*** QUYỀN LỢI TỔ QUỐC & DÂN TỘC LÀ TRÊN HẾT *** KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH ***

2011/03/10

Câu chuyện Quốc Hội nước ta

Câu chuyện Quốc Hội nước ta

Phạm Quế Dương


Lại sắp có bầu cử Quốc hội, cho nên đài phát thanh, đài truyền hình, báo giấy… ngày ngày nói đến Quốc hội và bầu cử Quốc hội. Báo chí không chỉ đăng công khai yêu cầu chọn người tài để nâng cao chất lượng Quốc hội mà còn ghi cả những thắc mắc về tỷ lệ phần trăm người ngoài đảng trong Quốc hội. Cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An qua những ý kiến phát biểu rất tiên tiến, một mặt đòi hỏi Quốc hội phải được thực thi quyền lực giám sát tối cao đối với chính phủ; một mặt yêu cầu tước bỏ quyền lập hiến để trả lại quyền phúc quyết Hiến pháp cho nhân dân như Hiến pháp 1946 của ta đã ghi. Ông An bảo rằng Quốc hội vừa lập hiến, vừa lập pháp tức là vừa đá bóng vừa thổi còi.

Không khí sôi nổi đó làm cho nhiều người thấy như ta đang "dân chủ gấp triệu lần hơn" và ngỡ ngàng trước một số ý kiến vừa mới lạ, vừa mạnh bạo.Tuy nhiên mấy bạn trẻ giỏi intơnet thì bảo rằng tất cả những ý kiến ấy đã được các nhà dân chủ kỳ cựu như Nguyễn Văn Trấn, Trần Độ, Nguyễn Hộ, Trần Lâm… nói từ lâu rồi. Người nói nhiều nhất về vấn đề này là Nguyễn Thanh Giang. 

Một bạn trẻ công phu sưu tầm mấy bài viết từ thư viện mạng của ông Nguyễn Thanh Giang cho tôi đọc lại. Tôi đã đọc chăm chú và thích thú. Tôi xin trích dẫn hầu bạn đọc một số ý kiến đã trình bày trong đó như sau: 

a) Cách đây 19 năm, trong thư gửi lãnh đạo đề ngày 8 tháng 01 năm 1992 đề thảo luận về dự thảo sửa đổi hiến pháp Việt Nam 1980, ông Nguyễn Thanh Giang đã đề nghị nên rạch ròi giữa lập pháp và hành pháp: 

" Nên bỏ hai chữ "nhất thiết" trong câu: "ngoài Thủ tướng, các thành viên khác của chính phủ không nhất thiết phải là đại biểu quốc hội" (trong Điều 107 của Hiến pháp). Muốn có sự phân biệt tương đối rõ giữa quyền lập pháp và hành pháp thì đại biểu quốc hội không nên kiêm nhiệm những chức vụ lãnh đạo trong hệ thống hành pháp và tư pháp. Vả chăng từ khóa tới, đại biểu quốc hội cần hoạt động thực sự, nên phải dành thời giờ thỏa đáng cho công việc của quốc hội, không còn đủ thời gian và tâm trí để làm việc của chính phủ".

Lúc này Thanh Giang đang vừa phải làm công tác quản lý, vừa tham gia cùng 2 nhà khoa học Mỹ trong đề án nghiên cứu Địa Vật lý thềm lục địa Nam Việt Nam (Tôi biết việc này qua chú em tôi tên là Thịnh cùng công tác ở Tổng cục Địa chất với Thanh Giang ).

Điều kỳ lạ là ngay từ bản thảo luận về Hiến pháp cách đây 19 năm ấy Thanh Giang đã đề nghị cho đồng bào ta ở nước ngoài được giữ quốc tịch Việt Nam, trong khi Đảng coi họ nếu không là kẻ thù thì cũng nhìn nhận bằng con mắt rất kỳ thị. Đặc biệt hơn, ông Nguyễn Thanh Giang còn đả phá chủ trương chỉ nhăm nhe lợi dụng, khai thác Việt Kiều mà yêu cầu Nhà nước phải đặt vấn đề quan tâm bảo vệ, đùm bọc bà con mình ở nước ngoài:

" Vấn đề đồng bào ta định cư ở nước ngoài phải được xem là một trong những vấn đề lớn của quốc gia, của dân tộc. Cần đặt vào đây những nhiệm vụ chiến lược và đưa vào phạm trù của những quốc sách. Đồng bào ta đã ra đi từ năm 1975 và lại đang ra đi từ khi Đông Âu tan rã và Liên Xô sụp đổ. Bởi vậy, vấn đề này đã và đang phát sinh và phát triển rất mới lạ. Muốn hạn chế sự xuất hiện của các lực lượng chống đối, đồng thời tranh thủ sức đóng góp to lớn của những cộng đồng người Việt Nam này, cần quan tâm thực sự đến họ với tấm lòng ưu ái của máu mủ ruột thịt. Cần tỏ ra rằng chúng ta vẫn xem cộng đồng những người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận của nhân dân Việt Nam.

Đề nghị tách Điều 5 Chương 1 thành hai điều. Một trong hai điều đó sẽ được ghi là: "Nhà nước Việt Nam là nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết tương trợ giữa các dân tộc. Nhà nước tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quan hệ với gia đình, quê hương, được giữ quốc tịch Việt Nam và được trở về tái định cư trên đất nước Việt Nam khi có nguyện vọng
".

b) Bàn về tỷ lệ người ngoài Đảng trong Quốc hội, Thanh Giang cùng từng trình bày rất thuyết phục: 

"Tại sao lại ấn định tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng chỉ được 10% trong khi số người ngoài Đảng chiếm tới hơn 90% mà đảng viên chỉ khoảng chưa đầy 4% dân số ? Đây là biểu thị sự khinh miệt nhân dân hay sự ngạo mạn quá đáng của những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam? Quốc hội này là quốc hội của cả nước hay chỉ của đảng Cộng sản Việt Nam?

Điều 53 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam quy định: "Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương …". Điều 63 còn bổ sung thêm: "Công dân nam nữ có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình". 

Ba triệu đảng viên được quyền chiếm 450 ghế Quốc hôi, trong khi khoảng 50 triệu cử tri ngoài Đảng chỉ được 50 nghế. Có nghĩa là mỗi đảng viên được hưởng quyền " tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước " lớn gấp ( 450/3 triệu : 50/50 triệu = ) 150 lần một công dân ngoài đảng. Thế thì còn gì có " quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị … " như điều 63 của Hiến pháp quy định ! Riêng trong lĩnh vực này đã thấy Đảng ngang nhiên vi phạm Hiến pháp để tự cho mình mặc sức tham nhũng quyền lực"(
)( Bài " Phải thật sự đổi mới cuộc bầu cử Quốc hội khóa 12 " viết ngày 12 tháng 3 năm 2007). 

"Nghĩ cũng lạ, một khối nhân dân đã sinh ra Ðảng, từng giúp Ðảng lập nên tất cả các chiến tích, là nguồn bổ sung nhân sự cho Ðảng, có số lượng gấp mấy chục nghìn phần trăm Ðảng mà trầy trật không có nổi vài chục phần trăm đại diện trong cái tổ chức biểu hiện quyền lực chính trị của mình.

Nhớ lại Quốc hội đầu tiên của chúng ta, trong số 333 đại biểu tiêu biểu cho nhân dân cả nước, đã cử ra được nội các chính phủ gồm 20 thành viên, trong đó chỉ có 6 là cộng sản. Vậy mà Quốc hội khóa 1 với chính phủ đa số ngoài Ðảng ấy đã tập hợp được nhân dân cả nước làm nên được những kỳ tích đáng ghi nhận nhất trong lịch sử hơn nửa thế kỷ qua của nước mình"
 ( Bài " Bầu cử và Quốc hội " viết ngày 9 tháng 6 năm 1997).

c) Về vấn đề chất lượng Quốc hội:

" Những người quan tâm việc nước không khỏi thất vọng và bức bối khi thấy các nhà lãnh đạo tỏ thái độ không nghiêm túc và có chủ trương không được đúng đắn đối với cuộc bầu cử Quốc hội khóa 12 sắp tới. Đối với cuộc bầu cử quan trọng này, tại sao chỉ thị của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam chỉ nêu tiêu chí cơ bản là: " Dân chủ, An toàn và Tiết kiệm" ? An toàn và tiết kiệm là những nhắc nhở thông thường cho mọi hoạt động xã hội, chẳng nhẽ về cuộc bầu cử mang ý nghĩa trọng đại đối với vận mệnh quốc gia này mà lại không có tiêu chí nào lớn lao hơn cần nêu lên để chỉ đạo thực hiện cho bằng được hay sao?

…… Cho nên tiêu chí cuộc bầu cử khóa 12 này, nên chăng, cần được sửa lại là: "Đổi mới phương thức ứng cử và bầu cử, phát huy tự do dân chủ thật sự để bầu được một Quóc hội xứng tầm với tình hình và nhiệm vụ mới 
"("Phải thật sự đổi mới cuộc bầu cử Quốc hội khóa 12" - 12 tháng 3 năm 2007). 

Ông đề nghị cụ thể:

"Trong ba chức năng của quốc hội, thứ nhất, quốc hội là cơ quan lập hiến, lập pháp cao nhất; thứ hai, quốc hội là cơ quan giám sát tối cao mọi hoạt động của nhà nước thì chức năng thứ ba, quốc hội là cơ quan cao nhất quyết định các vấn đề trọng đại quốc gia đòi hỏi đại biểu quốc hội phải là những chính khách sáng giá.

Tình hình thực tế ngặt nghèo chưa cho phép hy vọng những người như nghiên cứu sinh Nguyễn Tiến Trung, luật sư Lê thị Công Nhân, bác sỹ Phạm Hồng Sơn, kỹ sư Nguyễn Phương Anh … có thể được đưa vào danh sách bầu để trúng cử đại biểu Quốc hội mặc dù quả nhiên họ là những người có tư chất chính khách, có lòng ưu tư quốc sự mãnh liệt, nhưng, những người như: tiến sỹ Nguyễn Quang A, tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nhà báo Phan Thế Hải, tổng giám đốc cà phê Trung Nguyên … rất xứng đáng và cần thiết được tham gia vào cơ quan đại biểu cao nhất của nước ta hiện nay
" ("Phải thật sự đổi mới cuộc bầu cử Quốc hội khóa 12" - 12 tháng 3 năm 2007). 

d) Về vấn đề trẻ hóa Quốc hội:

"Quốc hội ta không chỉ có quá nhiều đảng viên Cộng sản mà còn rất già. Năm 1945, vận nước ở thế ngàn cân treo sợi tóc, một quốc hội trứng nước nhưng lại rất trẻ, rất tôn trọng người trẻ, được thiết lập. Anh Nguyễn Ðình Thi lúc ấy mới ngoài 20, không những chỉ được cử làm thư ký hội nghị mà ngay sau khi chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời đọc báo cáo về tình hình và nhiệm vụ, đã được thay mặt Quốc hội đọc đáp từ, xác nhận những thành tích của Chính phủ Liên hiệp Lâm thời. Cuối hội nghị anh còn được nhân danh đại diện Quốc hội đọc lời chào mừng Chính phủ mới.

Nước ta ngày nay không ở thế trứng nước như 1946 nhưng lại rất non trẻ trước thế giới kinh tế thị trường, trước cái ngỡ ngàng của yêu cầu hiện đại hóa trong làn sóng của nền văn minh thứ ba. May sao, qua bao nhiêu dập vùi bão táp, dân tộc ta cứ vẫn là một dân tộc trẻ. Chính ngoại trưởng Hoa Kỳ Warren Christopher cũng phải ngỡ ngàng khi ông phát biểu hôm đến thăm Việt Nam tháng 8 năm 1995: "Một điều ngạc nhiên là 3/5 người nước các bạn là dưới 25 tuổi. Việt Nam là một nước lâu đời, nhưng lại là một dân tộc trẻ. Tương lai của nó, và cái vị trí đang chuyển động của nó trong cộng đồng các dân tộc, là do các bạn nhào nặn".

Phải ra sức trẻ hóa quốc hội nước ta. Nên chăng cần quyết tâm đạt chỉ tiêu trung bình độ tuổi quốc hội chúng ta ngày nay chỉ chừng 40. Cần cảnh giác một số người chỉ do công thần hoặc tham quyền cố vị mà ra sức hù dọa bằng luận điểm hoàn toàn không đúng đắn: cán bộ lãnh đạo trẻ thì dễ bị "diễn biến hòa bình".

Tôi không đồng ý với điều 70 luật bầu cử quốc hội ở điểm ghi: "Trong trường hợp nhiều người được số phiếu bằng nhau thì người nhiều tuổi hơn là trúng cử". Ở đây cứ nên để tất cả cùng trúng cử vì: một là, trường hợp này hiếm khi xảy ra nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tổng số đại biểu quốc hội; hai là, như vậy mới bảo đảm nguyên tắc công dân bình đẳng trước quyền lợi và nghĩa vụ đối với đất nước.

Tin rằng, trong tình hình hiện nay, trí tuệ và tinh thần bảo vệ công lý sẽ tăng theo tỷ lệ nghịch với độ tuổi trung bình của quốc hội ta" ( "Bầu cử và Quốc hội" - 9 tháng 6 năm 1997).

e) Về vấn đề cơ cấu các thành phần trong Quốc hội:

"Chủ trương xem nặng cơ cấu đã đẻ ra thảm cảnh này: một đại biểu Quốc hội tâm tình với một đại biểu Quốc hội khác: "Em muốn xin thôi làm đại biểu Quốc hội có được không? Có làm sao không? Chứ mỗi kỳ họp Quốc hội là em sợ lắm. Lên đây em không hiểu cái gì. Không phát biểu được cái gì!" (Theo ông Trần Quốc thuận – phó Chủ nhiệm thường trực văn phòng Quốc hội)
Rõ ràng vấn đề cơ cấu không thể đặt trên, đặt trước vấn đề chất lượng đại biểu Quốc hội. Vì lệ thuộc vào cơ cấu mà phải đưa cả những người kém phẩm chất vào thì cơ cấu có hợp lý đến mấy Quốc hội cũng không vận hành tốt được, nhưng nếu có những bậc tài trí, uyên thâm, uyên bác trong Quốc hội rồi thì việc sắp xếp lại để thích ứng với cơ chế hợp lý sẽ không khó khăn gì.
Cho nên, điều quan trọng là phải đưa ra được những quy định rõ ràng, chặt chẽ nhưng thông thoáng và đồng đều để mọi người có tài đức và xứng đáng đều có thể được đưa vào danh sách đề cử và ứng cử viên.

Quy định rõ ràng, chặt chẽ đề hạn chế tình trạng ứng cử xô bồ, gây khủng hoảng thừa trong danh sách ứng cử viên, với sự hiện diện cả nhiều ứng cử viên kém phẩm chất. 

Quy định phải tạo điều kiện thông thoáng một cách đồng đều để công dân không ngại ứng cử và không bị gây khó dễ nếu "không hợp cơ cấu".

Rỡ bỏ tình trạng "bao cấp", "kế hoạch hóa cứng nhắc" trong nhân sự, chính trị-xã hội, trên cơ sở tin tưởng nhân dân, tôn trọng nhân dân, mạnh dạn ứng dụng " cơ chế thị trường tự do có lãnh đạo" cả trong lĩnh vực này, thực sự đổi mới cuộc bầu cử sắp tới là yêu cầu bức thiết không chỉ cho nhu cầu phát triển của đất nước mà còn vì sự tồn vong của đảng Cộng sản Việt Nam. 

Tạo nên một "sân chơi phẳng" trong cuộc bầu cử sẽ giải quyết êm thấm sự đôi co, mặc cả bao nhiêu phần trăm đảng viên, bao nhiêu phần trăm người ngoài Đảng được " cơ cấu " vào Quốc hội. Quy định 10% đại biểu là người ngoài Đảng đã quá chừng phi lý, nhưng cơ sở nào để đòi phải nâng lên hai phần ba, hay chỉ … 30%, 20% đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng?
" ("Phải thật sự đổi mới cuộc bầu cử Quốc hội khóa 12" - 12 tháng 3 năm 2007).

g) - Về việc tự ứng cử Quốc hội:

"Ở các nước, điều kiện tự ứng cử thường khá nghiêm ngặt. Một số nước quy định công dân phải từ 25 tuổi trở lên mới được ứng cử vào Hạ viện, từ 30 hoặc 40 mới được ứng cử vào Thượng viện. Người tự ứng cử muốn được lập danh sách ứng cử viên thì phải lấy được một số lượng chữ ký ủng hộ của cử tri nhất định. Ở Bỉ đòi hỏi từ 200 đến 500 chữ ký. Ở Canada, 2 chữ ký... Ngoài chữ ký, người tự ứng cử còn phải nộp một khoản tiền cược trước vào ngân sách nhà nước. Ở Nhật là 100.000 Yen; Ở Anh 150 Bảng; ở Pháp 1000 Franc. Số tiền này sẽ bị xung vào ngân quỹ nhà nước nếu ứng cử viên không nhận được một lượng phiếu bầu nhất định tùy theo quy định của từng nước: như ở Pháp là 5%, ở Italia là 1,5% tổng số phiếu bầu...

Ở Việt Nam, cực kỳ đơn giản, bất kỳ ai muốn tự ứng cử chỉ cần nộp vào Ủy ban bầu cử nơi mình ứng cử 3 loại giấy sau: (1) Ðơn xin ứng cử; (2) Sơ yếu lý lịch có chứng nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó công tác hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó thường trú; (3) Tiểu sử tóm tắt và 3 ảnh màu cỡ 4x6.

Ðiều kỳ lạ là, ở các nước, điều kiện nghiêm ngặt là thế nhưng rất nhiều ứng cử viên tự do đã được cử tri chọn bầu thật sự. Bầu vào Quốc hội, thậm chí bầu làm Tổng thống. Ở Việt Nam, ghi trên giấy thoải mái như vậy, nhưng suốt bao nhiêu khóa gần đây, người dân nói chung chẳng bao giờ được bỏ phiếu cho người tự ứng cử. Kỳ tổng tuyển cử Quốc hội khóa IX, trong số 32 người tự ứng cử chỉ 2 người được ghi vào danh sách ứng cử viên. Tuy nhiên, do thủ thuật lập danh sách, cả hai người được miễn cưỡng ghi tên đó cũng thất cử nốt.

Tôi đã từng trải nghiệm một thực tế. Năm 1992, do nghe anh em trong cơ quan khuyến khích, do được một vài vị thượng cấp gợi ý, do chân thành tin vào những lời hô hào trong các văn bản của Ðảng và Nhà nước, tôi đã làm thủ tục đăng ký tự ứng cử đại biểu quốc hội khóa IX. Sau khi báo Ðại Ðoàn Kết đăng bài phỏng vấn tôi, rất nhiều anh chị em trong và ngoài ngành địa chất, cả các cụ lão thành cách mạng hơn 40 tuổi đảng mà tôi chưa hề quen biết dồn dập gửi thư hoặc gọi điện thoại tới hoan nghênh, bày tỏ sự ủng hộ nhiệt thành và hy vọng tôi sẽ đắc cử. Tại hội nghị cử tri địa phương tôi được 96% phiếu thuận. Năm ấy trong khu dân cư Thanh Xuân Bắc có 4 ứng cử viên quốc hội, chị Phạm Thị Trân Châu, giáo sư tiến sĩ của trường đại học Tổng hợp Hà Nội, được nhân dân địa phương bỏ phiếu bầu 100%, tôi 96%, còn hai vị trung ương ủy viên đảng CSVN, một người trên 70%; một người trên 80%.

Ở địa phương, cán bộ đến từng nhà động viên bà con ra họp, cơ quan tôi có hơn 400 người nhưng chỉ 16 người có tên ghi trong sổ mời mới được đến họp. Và thật kỳ lạ, chính tại nơi đã "xui" tôi ra ứng cử, chỉ có 1/3 số người dám bỏ phiếu thuận. Sau này tôi mới được nghe kể về sự chỉ đạo ngầm rất quyết liệt sau bài phỏng vấn của báo Ðại Ðoàn Kết và sau kết quả bỏ phiếu thăm dò nhân dân địa phương đối với tôi. Họ buộc anh em cơ quan tôi phải làm điều trái lương tâm và phi pháp. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn xấu hổ khi thấy nhiều người không biết tình tiết sự thật, cứ nghĩ rằng tôi hoặc là người tin tưởng ngây thơ, hoặc quá hám chức sắc. Ðiều tôi không thể nào hiểu nổi là vì sao đất nước đã của mình, nhân dân đã của mình và ta thường nói đảng dựa vào dân, dân tin ở đảng nhưng rồi lại cứ phải thớ lợ, lọc lừa, quay quắt, gian xảo như vậy!
" ("Bầu cử và Quốc hội " - 9 tháng 6 năm 1997).

h) – Đề xuất rất hợp lý về vấn đề tự ứng cử Quốc hội:

"Để tránh tình trạng ứng cử tùy tiện, dẫn đến số ứng cử viên quá đông, cần đưa ra một số điều kiện nhằm khống chế số lượng thông qua một quy trình bầu cử sơ bộ tự nhiên. Theo thiển ý chúng tôi, quy trình đó được quy định bởi các điều kiện sau:

- Ứng cử viên phải lấy được ít nhất 120 chữ ký tin nhiệm của các công dân. Con số 120 này chỉ là ước định về một khả năng sẽ có không nhiều quá, cũng không ít quá số lượng ứng cử viên sẽ có. Khi số ứng cử viên tự ứng cử quá đông thì chỉ chọn đến người có số thứ tự bằng số đại biểu Quốc hội dự kiến sẽ bầu. ( Danh sách ứng cử viên được xếp từ trên xuống theo số lượng chữ ký tín nhiệm).

- Số chữ ký trong một khu vực lấy phiếu tín nhiệm (tạm gọi là đơn vị ứng cử ) không được quá 40. Điều kiện này nhằm đảm bảo ứng cử viên phải có uy tín trong một cộng đồng tương đối lớn chứ không chỉ khu biệt trong một địa phương, một dòng tộc, một cơ quan, một doanh nghiệp …

- Đơn vị ứng cử là một huyện, quận, một bộ, ngành, một tổ hợp các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất hay nghiên cứu có it nhất 500 người. Đối với Việt Kiều, đơn vị ứng cử là một quốc gia có Việt Kiều sinh sống. Các tổ chức chính trị mới thành lập ở trong nước nếu trình bầy được chính cương điều lệ rõ ràng trước ngày Hội đồng bầu cử đuợc thành lập, có số thành viên trên 40 cũng được xem là một đơn vị ứng cử.

- Đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam cũng được ứng cử tự do (Cần hủy bỏ ngay "Mười chin điều cấm kỵ dảng viên CSVN").

- Người được một cá nhân, một tổ chức đề cử nếu thỏa mãn những điều kiện trên cũng được chấp nhận.

- Việt Kiều chỉ được ứng cử chứ không bầu cử
" ("Để lựa chọn được người xứng đáng vào cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân" 30 tháng 1 năm 2007).

i) – Về vấn đề tăng cường chức năng giám sát tối cao của Quốc hội:

"Quốc hội khóa X sẽ phải làm thế nào để tăng cường một trong những chức năng quan trọng nhất của mình là "giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước". Ðặc biệt là đối với chính phủ! Rất nên tổ chức các cuộc bỏ phiếu trưng cầu, tức là bỏ phiếu phúc quyết để tạo điều kiện cho nhân dân được trực tiếp tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia. Trước mắt mấy vấn đề sau đây cần được đưa ra bàn thảo nghiêm túc và công khai trên báo chí rồi sau đó tổ chức bỏ phiếu trưng cầu trong toàn thể quốc dân:

1. Có nhất thiết phải chủ trương giành vị trí chủ đạo cho kinh tế quốc doanh ngay trong những năm tới không?

2. Có nên cho các nhà xuất bản tư nhân và báo chí tư nhân hình thành và hoạt động không?

3. Có nên kiến tạo đường Trường Sơn công nghiệp hóa và xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên ở Dung Quất không?

Những gì đang tới cũng khiến người ta trông mong. Mong rằng rồi đây chúng ta sẽ có một quốc hội trí tuệ hơn, trẻ trung hơn, biểu hiện rõ rệt hơn ý chí phấn đấu cho một nền dân chủ thật sự, xóa bỏ những thế lực chính trị đặc quyền, đặc lợi, góp phần tích cực thực hiện nguyên tắc " tất cả mọi quyền lực thuộc về nhân dân".

Mong lắm lắm. Mong cháy lòng" ( "Bầu cử và Quốc hội" - 9/6/1997 ).

Đọc lại những lời bàn bạc, góp ý tha thiết, đầy trí tuệ này tôi thấy vừa cảm phục, quý mến vừa thương Thanh Giang vô cùng. Những câu, những đoạn trích dẫn nguyên văn như trên, thấy như bây giờ Đảng mới đang viết trên các báo của mình. 

Thế mà người ta đã làm tình làm tội con người này thật dã man tàn bạo: khám nhà gần chục lần; rồi bỏ tù; rồi tổ chức cho bọn côn đồ giả danh thương binh xông vào nhà gây sự hành hung; rồi dựng chuyện đánh lừa anh em dân chủ để kích động họ quay mũi nhọn đả kích rất nặng lời; rồi thuê tiền bọn bồi bút bịa đặt, xuyên tạc để bôi bẩn, xỉ nhục thậm tệ trên mặt các báo của Đảng…!

Dẫu sao, như Thanh Giang, ta cũng mong lắm lắm, mong cháy lòng, sao cho Quốc hội kỳ tới nhờ thành khẩn tiếp thu những ý kiến chí lý, chí tình trên đây mà sẽ thực sự khá lên đôi phần.


Phạm Quế Dương


Con Dân Nước Việt là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment