*** QUYỀN LỢI TỔ QUỐC & DÂN TỘC LÀ TRÊN HẾT *** KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH ***

2012/02/14

Mỹ Lo Về Kinh Tế


Mỹ Lo Về Kinh Tế

Trần Khải

Kính tế Mỹ vẫn ở vị trí lớn nhất thế giới, nhưng lại mang nhiều nỗi lo hơn là người nước khác có thể hình dung tới. Có những dấu hiệu để cho thấy Hoa Kỳ đang co cụm, xài cẩn thận hơn: cắt giảm từ ngân sách quốc phòng cho tới giáo dục, từ các dịch vụ an sinh xã hội cho tới chăm sóc y tế.

Có những con số không thể hình dung đối với người ngoài Hoa Kỳ: phân nửa dân Mỹ đang lãnh tiền trợ cấp. Như thế, có vẻ như Mỹ là thiên đàng xã hội chủ nghĩa, khi rất nhiều khối cư dân được chính phủ Mỹ ban phát trợ cấp tiền mặt (welfare, SSI), cấp phiếu thực phẩm hàng tháng (food stamps), tài trợ tiền nhà (housing), trợ cấp sữa và thuốc cho sản phụ và bé sơ sinh (WIC), chăm sóc y tế người già (Medicare), y tế người nghèo (Medi-Cal, tiểu bang khác gọi là Medicaid), ăn trưa miễn phí cho học sinh nghèo (NSLP), giúp vay lãi thấp cho người mua nhà lần đầu (FHA), và đủ thứ trợ cấp khác và vay ưu đãi về giáo dục...

Do vậy, nước Mỹ đang cạnh tranh với các nước khác trong một hoàn cảnh với quá nhiều gánh nặng đang cưu mang (chưa kể tới các gánh nặng chiến tranh).

Bản tin Christian Post tuần này cho biết bản thống kê mới cho thấy gần phân nửa dân số Hoa Kỳ đang sống trong một hộ dân đang lãnh tiền chính phủ trợ cấp: có tới 48.5% dân Mỹ sống trong hộ gia cư lãnh tiền welfare trong quý đầu của năm 2010.

Như thế là đã tăng so với con số 44.4% thời đỉnh cao suy thoái năm 2008. Mức tăng này được tin là tác động từ thất nghiệp cao, hồi phục kinh tế chậm, và vì tăng thêm nhiều chương trình chính phủ.

Thống kê cho thấy 14.5% dân Mỹ hiện đang ở chung nhà với một người đang lãnh Medicare, và 16% dân đang sống chung nhà với một người đang lãnh tiền An Sinh Xã Hội.

Có tới 32.4% dân Mỹ đang lãnh phiếu trợ cấp thực phẩm, đang được trợ giá tiền gia cư và được bảo hiểm y tế từ chính phủ.

Đó là nói về liên bang, còn đơn xin phúc lợi cấp tiểu bang đã tăng 50% trong thập niên qua.

Do vậy, viện nghiên cứu về chính sách thuế Tax Policy Center nói rằng 46.4% dân Mỹ năm nay sẽ không trả thuế thu nhập liên bang.

Tình hình thất nghiệp có thể giảỉ thích về gánh nặng mà Hoa Kỳ đang chịu đựng.

Một con số trên báo San Francisco Chronicle cho thấy đáng ngại:
"Hiện nay đã có tới 88 triệu người Mỹ trong tuổi lao động không có việc làm và không tìm kiếm việc nữa. Tình hình tăng số lượng người ra ngoài thị trường lao động đã làm biến dạng con số tỉ lệ thất nghiệp phổ biến tuần trước. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 8.3% trong tháng 1-2012, thấp nhất trong ba năm, tỉ lệ này không tính tới 88 triệu người Mỹ thất nghiệp và tuyệt vọng không muốn tìm việc nữa. Tỷ lệ số người tham dự trong thị trường lao động giảm còn 63.7% hồi tháng 1-2012, mức thấp nhất kể từ tháng 5-1983." (hết trích dịch)

Nghĩa là, dân số Mỹ hiện nay là gần 313 triệu người (năm 2012), gồm cả già trẻ lớn bé. Trong đó, những người dưới 20 tuổi chiếm 27.3% tổng dân số, và người từ 65 tuổi trở lên chiếm tối 12.8% trong năm 2009.

Tỉ số người trong tuổi lao động tại Mỹ là 49.56% trong năm 2010. Nhưng bây giờ (đầu năm 2012) lại có tới 88 triệu người Mỹ thất nghiệp và tìm việc hoài không được, và bây giờ không tìm việc làm nữa. Do vậy, số người này không được đếm để tính tỉ lệ thất nghiệp.

Theo thống kê, tỉ lệ thất nghiệp chính thức là 8.3% trong tháng 1-2012, nhưng thực tế thất nghiệp ước tính là 17.1% tại Hoa Kỳ, theo phúc trình của Union of Unemployed (unionofunemployed.com).

Thê thảm là như thế. Việc làm đã chạy sang các nước khác rất nhiều rồi.

Trong tình hình đó, số người vô gia cư tại Mỹ trong năm 2011 đếm được là 636,017 người.

Riêng tiểu bang California năm 2011 có 135,928 người vô gia cư, theo phúc trình của National Alliance to End Homelessness.

Tình hình kinh tế và xã hội như thế, Hoa Kỳ tất phải ứng biến với các mâu thuẫn quốc tế không thể nào làm theo kiểu Tổng Thống Bush đóng vai ông Thiện để đi khắp giang hồ trừng phạt kẻ Ác một cách đơn giản.

Ông Obama chắc chắn là suy nghĩ phức tạp hơn ông Bush, vì ông sinh trưởng trong một gia đình nghèo thê thảm, và gia đình Obama cũng từng là những người lãnh đủ thứ trợ cấp. Xa thật xa thì mẹ của Obama khi còn sống cũng từng lãnh welfare để nuôi con. 

Và mới gần đây thì, trong dòng họ có bà cô của Obama là bà cô Zeituni Onyango, đã từ chối về Kenya vì cớ xin tị nạn, và ngay cả trong khi Tòa Di Trú ở Boston xét đơn thì bà cô này lãnh trợ cấp gia cư, phiếu thực phẩm và tiền welfare.

Ai bảo nước Mỹ không có những nan đề tiềm ẩn? Đúng là nước Mỹ giàu, nên mới trợ cấp đủ thứ cho phân nửa dân số, nhưng những thâm thủng ngân sách tất phải giải quyết sớm, vì dùng dằng hoài là sẽ có ngày đuối sức.


Và khi đuối sức, thì dù Biển Đông Thái Bình Dương hay Biển Tây Ấn Độ Dương hốt nhiên có chuyện gì xảy ra, rồi cũng khó mà thuyết phục Quốc Hội và toàn dân Hoa Kỳ để ra sức can thiệp.

Trần Khải
http://www.vietbao.com/D_1-2_2-66_4-187179_15-2/

No comments:

Post a Comment