thế "Hai đoàn chúng ta tại hội nghị Paris -VNDCCH và MTGPMN- tuy hai mà một, tuy một vẫn là hai: cùng chịu sự chỉ đạo chung, nhưng là hai đoàn độc lập". (15)

   Ngày 16/7/1969 TT Nixon gặp Sainteny nhờ trao thư cho HCM và yêu cầu ông ta nói thêm rằng: "nếu từ nay đến 1/11 (1969) là hạn cuối cùng không có sự khai thông nào trong thương lượng, Mỹ sẽ dùng những biện pháp gây hậu quả lớn, những biện pháp mạnh mẽ". Trong thư Nixon nhắc lại đề nghị trong diễn văn ngày 14/5 là "thích đáng cho các bên" và "sẳn sàng thảo luận cả những kế hoạch khác" đặc biệt là 10 điểm của MTGP. Ông kết luận "Đã đến lúc phải đưa bàn hội nghị đến một giải pháp nhanh chóng cho cuộc chiến tranh bi thảm này, Ngài sẽ thấy chúng tôi sẳn sàng và cởi mở trong một nổ lực chung để đem lại những lợi ích của một nền hòa bình cho nhân dân VN anh dũng. Hãy để cho lịch sử ghi lại rằng trong giai đoạn quyết liệt này hai bên đã hướng về phía hòa bình chớ không phải hướng về gây hấn và chiến tranh". 

   Trong thơ trả lời ngày 25/8, HCM cho rằng kế hoạch 10 điểm của Mặt trận GPMN là cơ sở logic và họp lý để giải quyết vấn đề VN. "Muốn có hòa bình, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi MNVN, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân MNVN và của dân tộc VN. Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự. Với thiện chí của phía Ngài và phía chúng tôi, chúng ta có thể đi tới những cố gắng chung để tìm một giải pháp đúng đắn cho vấn đề VN". Đây là văn kiện đối ngoại cuối cùng của HCM. (16)

   Cuộc chiến vẫn còn kéo dài vì sự bất đồng giữa Hànội (chủ trương phải chờ thời cơ để đánh bại chánh quyền Sàigòn) và Chánh phủ CMLT Cộng hòa Miền Nam (chủ trương lập chánh phủ liên hiệp với VNCH). Mối xung đột trên chưa kịp phát triển nhờ phía VNCH đang có mối bất đồng lớn với HK xuất phát từ "lập trường bốn không" của TT Nguyễn Văn Thiệu.
  •  Ván bài lật ngửa: một canh bạc bịp khổng lồ
   Mở ra các đợt Tổng tấn công từ Tết Mậu Thân, CSVN đã mượn tay HK và VNCH tiêu diệt gần như toàn bộ Lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Những gì xảy ra hai thập niên trước, nay lại tái diễn. Năm 1946, CSVN mượn tay Pháp tiêu diệt các đảng phái Quốc gia để giành độc quyền yêu nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nay, từ sau Mậu Hànội gia tăng lực lượng xâm nhập từ miền Bắc vào, toàn quyền thao túng trên cả hai mặt trận đánh và đàm với Mỹ. Cuối cùng chiến tranh được kết thúc theo như cương lĩnh mới của MTGPMN phù hợp với quan điểm của HK: "Nhân dân miền Nam VN tự quyết định công việc nội bộ của mình, không có sự can thiệp của bên ngoài". Nhờ đó, giúp HK chấm dứt chiến tranh, giải kết trách nhiệm đối với VN, rút đi trong danh dự với cam kết góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh VN. Nhưng nhân dân miền Nam chưa bao giờ được hưởng quyền tự quyết của mình, thì làm sao hàn gắn vết thương chiến tranh được !

    Ngày 30/4/1975 được ký giả nổi tiếng thân Cộng là nhà văn Jean Larteguy ghi lại trong quyển "L'Adieu Saigon": "Sàigòn không được giải phóng. Nó bị một đạo quân xa lạ từ miền Bắc đến chiếm đóng. Sự thật là thế. Chúng tôi 120 nhà báo ngoại quốc ở đây để chứng thật điều ấy…Này anh bộ đội, anh đội mũ sắt từ pháo tháp của xe tăng ló đầu ra cũng giống như bọn lái xe tăng Xô Viết trước đây tàn sát thường dân Tiệp khắc ở Prague, giết công nhân nổi dậy ở Budepest, ở Berlin. Anh từ đâu tới? Từ Hànội, từ Hànội…"

    Đất nước thống nhất, CSVN thực hiện ngay NQ Đại hội Đảng lần III (1960): "giải phóng miền Nam để thiết thực tăng cường phe Xã hội chủ nghĩa" bằng cách đổi tên nước thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, theo đúng khuôn mẫu LX. Cuối năm 1978, Hànội ký hiệp ước hữu nghị với LX, ngay sau đó đưa quân sang Cam Bốt lật đổ chánh quyền Pol Pot, còn LX đưa quân sang Afghanistan. TC liền lên án LX là Đế quốc XH thực hiện chủ nghĩa bá quyền sau khi HK rút lui. Bắc Kinh kêu gọi HK, Tây Âu và Nhật Bản hợp lực với họ chống LX. Thập niên sau, Liên Xô sụp đổ, chiến tranh lạnh kết thúc. Còn VN ngày nay là một trong bốn nước CS cuối cùng với chế độ độc đảng chuyên chính vô sản thì làm sao có dân chủ tự do với tình trạng tụt hậu ngày càng thê thảm.

   Cuộc chiến VN là một canh bạc bịp khổng lồ với những tay chơi đều nặng ký. Vị thế càng cao, bịp bợm càng lớn, chỉ tội người dân bị "sạch túi", chỉ vì họ yêu nước một cách ngây thơ. Người dân bị Trần Bạch Đằng -người yêu nước theo CNCS "bịp". Rồi Đằng lại bị cấp trên "bịp". Cấp lãnh đạo đất nước "bịp" cả đàn anh nên bị Trung Cộng dạy cho bài học vì sự phản bội. Và sau hết là tay "đại bịp" LX, chưa bị coi là kẻ thù vì họ không đưa quân vào đánh VN như bọn thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bành trướng Bắc Kinh. Đế quốc xã hội tinh khôn hơn đế quốc tư bản: không thực hiện chủ nghĩa thực dân "kiểu mới" mà xâm lược "kiểu mới", do những người VN theo CNCS thực hiện, để đánh bại "chế độ thực dân kiểu mới" của Mỹ ở miền Nam VN.

    Chiến tranh lạnh, thực chất là Thế chiến III giữa Quốc tế CS và Thế giới Tự do, hai đối thủ LX và HK "chung sống hòa bình"…Nhưng chiến tranh nóng xảy ra ở VN khi những người CSVN tự nguyện làm tên lính xung kích của phong trào giải phóng dân tộc đứng lên chống chủ nghĩa thực dân đế quốc theo chủ trương của trùm Đỏ Stalin. HK không còn sự lựa chọn nào khác, đành phải can thiệp vào VN -một đối thủ bất cân xứng về mọi mặt cách đất Mỹ gần nửa vòng trái đất. Vì thế, HK không chủ trương giành chiến thắng, như tuyên bố của TT Reagan về binh sĩ Mỹ tham chiến ờ VN: "Các anh chiến đấu trở về không mang theo chiến thắng, không phải các anh bị đánh bại, mà vì người ta không muốn các anh chiến thắng" (They came home without a victory not because they'd been defeated, but because they'd been denied permission to win". (17) Những người CS lại diễn dịch: "đánh mà không thắng tức là thua", nên thừa thắng xông lên, tin tưởng: "Chủ nghĩa đế quốc -giai đoạn phát triển tột cùng của chủ nghĩa tư bản, đang rẫy chết dưới sức đẩy của phong trào giải phóng dân tộc". Nào ngờ, đó lại bước rẫy chết của chính họ. HK đã thắng QTCS với giá quá rẻ so với Thế chiến I và II, đương nhiên họ có bổn phận đối với nạn nhân bất đắc dĩ là VN, với sự đền bù xứng đáng, một khi người Việt chúng ta hiểu được vấn đề.

   Chiến tranh lạnh kết thúc, nhưng mối thân tình giữa Reagan và Gorbachev vẫn không thay đổi. Tháng 4/1981, chưa đầy 6 tuần sau khi mới nhậm chức tổng thống, Reagan nhận được bức thư của tổng bí thư đảng Cộng sản kiêm chủ tịch nước Liên Xô Leonid Brezhnev, tái khẳng định chính sách của LX bằng những lời lẽ cứng rắn. Reagan muốn bắt đầu một thời kỳ tan băng và đáp lại bằng một giọng mềm mỏng hơn.

Ngài Chủ tịch kính mến,
  
Tôi lấy làm tiếc nhưng tôi có thể hiểu được những lời lẽ có phần gay gắt của ngài…Trong bức thư của mình, ngài ám chỉ rằng vì những tham vọng mở rộng lãnh thổ của Mỹ, chúng tôi có những mưu đồ đế quốc và vì vậy là một mối đe doạ đối với an ninh của nước ngài và các quốc gia mới nổi. Không những không có bằng chứng cho lời cáo buộc đó, mà còn có bằng chứng rõ ràng rằng Mỹ, trong khi đã có thể làm bá chủ thế giới mà không gặp nguy hại gì, đã không theo đuổi nỗ lực nào tương tự như thế.


    Khi Thế chiến II kết thúc, nước Mỹ có nền công nghiệp không bị tổn hại duy nhất trên thế giới. Sức mạnh quân sự đạt tới đỉnh cao và riêng mình chúng tôi có thứ vũ khí mạnh nhất, bom nguyên tử, cùng khả năng không cần phải bàn cãi là có thể đưa nó tới bất kỳ nước nào trên thế giới. Nếu chúng tôi muốn làm bá chủ thế giới, ai có thể chống lại chúng tôi? Nhưng nước Mỹ đã đi theo một con đường khác -con đường độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân loại. Chúng tôi sử dụng sức mạnh và sự phồn vinh của mình để xây dựng lại những nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá, bao gồm cả những nước đã từng là kẻ thù của chúng tôi. (18)  


  • Chú thích:
1-    Bài viết của Hồ Hữu Nhựt, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sàigòn 1966-67, Tuổ i trẻ Sàigòn Mậu Thân 1968, NXB Trẻ, TP/HCM, 2003, Tr. 223-225
2-    Bài viết của Trần Bạch Đằng, Sđd, Tr. 53-54.
3-    Hoàng Ngọc Nguyên, Ván bài lật ngửa với Trần Bạch Đằng, Tuần báo Văn nghệ Úc châu, Thứ năm 26/4/2007.
4-    Clayton Jones, Twenty Years Ago: The Tet Offensive – Viet Says: We Were Forced into Tet, The Christian Science Monitor, Vol 80, Feb 1-7, 1988.
5-    Chung một bóng cờ (Về MTDTGPMNVN), NXB Chính trị Quốc gia, Hànội, 1993, Tr.947-48.
6-    Lyndon b. Johnson, The Vantage Point: Perspectives of the Presidency, Redwod Press Ltd, London, 1972, P.595.
7-    Nguyễn Đức Thiện, Diễn tiến và hậu quả HĐ Paris 1973 về Việt Nam, Tự Lực HK, 2005, Tr.162-179.
8-    Trần Văn Trà, Chung một bóng cờ, Sđd, Tr. 305.
9-    Trần Văn Trà, Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm, NXB Văn Nghệ, TP/HCM, 1982, Tr.75-76.  
10-     Don Oberdorpher, Tet, Doubleday & Co.,1971, New York, PP. 329-330.
11-     Ban Nghiên cứu lịch sử đảng trung ương, Bốn mươi lăm năm hoạt động của Đảng Lao động Việt Nam, NXB Sự Thật, Hànội, 1975, Tr. 140-41.
12-14- Lưu văn Lợi - Nguyễn anh Vũ, Các cuộc thương lượng Lê đức Thọ & Kissinger tại Paris,
               Tr. 70 & 75.
15-  Nguyễn Thị Bình, MTDTGP, Chính phủ Cách mạng Lâm thời tại Hội nghị Paris về Việt Nam,
              NXB Chính trị quốc gia, Hànội, 2001, Tr. 40)
16- Lưu văn Lợi, Sđd, Tr. 85-86.
17- Ronald Reagan, Remarks on Presenting the Medal of Honor to Master Sergent Roy P.
             Benavidez (February 24th, 1981)
18- Thư Reagan gửi Brezhnev (7), VN Express, Thứ tư 8/10/2003



Con Dân Nước Việt là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment