*** QUYỀN LỢI TỔ QUỐC & DÂN TỘC LÀ TRÊN HẾT *** KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH ***

2012/08/29

Người chụp cảnh tự thiêu 1963 qua đời


Cập nhật: 13:02 GMT - thứ ba, 28 tháng 8, 2012
Bức ảnh hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu
Bức ảnh đã gây chấn động thế giới

Nhiếp ảnh gia Malcolm Browne, nổi tiếng nhất với bức ảnh chụp cảnh tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức, qua đời hôm 27/8.
 
Tấm ảnh lịch sử, được ông chụp ngày 11/6/1963 khi đang làm cho AP, đã khiến dư luận quốc tế bị sốc, đánh dấu bước ngoặt của khủng hoảng Phật giáo và dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Hãng tin AP cho biết ông qua đời vào tối thứ Hai 27/8 ở tiểu bang Hoa Kỳ New Hampshire.

Ông được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson năm 2000 và trải qua những năm cuối đời trên xe lăn.

Người vợ gốc Việt, mà ông gặp ở Sài Gòn, cho biết ông được xe cấp cứu đưa vào bệnh viện tối 27/8 và rồi qua đời.

Tấm ảnh lịch sử
Sinh năm 1931 ở New York, Malcolm Browne tốt nghiệp đại học với bằng hóa học.

Ông nhập ngũ năm 1956 và được gửi đến Hàn Quốc để lái xe tăng. Nhưng tình cờ ông viết báo cho một tờ báo quân đội, và từ đó quyết định đổi sang nghiệp báo chí.

Ông gia nhập hãng tin AP năm 1960 và được gửi đến Sài Gòn một năm sau để dẫn dắt văn phòng.

Hai đồng nghiệp, nhiếp ảnh gia Horst Faas và nhà báo Peter Arnett, cùng có mặt ở Sài Gòn trong năm đó. Bộ ba này, vào năm 1966, sẽ giành giải Pulitzer cho tường thuật của họ về Việt Nam.

Những người này, cùng các phóng viên đến miền Nam Việt Nam đầu tiên như David Halberstam, Neil Sheehan, Charles Mohr, Nick Turner, viết nhiều về tham nhũng và yếu kém quân sự.

Họ bị những người chỉ trích ở Sài Gòn và Washington cáo buộc là giúp đỡ đối thủ cộng sản.

Vào ngày 11/6/1963, xảy ra cuộc tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức ở ngã tư đại lộ Phan Đình Phùng và phố Lê Văn Duyệt, phản đối chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo.

Mặc dù nhiều phóng viên phương Tây được báo trước về sự kiện, nhưng chỉ có Browne tin tưởng và có mặt để chứng kiến.

Các tấm ảnh chụp cảnh vị hòa thượng tự thiêu trong cao trào khủng hoảng chính trị ở miền Nam đã được truyền đi khắp thế giới.

Tại Nhà Trắng, Tổng thống Kennedy nói với ông Henry Cabot Lodge, sắp sửa làm Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, rằng ông "bị sốc" vì các tấm ảnh và rằng "chúng ta phải làm gì về chế độ đó".

"Đó là sự mở đầu nổi loạn, và nó kết thúc bằng việc lật đổ và giết ông Diệm," ông Browne hồi tưởng vào năm 1998.

Năm 1964, ông cùng với David Halberstam của báo New York Times nhận chung giải Pulitzer nhờ tường thuật ở Việt Nam.

No comments:

Post a Comment