*** QUYỀN LỢI TỔ QUỐC & DÂN TỘC LÀ TRÊN HẾT *** KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH ***

2016/12/12

Tết gần đến, VN đang xôn xao chuẩn bị những gì?

Tết gần đến, VN đang xôn xao chuẩn bị những gì?

Khi tôi viết bài này đã là tháng 12 năm 2016 rồi, Lễ Giáng Sinh đang đến và Tết Dương Lịch rất gần và Tết Truyền Thống VN gọi là Tết Âm Lịch (hay nôm na là Tết Ta) cũng còn hơn một tháng nữa thôi. Không khí chuẩn bị đang sôi động, các báo đều xôn xao nhiều đề tài về Tết. Nhất là mấy ông ở tòa soạn đang tất bật kiếm bài, kiếm hình làm báo Tết. Hồi này người Việt thường xem báo trên các trang mạng, rất ít người mua báo hàng ngày như xưa, chỉ có nhà hàng, khách sạn mua vài tờ báo lớn cho khách xem thôi. Báo hàng ngày đều khó bán nên chỉ chờ dịp mới bán được nhiều. Người VN thường có thói quen mua một tờ báo Tết để trên bàn cho khách đến thăm đọc và cả nhà cùng đọc nhưng thật ra bây giờ rất nhiều người có Iphone, Ipad đọc chỗ nào cũng được, nhất là khi phải chờ tàu xe. Tờ báo Tết được dùng như một sản phẩm trang trí thôi.

Có một chuyện mỉa mai nhất là chuyện các quan quên không cấm gia đình bà con anh em không được nhận quà.

Tại sao ở VN lại chưa có việc cấm thân nhân nhận quà?
Nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn 2,647 người và thu thập dữ liệu ở 10 tỉnh, thành; 5 bộ, ngành. Kết quả cho thấy gần 70% số doanh nghiệp và cán bộ, công chức (CBCC) biết rõ việc tặng/nhận quà có mục đích chủ yếu là giúp giải quyết công việc, cảm nhận chung là thành trào lưu, thông lệ, thậm chí là "luật chơi." "CBCC tặng quà cho cấp trên để thể hiện sự biết điều" (theo báo cáo).

Báo cáo chỉ rõ Luật Phòng Chống Tham Nhũng quy định CBCC, quan chức không được nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác từ tổ chức hoặc cá nhân có liên quan tới công việc của mình. Tuy vậy, các quy định này không áp dụng với bất cứ thành viên nào trong gia đình của CBCC. Ở Mỹ, Nam Hàn, hay Singapore, các lãnh đạo, cán bộ ngoài việc không được trực tiếp nhận quà còn phải ngăn không cho vợ/chồng, họ hàng thân thích nhận quà.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp Hội Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao, dẫn chứng CBCC ở Singapore nhận quà trị giá hơn $50 USD là phải nộp nhà nước, nếu muốn giữ lại thì phải trả tiền, ở Mỹ là $375 USD. "Mới đây, báo chí phản ánh Tổng Thống Obama hết nhiệm kỳ sẽ nộp lại quà tặng trị giá $1.5 triệu USD đưa vào bảo tàng. Chuyện đó ở Việt Nam chúng ta ít khi nghe thấy.

Bà Hạnh nói, "Phòng chống tham nhũng nhưng khi kiểm tra lại phát hiện đúng quy trình. Chúng tôi làm việc nhiều với các doanh nghiệp, hỏi họ mong mỏi được hỗ trợ gì từ nhà nước thì họ đều nói xin cán bộ đừng nhũng nhiễu nữa."

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh Tra Chính Phủ (TTCP), khẳng định "xung đột lợi ích là một chế định được phổ biến rộng rãi ở nhiều quốc gia nhưng Việt Nam chưa có vấn đề này."

- Tại sao ở VN lại chưa có việc cấm thân nhân nhận quà. Chỉ cấm cán bộ, viên chức không được nhận quà thôi? Phải chăng đây là "cánh cửa mở ra" cho vợ con anh em mình nhận quà thay mình? Vậy thì chuyện cấm cũng như không. Anh nào cũng có thể mang đến cho "bà nhà" nhận quà, càng nhiều càng tốt. Tất nhiên "bà nhà" sẽ có danh sách đưa cho "ông nhà" để châm chước, ưu ái cho những anh chịu khó mang quà Tết đến nhà.

Việc này ở VN đã thành "luật chơi" vẫn tồn tại từ xưa đến nay, có gì đổi mới đâu. Người quyết định "cấm nhận quà" chỉ làm cho có tiếng là chống tham nhũng cho vui thôi. Đúng Tết là dịp rất vui cho gia đình con cái các quan còn doanh nghiệp phải tính toán lo cho bao nhiêu quan, bao nhiêu cái gọi là cơ quan, lỗ cũng phải lo không thì chết không kịp ngáp. Anh dân đen cũng lo méo mặt kiếm món gì cúng lễ tổ tiên, cho con cái xum họp trong dịp Tết. Đúng là cái cảnh "ngoài tươi trong héo." Tết Tây và Tết Ta ở VN là như thế.

Mùa cưới và chuyện đổi tiền mừng tuổi
Trước Tết lại còn là "mùa cưới," con cháu họ hàng thường cưới vợ lấy chồng vào dịp này. Một ông giáo về hưu và cũng là họ hàng của tôi viết thư than rằng nhận được tới 21 cái thiệp cưới, toàn những cái của họ hàng gần, không đi không được. Mỗi cái tối thiểu cũng phải năm trăm ngàn đồng, đám nào làm tiệc ở nhà hàng 4-5 sao thì phải đi mừng 1 triệu đồng cho phải phép. Trong khi lương hưu của ông giáo chỉ có 3 triệu đồng VN một tháng thôi. Phải chạy vạy ngược xuôi, nhờ con cháu cũng chưa đủ tiền mừng. Lo sốt vó lên đây các cụ ơi.

Lại còn vụ đổi tiền mừng tuổi.

Người VN thường có thông lệ "mừng tuổi" hay còn gọi là tiền "lì xì" cho con cháu vào dịp Tết. Nhiều người phải tìm nơi đổi tiền ngay từ bây giờ.

Tại một dịch vụ đổi tiền, anh Nam cho biết, mới rao nhận đổi tiền được hai hôm đã có rất đông khách hàng có nhu cầu, dù phải hai tháng nữa mới đến tết Nguyên đán. "Hầu hết khách đều đổi đủ các loại tiền lẻ 1,000, 2,000, 5,000 đồng để đi chùa và tiền polymer mệnh giá lớn hơn để mừng tuổi dịp Tết Dương Lịch và để dành luôn tới Tết Âm lịch."

Bên cạnh tiền Việt, đại lý này cũng nhận đổi tiền đô mới với giá 30,000 đồng/tờ 1 USD, 60,000 đồng/tờ $2 USD. Với một số tờ $2 USD quý, hiếm như tờ $2 đô năm 1917 được chủ dịch vụ rao "bán chứ không đổi" với giá hàng triệu đồng.

Chuyện Tết nhất ở VN còn lắm chuyện buồn vui lẫn lộn. Vậy ai vui, ai buồn trong dịp Tết này? Câu trả lời ai cũng biết: Quan lớn thì vui dân thì buồn. Chuyện này đã thành chuyện cổ tích rồi.
Tỉ lệ 80% lượng hàng hóa cho dịp Tết đã được các doanh nghiệp Sài Gòn chuẩn bị xong.
Các mặt hàng sản phẩm bánh mứt kẹo được bày bán khá phong phú ở các đại lý, cửa hàng tạp hóa ở khắp nơi.
Các quan rục rịch đến chúc Tết và tặng quà nhau nhưng vừa bị cấm.

Không được đến chúc Tết thủ tướng và các quan trên
Bộ Trưởng, Chủ Nhiệm Văn Phòng Chính Phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết khi Quốc Hội bầu thủ tướng, phê chuẩn các thành viên chính phủ, thừa lệnh thủ tướng ông đã ký ngay văn bản yêu cầu các địa phương, bộ, ngành không đến tặng hoa chúc mừng thủ tướng, các phó thủ tướng và bộ trưởng.

"Khi ban hành văn bản trên, họ cũng thoải mái vì nếu không đến thì băn khoăn, đến thì xếp hàng đến bao giờ... Tôi là người địa phương tôi biết, mỗi lần Tết đến là lo lắm. Nên việc có công bố như vậy là rất phấn khởi cho các địa phương từ xa xôi. Đây cũng là một cách để thực hiện Chính phủ liêm chính."

- Tết này qua Tết khác, biếu xén thành thói quen không dễ bỏ. Không ít người mất ngủ nếu chưa quà cáp chúc Tết nhà sếp, sợ sếp "không vui," lo cho con đường quan lộ của mình trắc trở rồi lo cho địa phương mình có thể bị cắt bớt hỗ trợ từ trung ương...

Tại sao ông CNVPCP lai lo lắng như thế? Bởi cái tục lệ ở VN đã ăn sâu bén rễ trong các quan rồi kể cả các ông trong đứng đầu các bộ trong chính phủ. Hãy cứ nói các vị rất "liêm chính" nhưng liệu các quan bà ở nhà có liêm chính không? Muốn biết thì phải hỏi các cậu tài xế, các cô gái phải hầu hạ các quan bà sẽ biết ngay. Vẫn còn có "cánh cửa mở" cho các quan mà. Việc gì phải lo.

Đấy là chuyện quan và dân. Còn chuyện ngoài đường đối với các nhà buôn và doanh nghiệp cũng chộn rộn lắm rồi.

Tất bật lo hàng bán Tết
Các doanh nghiệp chuẩn bị số hàng hóa tăng thêm 15% đến 20% so với kế hoạch TP Sài Gòn giao, tăng 25%- 45% so với kết quả thực hiện Tết Bính Thân 2016

Sở Công Thương TP Sài Gòn đã kiểm tra, khảo sát các doanh nghiệp (DN) ở Thành phố và một số tỉnh, ghi nhận tình hình chuẩn bị hàng Tết năm nay cao hơn năm ngoái khoảng 15%-30%. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi tại địa phương đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết với số lượng tăng 2-3 lần so với tháng thường. Các DN bán lẻ cho biết đang tích cực huy động nhiều kênh phân phối để đưa hàng đến tay người tiêu dùng nhanh nhất.

Mới bắt đầu qua tháng 11 âm lịch nhưng các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ sỉ tại TP Sài Gòn đã bày bán hàng Tết. Hiện diện nhiều nhất trên quầy kệ siêu thị, sạp chợ là bánh kẹo, mứt, nước giải khát, thực phẩm công nghệ, giỏ quà tặng... mẫu Xuân. Sôi động, chiếm nhiều diện tích nhất là các mặt hàng bánh kẹo.

Đến nay, thông điệp chính mà các hệ thống siêu thị đưa ra là ổn định giá, bảo đảm chất lượng kèm khuyến mãi "khủng" trong mùa Tết. Các DN đang thi nhau khoe hàng tốt giá rẻ cứ như cuộc cạnh tranh không ngừng.

Nhìn bề ngoài cứ như VN đang phát triển rầm rộ lắm, nhưng thật ra đó chỉ là cái vỏ, còn cái ruột thì nát bét ra rồi và còn đó một nỗi lo hàng giả.

Hàng giả, hàng nhái đánh lừa người dân
Trong buổi làm việc về vấn đề kiểm soát hàng gian, hàng giả vừa diễn ra tại Sài Gòn, ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng thường trực ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho biết, thời gian gần đây, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng diễn biến ngày càng phức tạp và tinh vi.

Lĩnh vực được phát hiện nhiều nhất là mỹ phẩm và thực phẩm chức năng với quy mô lớn. Đáng lưu ý là việc quảng cáo quá phạm vi chuyên môn để đánh lừa người tiêu dùng.

Ông Hùng cho biết thêm, cuối năm là dịp mà các đối tượng xấu lợi dụng nhu cầu tiêu thụ của người dân để tuồn hàng gian, hàng giả ra thị trường, gây nhiều nguy hại cho người tiêu dùng. Đặc biệt, lượng hàng gian, hàng giả nhiều nhất cả nước hiện nay tập trung ở Sài Gòn và Hà Nội.

Theo ông Lê Văn Giang, Cục phó cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y Tế, trong chín tháng đầu năm 2016, các đoàn liên ngành Trung ương và 63 tỉnh thành đã tổ chức kiểm tra 345.106 cơ sở đã phát hiện 56,978 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 16.51%; đã xử lý 13,307 cơ sở (chiếm 23.35% số cơ sở vi phạm), trong đó phạt tiền 8,920 cơ sở với số tiền phạt hơn 26 tỷ đồng.

Riêng kết quả xử lý vi phạm tại Cục An Toàn Thực Phẩm (Bộ Y Tế), từ đầu năm đến ngày 22/11, đã phát hiện, xử lý 86 cơ sở vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 5.5 tỷ đồng. Thu hồi 16 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; tạm dừng lưu thông 18 lô sản phẩm vi phạm...

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh buôn bán, thứ trưởng kêu gọi phải tuân thủ qui định của pháp luật. Đồng thời, khuyến cáo người tiêu dùng hãy sáng suốt lựa chọn sản phẩm.

- Quả thật đây là điều bất lực của cơ quan nhà nước không kiểm soát nổi hàng giả hàng nhái, chưa kể còn có nơi nhân viên kiểm soát "đi đêm" với bọn buôn bán bất lương, hoặc công bố hàng nhái là hàng thật, cụ thể như đã nói ở trên có tới 16 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; tạm dừng lưu thông 18 lô sản phẩm vi phạm. Vì thế người dân chẳng biết đường nào mà "sáng suốt" lựa chọn.

Kiểm tra, kiểm soát và khuyên dân cái kiểu này như đổ hết trách nhiệm cho người dân, "Ông đã nói rồi: sáng suốt mà lựa chọn", sống chết mặc bay. Người dân VN phải nhớ lấy câu này khi đi sắm Tết.

Văn Quang
Viết từ Sài Gòn ngày 12.12.2016

No comments:

Post a Comment