*** QUYỀN LỢI TỔ QUỐC & DÂN TỘC LÀ TRÊN HẾT *** KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH ***

2011/05/03

Biên bản buổi họp 29 tháng 4 của TT Ford về công tác di tản

Biên bản buổi họp 29 tháng 4 của TT Ford về công tác di tản

 

Vũ Quí Hạo Nhiên

 

LGT. Bài này được đăng lần đầu trên tuần báo Viet Tide làm 2 kỳ vào tháng 2, 2009.

Ðây là bản dịch tài liệu mật của tòa Bạch Ốc đã được giải mật, một biên bản từng lời nói trong cuộc họp Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ.

Tài liệu được đóng dấu Tối Mật ("Top Secret"), đề ngày 28 tháng 4, 1974, và được bạch hóa vào tháng 2, 1995. Sau khi được bạch hóa, hồ sơ này lưu trữ tại Thư Viện Tổng Thống Gerald R. Ford tọa lạc tại Ann Arbor, Michigan, trong khuôn viên đại học University of Michigan.

Ðây là một hồ sơ quý giá phản ánh những quyết định của các nhân vật cao cấp nhất Hoa Kỳ: Tổng Thống Ford, Ngoại Trưởng Kissinger, Bộ Trưởng Quốc Phòng Schlesinger, Tổng Tham Mưu Trưởng Brown, v.v...

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là đây chỉ là một trong nhiều cuộc họp chung, họp riêng, điện đàm, v.v... của những nhân vật này liên quan tới sự kiện ngày 30 tháng 4. Một buổi họp cần được hiểu trong bối cảnh lịch sử của nó, trong đó phải kể tới những cuộc họp khác trước đó.

Riêng buổi họp được dịch ra ở đây diễn ra vào tối ngày 28 tháng 4 giờ Washington DC, tức sáng ngày 29 tháng 4 giờ Sài Gòn. Chủ đề chính và gần như duy nhất của buổi họp là làm sao hoàn tất công tác di tản người ra khỏi Việt Nam.

Trong bản dịch này, những lời trong dấu ngoặc vuông [...]là chú thích thêm của dịch giả.

Cũng nằm trong bài này là phụ lục nguyên văn bức điện do Ngoại Trưởng Kissinger gởi cho Ðại Sứ Graham Martin.

 

***

 

Biên bản buổi họp Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ tối 28 tháng 4, 1975

 

Hiện diện:

Tổng Thống Ford

Phó Tổng Thống Rockefeller

Ngoại Trưởng Kissinger

Bộ Trưởng Quốc Phòng Schlesinger

Tổng tham mưu trưởng, Tướng George S. Brown

Giám Ðốc Tình Báo Trung Ương William Colby

Thứ Trưởng Ngoại Giao Robert Ingersoll

Thứ Trưởng Quốc Phòng William Clements

Trung Tướng Brent Scowcroft, phó cố vấn An Ninh Quốc Gia

W. R. Smyser, nhân viên, Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia

 

TỔNG THỐNG: Hồi chiều Brent Scowcroft có báo cáo có hai quân nhân Thủy Quân Lục Chiến bị thiệt mạng, nên tôi cho rằng chúng ta cần triệu tập buổi họp Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia để bàn về tình hình tại Sài Gòn.

Buổi họp Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia ngày 28 tháng 4 trong phòng Roosevelt tòa Bạch Ốc. Từ trái, theo chiều kim đồng hồ, là: William Colby, giám đốc CIA; Robert S. Ingersoll, thứ trưởng Ngoại Giao; Henry Kissinger, ngoại trưởng; Tổng Thống Ford; James Schlesinger, bộ trưởng Quốc Phòng; William Clements, thứ trưởng Quốc Phòng; Phó Tổng Thống Nelson Rockefeller; Ðại Tướng George S. Brown, tổng tham mưu trưởng; và phía góc dưới là Trung Tướng Brent Scowcroft, phó cố vấn An Ninh Quốc Gia. Hình được lưu trữ tại Thư Viện Tổng Thống Ford tại Ann Arbor, Michigan.

Ai có thể cập nhật tình hình được?

COLBY: Tôi xin phép cập nhật.

Mới đây nhất phía Việt Cộng bác bỏ đề nghị ngưng bắn của [Tổng Thống Dương Văn] Minh. Bây giờ họ đòi thêm một điều kiện thứ ba nữa, là phải giải tán quân lực miền Nam Việt Nam. Biên Hòa đang thất thủ. Việt Cộng đã cắt lối đi về đồng bằng sông Cửu Long và đang tiến về Vũng Tàu.

Tình hình rất nguy hiểm. Phía Bắc Việt đang mang pháo binh vào tầm bắn tới phi trường Tân Sơn Nhứt. Hồi 4 giờ sáng họ bắn một loạt hỏa tiễn vào Tân Sơn Nhứt. Ðó chính là cái giết hai người Thủy quân lục chiến. Sau loạt hỏa tiễn là tới trọng pháo 130mm. Một số pháo này rớt trúng phía Mỹ chứ không phải chỉ phía Việt Nam như đêm qua.

Có 3 chiếc máy bay bị bắn hạ. Ðều là của Việt Nam. Một chiếc C-119, một chiếc A-1, và một chiếc trực thăng A-37. Chiếc đó [A-37] bị hỏa tiễn SA-7 bắn. Sự hiện diện của hỏa tiễn này làm độ rủi ro tăng rất nhiều.

[SA-7 là tên do NATO đặt cho một loại hỏa tiễn phòng không của Liên Xô, bắn bằng súng vác vai. Liên Xô gọi hỏa tiễn này là Strela-2. Cộng sản Việt Nam gọi hỏa tiễn này là A-72.]

TỔNG THỐNG: Hỏa tiễn với hỏa lực kia ngưng chưa.

COLBY: Chưa. Vẫn còn tiếp diễn.

SCHLESINGER: Tin mới nhất là có trọng pháo bắn vào phi trường. Chúng tôi dự định đưa một loạt C-130 vào để bốc cơ quan DAO (Defense Attache Office - [Phòng Tùy Viên Quân Sự, là cơ quan thay thế MACV sau hiệp định Paris]). Họ hy vọng đáp xuống được, nhưng trạm không lưu tại chỗ nếu thấy không nên đáp thì có thể ngăn không cho. Bộ Binh Bắc Việt đang ở cách Tân Sơn Nhứt 1 km và vẫn đang tiến tới.

Trước buổi họp Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia ngày 28 tháng 4, Tổng Thống Ford họp riêng với Phó Tổng Thống Nelson Rockefeller và Ngoại Trưởng Henry Kissinger trong phòng bầu dục để bàn về việc di tản người ra khỏi Sài Gòn. Hình được lưu trữ tại Thư Viện Tổng Thống Ford tại Ann Arbor, Michigan.

COLBY: Lực lượng này vào cỡ trung đội, khoảng một hay hai trung đội.

TỔNG THỐNG: Chúng ta không nên dựa quyết định của mình vào hai trung đội. Cỡ là bao nhiêu quân?

SCHLESINGER: Khoảng 100.

TỔNG THỐNG: Lần cuối cùng các ông được báo là đang có pháo kích là lúc nào?

SCHLESINGER: Mới khoảng 30 phút đây.

TỔNG THỐNG: Tình trạng phi đạo ra sao?

SCHLESINGER: Còn đáp được.

TỔNG THỐNG: Hiện giờ có máy bay C-130 nào đang trên mặt đất tại đó không?

SCHLESINGER: Chỉ có một chiếc thôi, mà bị trúng đạn rồi. Chúng tôi đang nạp vũ khí và bom vào máy bay ở Thái Lan. Máy bay của chúng ta đang bay và sẵn sàng để yểm trợ, nhưng hiện giờ thì đang ở ngoài khơi.

TỔNG THỐNG: Bom đó bom nào, có phải loại bom thông minh không? 

BROWN: Bom sắt bình thường. Những máy bay này không mang bom thông minh được trừ phi có lắp thêm thiết bị đặc biệt.

TỔNG THỐNG: Hiện có bao nhiêu người của DAO đang chờ ở phi trường?

SCHLESINGER: Khoảng 400, kể cả nhân viên hợp đồng.

TỔNG THỐNG: Nếu mấy chiếc C-130 có thể đáp được, nên cho chúng đáp xuống. Mình có bao nhiêu chiếc?

BROWN: Chúng tôi dự định bay 70 chuyến, với 35 máy bay mỗi chiếc bay hai chuyến.

TỔNG THỐNG: Ai sẽ quyết định có cho máy bay vào hay không?

BROWN: Người không lưu tại chỗ, ở Tân Sơn Nhứt.

TỔNG THỐNG: Nếu cuộc tấn công này tiếp diễn thì anh đó có cho máy bay vào không?

BROWN: Nếu là trọng pháo thì anh ta sẽ xua đi, còn nếu là hỏa tiễn thì anh ta sẽ cho vào.

Hôm qua anh ấy có nhận được tin tình báo rằng một đơn vị pháo binh dự định bắn vào hai mục tiêu. Bây giờ thì chúng đã bắn trúng hai mục tiêu đó rồi. Một bãi đậu máy bay và một sân vận động đang dùng để chuyển tiếp.

TỔNG THỐNG: Chuyển tiếp người Việt Nam?

BROWN: Vâng.

KISSINGER: Pháo đó là hỏa tiễn hay trọng pháo?

SCHLESINGER: Không biết chắc.

BROWN: Ðiều làm tôi lo lắng hơn cả trọng pháo và báo cáo cho biết có máy bay bị SA-7 bắn hạ. Trực thăng với máy bay không có cách nào phòng vệ chống SA-7 cả. Chỉ có một cách là đánh lạc hướng bằng cách thả mồi bẫy nhiệt, nhưng mà tôi không biết là máy bay chúng ta đang dùng có khả năng làm chuyện đó không. Tất nhiên, chúng tôi sẽ phải thực hiện nhiệm vụ, nhưng nếu độ rủi ro quá cao, chúng ta có thể sẽ phải ngưng cuộc bốc người.

TỔNG THỐNG: Rủi ro có cao quá hay không thì phải do người có mặt tại chỗ đánh giá. Tự chúng ta không đánh giá được. Vậy có nghĩa là chúng ta phải nhanh chóng bốc người của DAO ra cũng như của Ðại Sứ Quán. Ðó là một cách.

Nếu họ [máy bay C-130] đáp được, họ nên tiếp tục như trước. Nhưng nếu họ thấy quá nguy hiểm thì hai chiếc C-130 cuối cùng sẽ phải đưa DAO ra.

Tôi cho rằng chúng ta sẽ tiếp tục nếu nhân sự tại chỗ cho là điều kiện vẫn cho phép, nhưng nếu chỉ còn bay được 2 chuyến C-130 nữa thôi thì 2 chuyến này sẽ phải bốc người của DAO chứ không phải người Việt Nam.

KISSINGER: Tôi có nói chuyện với [Ðại sứ] Graham Martin rồi. Tôi thấy đằng nào thì DAO cũng phải bay ra. Tôi cũng nghĩ là Ðại Sứ Quán cần phải mỏng bớt đi. Nếu đến nước chúng ta phải oanh tạc hỗ trợ [cuộc di tản], chúng ta phải rút người Mỹ ra. Nếu không, sẽ quá nguy hiểm.

Bức điện do Ngoại Trưởng kiêm Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Kissinger gởi Ðại Sứ Graham Martin ra lệnh di tản.

SCHLESINGER: Hiện giờ chúng ta không có thẩm quyền oanh tạc hỗ trợ. Chúng ta chỉ có quyền bay trực thăng bốc người thôi.

TỔNG THỐNG: Nếu mình chờ cho đến lúc họ bắn rồi mới bắn trả thì thế nào cũng mất vài chiếc trực thăng vì đạn SA-7.

SCHLESINGER: Vũ khí đó khó chống lại lắm.

BROWN: Mình không làm gì được nó [hỏa tiễn SA-7] cả.

TỔNG THỐNG: Ta có thể có khu trục cơ bảo vệ trên không được không?

BROWN: Bất cứ lúc nào tổng thống muốn. Chúng tôi có sẵn cả máy bay tiếp nhiên liệu nữa.

TỔNG THỐNG: Mình cũng nên có máy bay bảo vệ trên không cho mấy chuyến C-130 chứ?

BROWN: Ðiều đó mình làm được, như Jim Schlesinger hồi nãy nói. Khu trục cơ và phi cơ tiếp nhiên liệu đều sẵn sàng rồi.

TỔNG THỐNG: Bao lâu nữa thì mình có thể đưa khu trục cơ vào được?

SCHLESINGER: Có hai vấn đề ở đây. Trước hết, nếu đến mức ta cần phải có khu trục cơ yểm trợ, thì mình đã phải rút hết ra rồi.

KISSINGER: Tôi cho là nếu họ thấy có khu trục cơ bảo vệ, sẽ có lợi cho chúng ta.

TỔNG THỐNG: Nếu ta có khu trục cơ bay bảo vệ nhưng không dùng [ý nói chỉ bay chứ không oanh tạc], họ vẫn sẽ có radar để thấy ta có mặt.

BROWN: Phía pháo binh không có [ý nói không có radar]. Các đơn vị bắn SA-7 cũng không.

Tôi cho rằng chúng ta không nên đưa khu trục cơ vào cho tới khi chúng ta sẵn sàng sử dụng chúng. Mức hiểm nguy tới mức là khu trục cơ chỉ nên dùng có mục tiêu, chứ không phải chỉ bay cho radar nhìn thấy.

SCHLESINGER: Cũng có thể họ chỉ mới bắn để cho mình đau thôi, mình đưa khu trục cơ vào coi chừng họ lại đánh mạnh hơn.

KISSINGER: Cũng có thể có ảnh hưởng ngược lại. Ngay cả nếu như các đơn vị tại chỗ không thấy máy bay của ta trên radar, bộ chỉ huy cao cấp ở Hà Nội thế nào cũng biết rất nhanh. Tôi không cho rằng họ sẽ tấn công mạnh hơn.

SCHLESINGER: Lệnh tấn công có thể đã có sẵn rồi.

BROWN: Tôi cho là đối phương đã quyết định đánh hết mức rồi. Hồi nãy có nhắc tới vài trung đội; phía sau còn nhiều nữa. Họ đến bằng cùng lối đi như hồi Tết [Mậu Thân]. Họ đang chuẩn bị một trận huyết chiến Tân Sơn Nhứt.

TỔNG THỐNG: Nếu chúng ta quyết định cho khu trục cơ bảo vệ, chúng ta sẽ phải di tản cả Sài Gòn chứ không chỉ có Tân Sơn Nhứt. Bao lâu nữa thì mình biết C-130 có đáp được không?

BROWN: Nội trong một giờ. Chúng tôi có đường dây trực tiếp đến Graham Martin.

KISSINGER: Tôi thấy chúng ta có ba điều cần quyết định:

- Trước hết, tiếp tục [di tản người] trong bao lâu, và C-130 có nên chỉ bốc người Mỹ hay bốc luôn cả người Việt. Dù gì đi nữa thì chắc chắn là hôm nay là ngày cuối cùng để dùng phi cơ. [Nguyên văn: "fixed wing" tức phi cơ có cánh bất động, để phân biệt với trực thăng.]

- Thứ nhì, tổng thống có muốn khu trục cơ bay bảo vệ trên bầu trời Tân Sơn Nhứt hay bất cứ chỗ nào khác chúng ta dùng để bốc người di tản.

- Thứ ba, có nên ra lệnh dùng hỏa lực yểm trợ không. Trong vấn đề này, tôi đồng ý với Jim [Schlesinger] là chỉ nên dùng khi di tản người Mỹ mà thôi.

Mối lo của tôi là chuyện cân bằng chuyện gây cho đối phương đánh hết mức khi họ chưa quyết định như vậy. Tôi cho rằng nếu họ thấy không quân Mỹ yểm trợ ảnh hưởng sẽ tốt.

SCHLESINGER: Tôi thấy chúng ta vẫn có thể vào cuộc với ít quân cụ hơn.

CLEMENTS: Nếu tổng thống quyết định ngày hôm nay là ngày cuối cùng để di tản người dân sự, chúng tôi có thể tiến hành theo hướng đó.

TỔNG THỐNG: Tôi cho là vậy. Hôm nay là ngày cuối cùng để di tản người Việt Nam.

KISSINGER: Vậy thì DAO cũng phải ra chung với họ.

BROWN: Trở lại chuyện đối phương có nhìn thấy không quân yểm trợ không: Chúng tôi đang bay phi cơ CAP của Hải Quân bên trên máy bay yểm trợ và Gayler [đô đốc, tư lệnh Thái Bình Dương] đã ra lệnh cho họ phá sóng radar của hỏa tiễn SA-2.

TỔNG THỐNG: Mình phá sóng SA-7 được không?

BROWN: No. Hỏa tiễn đó tầm nhiệt.

SCOWCROFT: Chúng tôi vừa nhận được báo cáo cho biết phi trường vẫn tiếp tục bị pháo. Hai trung đội Bắc Việt vẫn đứng tại nghĩa trang gần Tân Sơn Nhứt. Chiếc C-119 bị bắn là ở phía trên phi trường, chiếc kia bị bắn chỗ khác. Chúng tôi cũng được biết là C-130 vẫn đang trên đường đến nhưng không đáp xuống.

SCHLESINGER: Phía Bắc Việt có 4,000 đặc công ở Sài Gòn. Họ sẽ tấn công tòa đại sứ nếu phía chúng ta nổ súng.

KISSINGER: Tôi cho là, nếu ta mà bắn thì sẽ phải rút toàn bộ Ðại Sứ Quán đi. Chúng ta có thể nghĩ tới chuyện để lại một nhóm hạt nhân những người tình nguyện, nhưng tôi thì sẽ rút hết mọi người ra. Phía Bắc Việt có ý định hạ nhục chúng ta và nếu chúng ta để người lại thì không khôn chút nào.

TỔNG THỐNG: Tôi đồng ý. Mọi người sẽ phải đi cả.

Tới bây giờ chúng ta đã quyết định hai điều:

- Trước hết, hôm nay là ngày cuối cùng để di tản người Việt Nam.

- Thứ nhì, nếu chúng ta nổ súng, người của ta đều đi cả.

TỔNG THỐNG: Chúng ta đã sẵn sàng việc bốc người bằng trực thăng chưa?

BROWN: Rồi. Nếu Tổng thống hay Ðại Sứ Martin yêu cầu, chúng tôi có thể đưa trực thăng đến nội trong một giờ.

KISSINGER: Tôi tóm tắt lại lệnh của tổng thống là người Việt phải được đưa ra hôm nay, còn DAO và hầu hết Ðại Sứ Quán nên đi ra cùng với các chuyến phi cơ.

TỔNG THỐNG: Tôi muốn họ [DAO và Ðại Sứ Quán] nên được đưa ra dần từng đợt.

KISSINGER: Chúng ta nên để lại một nhóm nhỏ nhân viên ở Ðại Sứ Quán. Nếu cần tới hỏa lực yểm trợ, chúng ta sẽ tiến đến việc giải tán toàn bộ người Mỹ. Nếu chúng ta phải rút ra, ưu tiên sẽ là rút người Mỹ.

SCHLESINGER: Chúng ta nên rút người trong Ðại Sứ Quán ra hôm nay.

KISSINGER: Vâng. Chúng ta không nên để lộ ra chuyện hôm nay là ngày cuối cùng giải tán dân sự.

PHÓ TỔNG THỐNG: Báo chí biết vụ hai quân nhân Thủy Quân Lục Chiến bị chết chưa?

SCHLESINGER: Họ biết rồi. Chúng ta sẽ chờ xem bốn tư lệnh binh chủng [Bộ Binh, Hải Quân, Không Quân, Thủy Quân Lục Chiến] phản ứng ra sao.

BROWN: Ông bộ trưởng có nói là người Mỹ phải được ưu tiên nếu chúng ta ngưng cuộc bốc người, nhưng chúng ta không biết được điều này. Chúng ta đâu có thể biết trước được chuyến bay nào là chuyến cuối cùng.

SCHLESINGER: Chúng ta nên ngầm cho họ quyền ưu tiên.

TỔNG THỐNG: Chúng ta sẽ để cho Tướng Smith đưa dần dần người Mỹ vào cuộc di tản.

[Thiếu Tướng Homer D. Smith trong chức vụ tùy viên quân sự là chỉ huy trưởng cuối cùng quân đội Mỹ tại Việt Nam.]

KISSINGER: Nếu người Mỹ đi lên chuyến bay đầu tiên, tình hình sẽ không kiểm soát được. Chúng ta phải giãn người ra. Nhóm cần ở lại tới sau cùng là nhóm lo việc di tản người Việt Nam. Những người khác cần phải đi hết.

TỔNG THỐNG: Mình cần pha trộn vào từ từ. Chúng ta không muốn để quá nhiều người ở khúc cuối.

BROWN: Tôi không muốn thấy đám đông người Mỹ đứng ngẩn ngơ chờ chuyến bay cuối cùng.

SCHLESINGER: Henry à, có một vấn đề chúng ta cần tính tới. Khi tới cuối ngày và người ta biết là đã hết di tản, điều đó có gây hoảng loạn trong tòa Ðại Sứ không?

KISSINGER: Tôi cho là, với chính quyền mới lên nắm quyền, chúng ta cũng hết bổn phận.

Dù không có vụ pháo kích, chúng ta vẫn có thể sẽ phải thấy sự thay đổi của chính phủ Minh từ một chính phủ thân Mỹ qua trung lập rồi qua chống Mỹ. Ðiều này có thể xảy ra nội trong một tuần.

Ðể trả lời câu hỏi của anh, có thể có hoảng loạn. Cũng có thể khiến cho chính quyền quay sang chống lại chúng ta. Nhưng với 150 người thì tình hình kiểm soát được.

TỔNG THỐNG: Chúng [ý nói phi cơ] chỉ cách có 1 tiếng đồng hồ. Ngay là cuối ngày nếu tình hình trở nên xấu hơn, chúng ta vẫn còn đi kịp.

BROWN: Chúng ta chỉ cách có 25 phút, tính từ thuyền vào tòa đại sứ. Chúng tôi có thể đi ngay nếu có lệnh của tổng thống hoặc Graham Martin.

SCHLESINGER: Cũng có nguy cơ bị tấn công ban đêm.

KISSINGER: Tôi cho rằng tòa Ðại Sứ không có nguy cơ bị tấn công một cách có quy củ như bên DAO.

Tôi cho rằng nội trong ngày mai tổng thống sẽ phải quyết định có đưa toàn bộ Ðại Sứ Quán đi tối mai không. Ông sẽ giảm thiểu sự hoảng loạn nếu không đưa Ðại Sứ Quán vào Tân Sơn Nhứt. Vì vậy mình cần khuôn viên tòa Ðại Sứ làm nơi di tản.

Tôi cho rằng chúng ta nên đưa ai ra được hôm nay thì đưa ra, rồi sẽ quyết định về Ðại Sứ Quán ngày mai.

TỔNG THỐNG: Ngộ nhỡ C-130 không đáp được; nếu vậy chúng ta không đưa người ra bằng phi cơ được.

KISSINGER: Khi đó có thể quay sang giải pháp bốc người khẩn cấp ngay trong khuôn viên DAO và tòa đại sứ, và mình không có cách nào khác hơn là di tản toàn bộ. Rồi lúc đó cũng có thể sẽ phải ra lệnh cho hỏa lực yểm trợ.

SCHLESINGER: Tôi cho là chúng ta vẫn nên cố gắng đưa C-130 vào.

BROWN: Về mức sẵn sàng thì chúng tôi sẵn sàng đưa người ra phía Tân Sơn Nhứt hơn là ở tòa Ðại Sứ, vì ở chỗ đó chúng ta cần cho nổ phá cây và dẹp bãi đậu xe.

TỔNG THỐNG: Trước hết chúng ta cần xem chuyện gì xảy ra ở Tân Sơn Nhứt. Rồi sau đó sẽ phải bốc người ở DAO và tòa Ðại Sứ.

KISSNGER: Nếu đối phương tiếp tục tấn công, điều đó có nghĩa họ đang muốn bóp nghẹt chúng ta. Vậy chúng ta cần đưa hết mọi người ra.

TỔNG THỐNG: Ai sẽ là người thực hiện [mệnh lệnh hôm nay]?

KISSINGER: Tôi đề nghị chúng tôi thảo một bức điện, thông qua với Jim [Schlesinger] và George [Brown], rồi đưa tổng thống duyệt. Sau đó chúng tôi sẽ gởi cho Graham Martin. Jim có thể gởi cùng bức điện cho Gayler qua đường dây của ông.

Như vậy mọi người đều biết chúng ta cần làm gì.

CLEMENTS: Nếu chúng ta không đáp C-130 được, chúng ta sẽ cần ra quyết định quan trọng vào nửa đêm hoặc 1 giờ khuya.

TỔNG THỐNG: Quyết định đó sẽ là có nên rút hết không.

SCHLESINGER: Chúng ta có nên đánh giảm bớt trọng pháo trước không?

BROWN: Ðối với các chuyến trực thăng, tôi không quan tâm đến trọng pháo nếu chúng bắn vào phi trường. Nhưng nếu bắn vào DAO hay tòa Ðại Sứ thì chúng ta không vào được. Trong trường hợp thứ nhất, chúng ta hy vọng họ không di chuyển quá nhanh. Trong trường hợp thứ nhì, chúng ta có thể sẽ phải hủy diệt.

KISSINGER: Nhưng ông sẽ có phi cơ yểm trợ mà.

TỔNG THỐNG: Phi cơ yểm trợ bây giờ đang ở đâu.

BROWN: Tôi khuyên rằng phi cơ yểm trợ nên vào lúc chúng ta dùng trực thăng bốc người.

TỔNG THỐNG: Chúng ta có thể chờ xem C-130 có đáp được không. Nếu không, chúng ta sẽ phải chọn phương án 3 [bốc bằng trực thăng với hỏa lực và phi cơ yểm trợ]. Quyết định đó sẽ do việc C-130 có hay không vào được.

Ðồng ý không? (Mọi người gật đầu.)

***

 

Phụ Lục

Ngay sau buổi họp Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia, Ngoại Trưởng Kissinger gởi bức điện sau đây (xem hình đính kèm) đến Ðại Sứ Graham Martin tại Sài Gòn.

 

Gởi từ: Tòa Bạch Ốc

Gởi đến: Ðại sứ quán Mỹ Sài Gòn

Người nhận: Ðại Sứ Graham Martin

Người gởi: Henry A. Kissinger

 

1. Tổng thống đã họp với Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia và đã quyết định như sau:

-Nếu hôm nay phi trường còn mở để đáp phi cơ có cánh cố định, ông sẽ tiếp tục di tản người Việt Nam bị nguy hiểm cao bằng phi cơ . Ông cũng phải di tản nội trong ngày hôm nay tất cả nhân viên Mỹ tại Tân Sơn Nhứt cũng như tất cả, trừ nhân sự tối thiểu, tại tòa Ðại Sứ.

-Dù điều này ông không nên nói ra, nhưng hôm nay sẽ là ngày cuối cùng nhắc lại cuối cùng di tản bằng phi cơ tại Tân Sơn Nhứt.

-Nếu phi trường không dùng được để đáp phi cơ, hoặc vì hỏa lực địch mà trở thành không sử dụng được, ông phải ngay lập tức chuyển sang dùng trực thăng giải tán tất cả nhắc lại tất cả người Mỹ, ở cả khuôn viên DAO lẫn tòa Ðại Sứ. Sẽ có khu trục cơ và hỏa lực yểm trợ nếu cần trong trường hợp di tản người bằng trực thăng.

2. Ðô Ðốc Gayler sẽ nhận được chỉ thị y hệt như này từ phía Quốc Phòng.

3. Thân ái.



Con Dân Nước Việt là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment